Nhiều phát sinh trong đào tạo nhân lực ngành du lịch hậu dịch Covid-19


Mặc dù người của doanh nghiệp được phép tham gia đào tạo nhưng chưa có qui định về tiêu chuẩn riêng cho đối tượng này, nếu chiếu theo qui định cho giáo viên thực hành thì nhiều người trong số họ không đáp ứng được.


Bước vào năm 2022 với nhiều dấu hiệu tích cực trong việc khống chế dịch bệnh Covid-19 ở khắp các địa phương trên cả nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nhất là lĩnh vực du lịch đã được mở cửa trở lại để góp phần phục hồi kinh tế đất nước, dẫn đến tình trạng thiếu hút nhân lực trong ngành du lịch. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Vụ Đào tạo của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VHTTDL), Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐTBXH) Kiên Giang, các cơ sở GDNN, doanh nghiệp... vừa cùng nhau  thảo luận để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển đào tạo nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch.

Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết lĩnh vực Giáo dục Nghề nghiệp đã trải qua 2 năm hết sức khó khăn do dịch bệnh, lần đầu tiên sau nhiều năm, kết quả tuyển sinh các cấp trình độ trong Giáo dục Nghề nghiệp đã không đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra (chỉ đạt 85% kế hoạch năm 2021). Trong 2 năm qua, nhiều lĩnh vực ngành, nghề đào tạo đã rất khó khăn trong công tác tuyển sinh, trong đó có lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng...

 


Tuyển sinh, đào tạo trong lĩnh vực du lịch, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, 2 năm qua cũng đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi mà hoạt động này gần như tê liệt do dịch bệnh, người làm bỏ việc, thiếu việc làm do các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa dừng hoạt động đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người học. Giờ đây các hoạt động trở lại thì lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động.

Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch về số lượng tuyển sinh đối với 15 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp du lịch được thực hiện vào tháng 9/2021 cho thấy trong đến tháng 9 năm 2021 số lượng tuyển sinh đã bị sụt giảm 32%; đến hết năm (tháng 12/2021) kết quả tuyển sinh 2021 chỉ bằng 50% so với năm 2019, giảm khoảng 50%.

Năm 2019, Việt Nam có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch; năm 2020, gần 80% nhân sự trong lĩnh vực này bị cắt giảm; năm 2021, chỉ có 25% trong số còn lại làm đủ thời gian.

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà ngành du lịch gặp phải, Thạc sĩ Ngô Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho rằng: “Kể từ khi Chính phủ áp dụng chính sách mở cửa đón khách quốc tế đến Việt Nam cho đến thời điểm này, lần đầu tiên ngành du lịch chúng ta bị ảnh hưởng như vậy. Trước đây nước ta bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, dịch SARS nhưng nó chỉ ở tầm khu vực là Bắc Á, Trung Quốc nhưng lần này là chuỗi toàn cầu.”

Bà Đinh Bích Diệp - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu cũng chia sẻ, việc liên kết hợp tác giữa nhà trường với các đối tác doanh nghiệp trong thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, du lịch là ngành có sự dịch chuyển lao động lớn, các doanh nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đối mặt với tình hình nhân viên chuyển việc, đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp rất thận trọng khi đặt hàng đào tạo hệ cao đẳng.

Mặc dù người của doanh nghiệp được phép tham gia đào tạo nhưng chưa có qui định về tiêu chuẩn riêng cho đối tượng này, nếu chiếu theo qui định cho giáo viên thực hành thì nhiều người trong số họ không đáp ứng được, cụ thể là qui định về nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề, nhất là đối với những chuyên gia có độ tuổi trên 35, tay nghề rất tốt nhưng không có văn bằng chứng minh, do đó nhà trường phải bố trí giảng viên theo kèm các lớp.
 
Những phát sinh từ các phía trong quá trình đào tạo và quản lý học sinh sinh viên đòi hỏi hai bên phải xây dựng đội ngũ phối hợp tốt trong đó có vai trò rất quan trọng của hai điều phối viên của hai phía. Đặc biệt, sự thay đổi về chính sách của doanh nghiệp khi có sự thay đổi các nhà quản lý cấp cao cũng đòi hỏi phải giải quyết bằng những buổi làm việc và bàn bạc lại về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của các bên.

Ngoài ra, có doanh nghiệp do thiếu nhân sự có khả năng sư phạm nên không bố trí cố định người hướng dẫn, huấn luyện học sinh sinh viên thực tập do đó việc thực tập của sinh viên không hiệu quả, vì vậy nhà trường buộc phải dừng việc hợp tác.

Trước những khó khăn này, ông Trương Anh Dũng nêu: "Trách nhiệm của hệ thống GDNN trong công cuộc vực dậy kinh tế du lịch đó là đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực lao động có tay nghề để tham gia vào thị trường lao động, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng khi mà mở cửa du lịch là một mũi nhọn đã được Chính phủ xác định là trọng tâm trong phục hồi kinh tế".

Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chia sẻ: "Trong thời gian vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng rất quan tâm lĩnh vực này. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo ngay trong năm 2021 vừa qua, chúng tôi đã xây dựng một đề án phát triển nhân lực ngành du lịch thích ứng với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 năm 2021 - 2030 và xác định những kịch bản để phục hồi, kịch bản phát triển mà trong đó đã nêu ra những giải pháp ngay trong thời gian tới đây."

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh chủ trương gắn kết nhà trường - doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là một phần không thể thiếu trong hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương này, Tổng cục GDNN đã tổ chức nhiều chương trình ký kết hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty lớn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GDNN hợp tác, liên kết trong hoạt động đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực.

Ông Vũ Hoài Phương - Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Huế nêu 4 kinh nghiệm được nhà trường đúc kết trong quá trình hợp tác đào tạo với doanh nghiệp. Đó là, thứ nhất, cơ sở đào tạo (CSĐT) phải chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, khảo sát tổng thể các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng nhu cầu hợp tác đào tạo và xây dựng khung hợp tác, điều chỉnh kế hoạch đào tạo thích ứng với các biểu đồ hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ hai, lựa chọn doanh nghiệp hợp tác theo tiêu chí trực thuộc tập đoàn quản lý quốc tế; có bộ phận đào tạo độc lập; có chương trình và ngân sách tiếp nhận sinh viên thực tập;  có nhiều dịch vụ trong doanh nghiệp; có tinh thần mong muốn hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Thứ ba, CSĐT cần hình thành bộ phận chuyên trách hợp tác với doanh nghiệp thông qua việc xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác đào tạo doanh nghiệp, theo dõi hỗ trợ sinh viên để thường xuyên trao đổi thông tin và điều chỉnh kịp thời.

 

Nguồn: vavet.vn

Link: https://vavet.vn/thieu-hut-nghiem-trong-luc-luong-lao-dong-nganh-du-lich%C2%A0hau-dich-covid-19-n19135.html

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722183

TRUY CẬP HÔM NAY: 6806

ĐANG ONLINE: 35