Nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết tại TP HCM rất cao. Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM dự báo năm 2022, TP cần 255.000-310.000 lao động. Qua khảo sát sơ bộ tại các trung tâm giới thiệu việc làm, dù nhu cầu rất lớn nhưng các doanh nghiệp (DN) cũng đưa ra tiêu chí tuyển dụng khắt khe, đòi hỏi cao hơn ở ứng viên.

Không dễ tìm tiếng nói chung

Tốt nghiệp ngành dược Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ từ năm 2018, chị Thảo (24 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM) đã có gần 2 năm làm công việc chăm sóc khách hàng cho các bệnh viện tư. Sau khi sinh con, chị xin nghỉ việc ở nhà đến nay.

Tra cứu thông tin tuyển dụng thông qua mạng internet, chị Thảo tìm được khá nhiều cơ sở thông báo tuyển lao động. Tuy nhiên, khi đến phỏng vấn ở nhiều nơi, chị vẫn chưa xin được việc vì tiêu chí tuyển dụng rất khắt khe. "Ngoài ngoại ngữ, nhà tuyển dụng còn yêu cầu ứng viên phải làm thêm giờ trong khi con tôi còn quá nhỏ. Hơn nữa, mức lương họ đưa ra thấp hơn chỗ làm cũ. Tôi sẽ nộp hồ sơ một số nơi khác để thử vận may" - chị Thảo cho biết.

Trước đây, anh Nguyễn Hoàng Duy (26 tuổi, quê Vĩnh Long) là bếp chính tại một nhà hàng Nhật. Dịch bệnh bùng phát khiến nhà hàng đóng cửa và anh rơi vào cảnh thất nghiệp. Trước khi dịch bệnh bùng phát tại TP HCM, thu nhập mỗi tháng của Duy dao động từ 13-15 triệu đồng.

"Mất việc, tôi đăng ký chạy xe ôm công nghệ để trang trải cuộc sống. Khi thành phố nới lỏng giãn cách, tôi liên hệ nhiều nơi nhưng chưa tìm được việc, chủ yếu do không tìm được tiếng nói chung về mức lương với nhà tuyển dụng" - anh Duy nhớ lại.

Săn việc sau Tết: Khó hay dễ? - Ảnh 1.

Nhiều sàn giao dịch việc làm đã hoạt động trở lại sau Tết. Ảnh: GIANG NAM

Thị trường đang chuyển biến tích cực

Ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, đánh giá thị trường lao động sau Tết 2022 đang có chuyển biến tích cực, sôi động trở lại vì nhiều DN cần tuyển dụng để phục vụ kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong năm mới. Trong khi đó, một lượng lớn người lao động (NLĐ) từ các tỉnh tiếp tục quay lại TP HCM sau khi dịch bệnh được kiểm soát và sau thời gian nghỉ Tết.

"Các hoạt động chăm lo Tết của thành phố và chi trả lương, thưởng, phúc lợi của DN cũng đã góp phần ổn định thị trường lao động sau Tết. Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, trong đó có các giải pháp hỗ trợ NLĐ quay trở lại làm việc, đã phát huy tác dụng rõ rệt. Điều này góp phần giải quyết những khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự và cũng là cơ hội việc làm cho sinh viên, học viên, NLĐ trong thời gian tới" - ông Vân nhấn mạnh.

Theo ông Vân, thị trường lao động đang diễn tiến theo hướng cần nhiều người có chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và được đào tạo. Đòi hỏi của nhà tuyển dụng cũng ngày càng cao nên NLĐ cần phải liên tục trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng, từ đó cải thiện thu nhập của mình.

Đồng quan điểm trên, bà Trần Thị Kiều Oanh, Giám đốc nhân sự Công ty CP Sài Gòn Food, cho rằng sau Tết, nhu cầu tuyển dụng của các DN thuộc khối sản xuất khá cao. Nhiều công ty tuyển cả ngàn lao động, ít hơn cũng vài trăm người với nhiều vị trí khác nhau để phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh. Vì thế, cơ hội việc làm cho NLĐ rất rộng mở.

"Sau kỳ nghỉ Tết, đa phần NLĐ sẽ quay lại làm việc và tìm việc. Do đó, việc tuyển dụng cũng gặp nhiều thuận lợi. Cơ hội việc làm nhiều cũng giúp cho sự lựa chọn của NLĐ phong phú hơn. Tuy nhiên, ở góc độ người làm nhân sự, tôi nghĩ NLĐ nên cân nhắc, chọn lựa những DN có bề dày hoạt động, có mức thu nhập khá và có chế độ phúc lợi tốt. Điều quan trọng nữa là cơ hội được đào tạo, được rèn luyện để có một nghề nghiệp ổn định cho tương lai" - bà Oanh nhìn nhận. 

Người lao động mong muốn môi trường làm việc linh hoạt

Nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi YouGov (Anh) - một công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường dựa trên internet và Công ty Giải pháp nhân sự Grove HR (Việt Nam) - cho thấy môi trường làm việc lý tưởng đã biến đổi trong thời gian xảy ra dịch Covid-19. Theo đó, 40% NLĐ Việt Nam mong muốn một môi trường làm việc linh hoạt, kết hợp làm việc tại công sở và làm việc từ xa trong năm 2022. Chỉ 21% muốn làm việc toàn thời gian tại công ty. Báo cáo kết luận rằng cân bằng trong công việc và cuộc sống là yếu tố quan trọng nhất đối với các ứng viên Việt Nam đang tìm việc trong năm 2022.

Khảo sát cũng cho thấy gần một nửa NLĐ (49%) có ý định thay đổi việc làm trong năm 2022. So với đỉnh dịch năm 2021, tỉ lệ này chỉ thấp hơn 2% và tương đồng với xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, để thu hút NLĐ, các công ty cần đưa ra chế độ lương bổng và đãi ngộ tốt, đặc biệt khi phần lớn NLĐ mong muốn mức lương cao hơn khoảng 10%-30% so với hiện tại. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, NLĐ Việt Nam quan tâm nhiều hơn về sức khỏe của mình. Phần lớn chỉ cảm thấy an toàn khi trở lại môi trường công sở một khi họ, gia đình và đồng nghiệp đã được tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ.