Cần có chính sách lâu dài, căn cơ để thu hút lao động


Ngày 4/3, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến với một số Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành nhằm nắm bắt tình hình lao động và đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở các địa phương, ngành. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì Hội nghị.

 

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN


Báo cáo về tình hình lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Phó Trưởng Ban Chính sách - pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Hồng Quang cho biết: Theo báo cáo nhanh của 29/38 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, có khoảng 95% người lao động trên cả nước đã đi làm trở lại.

Một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ lao động đi làm trở lại sau Tết đạt tỷ lệ cao, như: Cần Thơ (100%), Công đoàn Xây dựng Việt Nam (100%), Đà Nẵng (99,8%), Quảng Ninh (98,8%), Thanh Hóa (98,7%), Tây Ninh (98,7%), Phú Thọ (98,5%), Thừa Thiên - Huế (98,4%), Hà Nội (98,1%), Hà Nam (98%), Hưng Yên (97,3%), Hải Phòng (96%); Long An (95%), Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (95%)… Một số địa phương có tỷ lệ người lao động trở lại làm việc thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, như: Nghệ An (75,7%), Bình Thuận (70%).

Báo cáo từ các địa phương có đông công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất cho thấy, hiện tại, ở nhiều địa phương số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 (thực hiện điều trị, cách ly do dịch COCID-19) khá cao, như: Hải Phòng (trên 42.000 lao động), Bắc Giang (22.000 lao động)… nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Lý do chính là sau Tết Nguyên đán, một bộ phận người lao động trở về quê (chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và miền Trung) chưa trở lại các tỉnh, thành phố khu vực trọng điểm phía Nam để làm việc, hoặc đã tìm được việc làm mới ở quê nhà, muốn gắn bó gần hơn với gia đình nên không trở lại làm việc.

Bên cạnh đó, một phần không nhỏ trong số chưa quay trở lại thị trường lao động do e ngại lây nhiễm dịch bệnh, nhất là người lao động đang nuôi con nhỏ, có người thân lớn tuổi; một bộ phận người lao động do chưa tiêm đủ vaccine nên còn ngại quay trở lại làm việc. Đặc biệt, do giá cả thị trường tăng, mức lương nhận được không đủ trang trải chi phí cuộc sống nên một số lượng lớn công nhân chuyển sang các địa bàn thuộc vùng lương cao hơn hoặc chuyển sang làm việc khác, dẫn đến mất cân bằng về lao động.

Tại Hội nghị, đại diện công đoàn cơ sở và chủ doanh nghiệp một số địa phương cũng nêu hạn chế, bất cập trong chính sách hiện nay, đó là một số chính sách, phúc lợi của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp không cao hơn các doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp nên không giữ chân được người lao động, không thu hút được người lao động vào làm việc.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho biết: Năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương lên tới 90.000 lao động. Tuy nhiên, nhiều công nhân lao động trở về quê ăn Tết chưa trở lại Bình Dương làm việc do ở địa phương cũng có khu công nghiệp, điều kiện, giá cả sinh hoạt ở quê thấp hơn ở Bình Dương rất nhiều. Bà Loan đưa ra bài toán, thu nhập của công nhân lao động ở Bình Dương khoảng 7 triệu đồng (phải thuê nhà, lo cho con cái học hành, giá sinh hoạt cao), trong khi đó ở quê, công nhân lao động chỉ cần thu nhập từ 4-5 triệu đồng là có thể đảm bảo cuộc sống, lại không phải xa người thân.

Từ thực tế trên, bà Loan đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có đề xuất với Chính phủ xem xét tăng lương tối thiểu vùng, để doanh nghiệp căn cứ vào đó tăng lương cho người lao động, giúp người lao động an tâm ở lại Bình Dương làm việc.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Công đoàn các cấp cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào phục hồi thị trường lao động là giải pháp mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Trong đó, với tổ chức Công đoàn là thực hiện tốt hơn sứ mệnh chăm lo cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn, từ đó thu hút người lao động về với tổ chức Công đoàn.

Bên cạnh đó, hoạt động cũng nhằm thực hiện chủ đề công tác năm 2022 của Công đoàn là chăm lo việc làm, đời sống người lao động. Đây cũng là sự chia sẻ của Công đoàn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khó khăn, thiếu hụt lao động. Với Chính phủ, đây là hoạt động khẳng định sự đồng hành của Công đoàn với Chính phủ để thực hiện mục tiêu khôi phục, phát triển kinh tế và đạt chỉ tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị các cấp Công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho người lao động sớm trở lại doanh nghiệp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng khuyến khích Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố phối hợp với nhau để tuyển dụng, điều phối lao động, qua đó góp phần ổn định đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động.

Tại Hội nghị, đại diện Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần có các chính sách lâu dài, căn cơ, xem xét ban hành các chính sách nhằm thu hút người lao động đến làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm, như: Xây dựng nhà ở cho công nhân thuê giá rẻ, xây các chung cư, nhà ở xã hội để bán cho người lao động với thời hạn trả khoảng 20 năm để người lao động yên tâm làm việc…

 

Nguồn: baomoi.com

Link: https://baomoi.com/can-co-chinh-sach-lau-dai-can-co-de-thu-hut-lao-dong/c/41929874.epi

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024931806

TRUY CẬP HÔM NAY: 4564

ĐANG ONLINE: 13