Phát triển kỹ năng số, thích ứng với thị trường lao động


Trong lực lượng lao động qua đào tạo nghề, lao động thanh niên chiếm tỷ lệ chủ yếu và là những người tiếp thu nhanh khoa học, công nghệ, có tính năng động cao.

Tuy nhiên, trong tổng số thanh niên, số lao động được đào tạo nghề chiếm tỷ lệ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Quy mô tăng nhưng chưa tương xứng với lực lượng

Đủ điểm đỗ vào Trường Đại học Giao thông vận tải nhưng Dương Nhật Tân, cựu học sinh Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lựa chọn theo học lớp điện công nghiệp của Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh. Chia sẻ về nguyên nhân quyết định trên, Tân cho biết bản thân nhận ra nhu cầu nhân lực nghề này khá cao. Hơn nữa, đây là chương trình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế về ngành điện công nghiệp tại Hà Tĩnh. Phấn khởi khi giành học bổng với kết quả học tập, rèn luyện xuất sắc, Dương Nhật Tân chia sẻ: “Điện công nghiệp là một trong những ngành, nghề trọng điểm được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phê duyệt. Chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ mở ra cho tôi nhiều cơ hội việc làm”.

Dương Nhật Tân là một trong số rất nhiều thanh niên lựa chọn học ngành, nghề trọng điểm. Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc, từ năm 2016 đến nay, việc đào tạo ngành, nghề trọng điểm trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp được triển khai quyết liệt và có tính đồng bộ cao. Điểm nhấn của đào tạo ngành, nghề trọng điểm cho thanh niên là Chính phủ cho phép giáo dục nghề nghiệp thí điểm đào tạo một số nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. Người học tốt nghiệp các chương trình đào tạo này, ngoài có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận, còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất đạt trình độ B1-B2 theo khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Không chỉ ở ngành, nghề trọng điểm, theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ học sinh, sinh viên là thanh niên được tham gia đào tạo nghề tăng lên, nhất là trình độ trung cấp và cao đẳng. Trong hoạt động đào tạo đã tăng thời lượng thực hành, thực tập, kết hợp vừa đào tạo vừa sản xuất tại doanh nghiệp. Từ năm 2020 đã triển khai đào tạo nghề và kiến thức kinh doanh khởi sự doanh nghiệp cho lao động trẻ nông thôn; đào tạo nghề cho người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác. Tổ chức nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn gắn với phát triển du lịch tại cộng đồng; xây dựng và tổ chức thí điểm các mô hình đào tạo thích ứng theo yêu cầu vị trí làm việc trong doanh nghiệp ở trong và ngoài nước; đào tạo nghề chuyển đổi cho lao động nông thôn, lao động nữ, thanh niên dân tộc thiểu số, lao động trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, người thất nghiệp theo mục tiêu vị trí làm việc của doanh nghiệp, hợp tác xã.

 

Đào tạo nghề cho thanh niên tại Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: TRUNG TÂM


Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam cho biết, các địa phương, trong đó có tổ chức đoàn thanh niên đã có những mô hình đào tạo nghề cho thanh niên phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương và từng nhóm thanh niên. Một số mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, khởi sự doanh nghiệp được triển khai hiệu quả, như: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp đối với thanh niên làm việc tại các khu công nghiệp; đào tạo nghề gắn với chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh của thanh niên...; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là nhân lực trẻ chất lượng cao.

Theo thống kê, năm 2021, thanh niên từ 16 đến 30 tuổi của nước ta là gần 24 triệu người, chiếm 24,3% tổng dân số cả nước. Số liệu điều tra lao động-việc làm quý II-2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động thanh niên (độ tuổi từ 15 đến 24) khoảng 5,22 triệu người, chiếm 43% tổng số thanh niên và chiếm 10,2% tổng lực lượng lao động cả nước. Mặc dù công tác đào tạo nghề cho thanh niên đạt được kết quả tích cực, song thực tế, trong tổng số thanh niên, số lao động hiện được đào tạo nghề chiếm tỷ lệ còn thấp (khoảng 20%-21%).

Nói về những tồn tại, hạn chế, đồng quan điểm với Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ, lãnh đạo các ban, ngành chức năng và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho rằng, mặc dù quy mô đào tạo nghề cho thanh niên tăng nhưng chưa tương xứng với nhóm dân số trong độ tuổi thanh niên. Tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề vẫn còn thấp hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước (19% so với 24,1%). Một số kỹ năng cần thiết, nhất là kỹ năng sáng tạo, kỹ năng số của thanh niên còn yếu, chưa thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Đổi mới đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Mới đây, tại diễn đàn “Đào tạo nghề cho thanh niên” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, cùng với hoàn thiện các cơ chế, chính sách thì nhóm giải pháp cần chú trọng là nâng cao chất lượng đào tạo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thanh niên, học sinh, sinh viên, người sử dụng lao động và môi trường làm việc, đòi hỏi các hoạt động đào tạo phải thay đổi căn bản; tổ chức đào tạo theo mô đun, tín chỉ và đa dạng hình thức đào tạo: Trực tuyến, trực tiếp, trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Chương trình đào tạo phải được thiết kế linh hoạt, một mặt đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; mặt khác, tạo sự liên thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề.

Phương pháp đào tạo cần thay đổi trên cơ sở lấy người học làm trung tâm và ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng, truyền đạt bài giảng, mô phỏng hóa các thiết bị đào tạo. Cùng với đó là sự đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra trong đào tạo nghề có sự tham gia của doanh nghiệp, theo hướng đáp ứng năng lực làm việc và tính sáng tạo của người học. Đổi mới hoạt động quản trị nhà trường, quản lý, bảo đảm chất lượng, áp dụng các phương pháp quản trị tiên tiến phù hợp với quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường.

Nhiều chuyên gia đề xuất đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp trong các khâu của quá trình đào tạo, từ việc xác định nhu cầu kỹ năng, quy mô và cơ cấu nhân lực, đến việc thiết kế chương trình đào tạo và phối hợp trong đào tạo, thực hành và đánh giá kết quả học tập của thanh niên. Xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến; khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa; hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo...

Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với việc nâng cao năng lực, kỹ năng số cho thanh niên, công tác đào tạo nghề phải gắn kết chặt chẽ với yêu cầu của thị trường lao động. Bởi vậy, cần ứng dụng các phương pháp hiện đại trong dự báo cung-cầu nhân lực để dự báo nhu cầu đào tạo, nhu cầu nghề nghiệp của thanh niên. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đào tạo nghề, hướng nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực và đào tạo nghề quốc gia.

Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều đột phá về công nghệ dẫn tới chuyển dịch cơ cấu lao động, các hệ thống tự động dần thay thế lao động thủ công, ảnh hưởng đến việc làm của lao động kỹ năng.

Đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của lao động trẻ, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện thật tốt, giám sát thực hiện về đào tạo nghề cho thanh niên; đồng thời nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, có chính sách đột phá để đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Cùng với việc chăm lo, tạo điều kiện của các cấp, các ngành thì bản thân mỗi thanh niên cần không ngừng nỗ lực rèn luyện, học tập, phát huy sức trẻ, trí tuệ, nhiệt huyết, hun đúc lý tưởng, thực hiện thành công ước mơ, hoài bão trong mọi lĩnh vực, ngành nghề.

 

Nguồn: qdnd.vn - Khánh Minh

Link: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-ky-nang-so-thich-ung-voi-thi-truong-lao-dong-691228

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024936181

TRUY CẬP HÔM NAY: 1499

ĐANG ONLINE: 14