Nhu cầu nhân lực khu vực thương mại - dịch vụ, công nghệ thông tin chiếm đa số


Nhu cầu nhân lực khu vực thương mại - dịch vụ, công nghệ thông tin chiếm đa số


Dự kiến nhu cầu nhân lực của TPHCM và Hà Nội - hai đầu tàu kinh tế trong năm 2022 cần hàng trăm nghìn chỗ làm việc. Theo đó, các ngành thương mại - dịch vụ và công nghệ thông tin chiếm đa số.
 
Tuyển lao động thu nhập từ 7,5 đến 10 triệu đồng/tháng

Những ngày đầu năm, Công ty Nissei Electric Việt Nam (doanh nghiệp của Nhật bản chuyên gia công các bộ dây điện xe hơi ở KCX Linh Trung 1, TPHCM) đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 200 lao động. Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐ Công ty Nissei Electric Việt Nam - cho biết việc tuyển dụng lao động trên nhằm bù đắp số lượng công nhân nghỉ việc, nhảy việc đầu năm và phục vụ cho nhu cầu một chuyền sản xuất mới được chuyển từ nhà máy ở Tiền Giang lên TPHCM. “Ngoài mức lương cơ bản khoảng 5 triệu đồng, NLĐ còn được hưởng các phụ cấp nhà ở 300.000 đồng/tháng, phụ cấp chuyên cần 400.000 đồng/tháng… Nếu chịu khó tăng ca NLĐ có thể thu nhập khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng” - bà Vân cho biết.

Còn ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc Nhân sự Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công (KCN Tân Bình), cho biết, thông thường hằng tháng và dịp đầu năm có những biến động nhân sự nhất định, tuy nhiên số lượng này không nhiều. Năm nay, để phục vụ cho một dự án mới tại tỉnh Vĩnh Long, công ty có nhu cầu tyển dụng khoảng 1.500 lao động ngành may với mức lương hằng tháng khoảng 7,5 triệu đồng, chưa kể các khoản tiền thưởng.

Ở lĩnh vực thương mại, bà Trần Thị Ánh Hường - Trưởng phòng Nhân sự Công ty Global Fashion - đơn vị sở hữu nhãn hàng Vacara - cho biết, năm nay do không mở rộng hệ thống các cửa hàng nên công ty chỉ tuyển dụng khoảng 200 lao động để bù cho số lượng nhân viên có thay đổi công việc hay nghỉ việc. Ngoài mức lương theo quy định của pháp luật, nhân viên sẽ hưởng thêm tiền lương từ kết quả bán hàng, do đó có thể có sự chênh lệch giữa cửa hàng này và cửa hàng khác, tùy thuộc kết quả kinh doanh và thu nhập của nhân viên có thể dao động từ 7,8 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng/tháng.

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, năm 2022, thị trường lao động TPHCM tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỉ trọng lao động khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân - Phó Giám đốc Trung tâm - cho biết, nhu cầu nhân lực của TPHCM sẽ phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch COVID-19. Nếu dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2022 cần khoảng 255.000 - 280.000 chỗ làm việc, trong đó quý I cần khoảng 71.500 - 78.500 chỗ làm việc. Còn nếu dịch bệnh được kiểm soát, diễn biến theo chiều hướng tích cực, dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2022 cần khoảng 280.000 - 310.000 chỗ làm việc, trong đó, quý I cần khoảng 78.500 - 86.900 chỗ làm việc.

Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 65,41% tổng nhu cầu nhân lực năm 2022. “Để thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động trong tình hình mới, các doanh nghiệp cần tạo nơi làm việc an toàn và lành mạnh với các chính sách làm việc linh hoạt, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút và giữ chân NLĐ. Bên cạnh đó, NLĐ cũng cần chia sẻ cùng doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, NLĐ cần phải nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để thích ứng và hội nhập” - tiến sĩ Vân khuyến cáo.

Khan “cung” ở một số ngành

Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch bệnh, dự kiến năm 2022, một số ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn như thương mại điện tử, logistic, vận tải, kho bãi, một số nhóm ngành nghề về phân tích dữ liệu nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến.

Ngoài ra, nhóm ngành về thương mại quốc tế cũng sẽ tăng tuyển dụng qua việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do, thậm chí một số nghề mới sẽ có thể phát sinh. Riêng số nhóm ngành nghề truyền thống năm qua có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, dự báo vẫn tiếp tục xu hướng này như bán hàng, thương mại, văn phòng, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc Navigos Search khu vực miền Bắc - cho hay, các vị trí công nghệ thông tin và bán hàng đang được doanh nghiệp tài chính - ngân hàng tuyển dụng số lượng lớn. Theo quan sát của Navigos Search, từ cuối quý IV/2021 bắt đầu xuất hiện các dự án tuyển dụng số lượng lớn cho các vị trí như công nghệ thông tin trong các công ty tư vấn dịch vụ tài chính và các vị trí bán hàng từ các công ty bảo hiểm và ngân hàng.

Việc tuyển dụng này để phục vụ cho việc mở rộng và phát triển kinh doanh năm 2022. Đây cũng là những tín hiệu dự báo trong năm 2022 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng quy mô lớn trong mảng tài chính - ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao.

Theo bà Lan, công nghệ thông tin và viễn thông vẫn là ngành sôi động trên thị trường tuyển dụng. Những ngành này không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19 nên các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển dụng. Thị trường đang xuất hiện các công ty trong mảng công nghệ thông tin đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mở văn phòng đại diện hoặc thành lập các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về kỹ thuật. Các doanh nghiệp có nhiều nhu cầu tuyển dụng nhân sự giỏi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo - dữ liệu lớn... Tuy nhiên, nguồn cung nhân sự cho các mảng này lại chưa có nhiều nên dẫn đến sự cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng trong ngành này.

 

Nguồn: laodong.vn - Nam Dương - Lê Hoa

Link: https://laodong.vn/cong-doan/nhu-cau-nhan-luc-khu-vuc-thuong-mai-dich-vu-cong-nghe-thong-tin-ch-1012924.ldo

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024929258

TRUY CẬP HÔM NAY: 2001

ĐANG ONLINE: 36