Phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng


(Quanlynhanuoc.vn)  Báo cáo chính trị của Đại hội XIII đã nhấn mạnh đến 3 đột phá chiến lược: về thể chế, về nguồn nhân lực (nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao), về hệ thống kết cấu hạ tầng. Mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh đến ba chiến lược: về thể chế, về hệ thống kết cấu hạ tầng
và về nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

1. Về nguồn nhân lực (NNL), nhất là NNL chất lượng cao, từ Đại hội XI, Đảng ta đã khẳng định: “Phát triển nhanh NNL nhất là NNL chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển NNL với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Kết quả thực hiện đột phá này, Đại hội XII đánh giá: “Phát triển NNL và khoa học, công nghệ đạt được những kết quả tích cực”. Tuy nhiên, “Phát triển NNL và ứng dụng khoa học, công nghệ còn chậm. Chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề cải thiện còn chậm, thiếu lao động chất lượng cao. Hệ thống giáo dục còn thiếu tính liên thông, chưa hợp lý và thiếu đồng bộ”; “Khoa học, công nghệ chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội…”.

Tại Đại hội XIII, Đảng tiếp tục nhấn mạnh về phát triển NNL một cách toàn diện hơn, đầy đủ hơn và chính xác hơn. Báo cáo Chính trị Đại hội XIII bổ sung ưu tiên “Phát triển NNL cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở chú trọng nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1.

Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII về thực hiện đột phá về NNL, các văn kiện Đại hội XIII đã đề ra nhiệm vụ cụ thể hơn rất nhiều so với Đại hội XI, XII của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII yêu cầu, ưu tiên phát triển NNL cho các lĩnh vực then chốt; tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ; đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Với sự ưu tiên phát triển NNL chất lượng cao đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII cho thấy, đường lối, chủ trương về phát triển NNL ở nước ta theo xu hướng đáp ứng được chất lượng, yêu cầu trong bối cảnh thế giới hiện nay đó là cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, cạnh tranh, hội nhập quốc tế, đó là ưu tiên phát triển nhanh, bền vững… Đây cũng là bước đột phá chiến lược trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế – xã hội còn thấp khi bước vào nền kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế… Do đó, yêu cầu nâng cao chất lượng NNL, nhất là trí lực có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững. Nguồn lực con người, vốn, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất – kỹ thuật, khoa học – công nghệ… có mối quan hệ nhân – quả với nhau, trong đó NNL được xem là nguồn lực quan trọng nhất, chi phối các nguồn lực khác và quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. So với các nguồn lực khác, NNL với yếu tố hàng đầu là trí tuệ, chất xám có ưu thế nổi bật là không bị cạn kiệt nếu biết bồi dưỡng, khai thác và sử dụng hợp lý.

Tuy nhiên, để phát triển được NNL chất lượng cao cần có chiến lược và giải pháp mang tính lâu dài, nhất là phải tạo đột phá về chất lượng giáo dục và đào tạo, nếu không, chủ trương phát triển NNL chất lượng cao khó thực hiện được.

Khi nói về NNL, người ta có thể đề cập đến 3 góc độ: số lượng (hay quy mô), chất lượng và cơ cấu NNL. Số lượng NNL thể hiện thông qua chỉ tiêu quy mô và tốc độ tăng NNL. Về chất lượng, NNL được xem xét trên các mặt: sức khỏe, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất, đạo đức… (hay còn gọi là thể lực, trí lực và tâm lực). Khó khăn, thách thức trong phát triển NNL ở nước ta diễn ra cả 3 góc độ từ số lượng, chất lượng và cơ cấu NNL.

Theo thống kê của FAMIL (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh) trong năm 2020, lao động ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, có sự chuyển dịch từ sử dụng nhóm lao động đơn giản sang nhóm có trình độ cao. Trong số 110.172 lượt người có nhu cầu tìm việc trong năm 2020 có đến 94,78 lao động qua đào tạo, trong đó đại học trở lên chiếm 66,57%, cao đẳng chiếm 15, 82% và trung cấp chỉ chiếm 6,72%. Các tỷ lệ này chủ yếu tập trung ở các ngành: tài chính – ngân hàng, kế toán, kiểm toán, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, quản lý điều hành và marketing – quan hệ công chúng. Nhu cầu tìm việc ở lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn: 5,22% sơ cấp nghề, công nhân kỹ thuật 5,67%.

Tuy phát triển nhanh nhưng chất lượng NNL còn nhiều hạn chế. Lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và hội nhập. Ở các công ty, nhà xưởng cơ khí, những vị trí đòi hỏi kỹ thuật cao vẫn thường do lao động nước ngoài đảm nhận. Không chỉ vậy, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu thị trường vẫn còn rất lớn. Hằng năm, có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng các doanh nghiệp vẫn trong tình trạng khan hiếm lao động ở nhiều vị trí. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ của NNL Việt Nam chưa cao. Vì thế, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập.

Các khó khăn, thách thức còn đến từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa bởi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lao động chất lượng cao đóng vai trò quan trọng. Việt Nam cần tăng cường nhân lực chất lượng cao ở cả 3 nhóm: lãnh đạo quản lý, khoa học công nghệ và lao động kỹ thuật. Bên cạnh đó, còn thách thức từ một loạt các vấn đề cốt lõi, như: giáo dục và đào tạo, thống kê và dự báo, tuyển dụng và sử dụng… vẫn còn mang hơi hướng quan liêu tập trung, thậm chí còn ở mức lạc hậu.

2. Để phát triển NNL theo tinh thần Đại hội XIII, cần chú ý quan tâm đến một số nội dung:

Thứ nhất, cần hiểu đúng NNL chất lượng cao để có chính sách tập trung phát triển. Quan niệm về “NNL chất lượng cao” cũng có nơi, có lúc còn bị hiểu sai lệch, đồng nhất với bằng cấp, trình độ. NNL chất lượng cao là để chỉ các đối tượng lao động làm thông thạo bất kỳ một nghề nào đó, việc thành thạo đó khiến họ trở thành một lao động giỏi và kỹ năng chuyên môn tốt trong nghề của mình. Là NNL đào tạo chuyên sâu để đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng đào tạo và tay nghề của thị trường lao động hiện nay.

Để phát huy vai trò của NNL cao, Nhà nước cần tiến hành điều tra, khảo sát thường xuyên về nhân lực và chất lượng nhân lực ở tất cả các ngành, các cấp, địa phương và cả nước; bảo đảm cân đối cung – cầu nhân lực để phát triển kinh tế – xã hội trong phạm vi cả nước và từng ngành, từng cấp. Đây là giải pháp giúp chúng ta xác định được số lượng, chất lượng và cơ cấu NNL.

Thứ hai, xây dựng chiến lược, quy hoạch cụ thể theo ngành nghề then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Tập trung vào một số mũi nhọn, như: kinh tế tri thức, kinh tế số, phân tích dữ liệu, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thương mại điện tử, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản trị phát triển xã hội…

Thứ ba, đổi mới chất lượng giáo dục, đào tạo theo hướng quản lý chất lượng giáo dục, đào tạo, đồng thời tăng quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo. Giao cho một số cơ quan nhà nước cùng với các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhanh chóng xây dựng các cơ sở đánh giá và kiểm định chất lượng lao động qua đào tạo, cấp giấy phép hành nghề. Đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng cần được kiểm định chất lượng đầu vào để bảo đảm chất lượng cần có của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm chất lượng trong cơ quan nhà nước, tránh việc tuyển dụng dựa vào mối quen thân, nể nang…

Thứ tư, bảo đảm chất lượng và hiệu quả của công tác quy hoạch, bổ nhiệm, thi tuyển và đãi ngộ. Làm tốt công tác này sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực, bền vững về mặt số lượng và chất lượng cũng như sự phân bổ hợp lý NNL. Để thu hút, trọng dụng nhân tài và NNL chất lượng cao, việc đãi ngộ là một nội dung cần được chú trọng bởi việc sắp xếp cán bộ đúng chuyên môn, phát huy được khả năng, có chế độ lương, thưởng thỏa đáng sẽ giúp họ có thể yên tâm, có điều kiện toàn tâm, toàn ý cho công việc.

Bởi, theo Nghị quyết Đại hội XIII, điểm mấu chốt trong giai đoạn phát triển mới hiện nay là là ưu tiên phát triển NNL cho công tác lãnh đạo, quản lý. Với sự phát triển của đất nước, chất lượng đội ngũ lãnh đạo quản lý luôn là vấn đề quyết định. Giai đoạn nào cũng cần những người lãnh đạo, người đứng đầu có năng lực phẩm chất, có năng lực quản trị tốt nhằm góp phần đưa đất nước phát triển. Có lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm, phong trào sẽ đi lên và ngược lại. Tuy nhiên, cần phải xác định được tiêu chuẩn cho từng nhóm vị trí việc làm và khung năng lực cụ thể cho mỗi vị trí việc làm đó để từ đó dễ dàng lựa chọn người lãnh đạo, quản lý.

Việc phát triển NNL, nhất là NNL lãnh đạo quản lý thì cần phải đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo hướng nâng cao chất lượng chứ không phải yêu cầu về chứng chỉ như hiện nay. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nên tổ chức trong khoảng thời gian ngắn nhưng cần được cập nhật thường xuyên hằng năm.

Thứ năm, thực hiện đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ; đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Để phát triển nhanh phải phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại. Đồng thời, phát huy hệ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng: “Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hoá Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá, dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”2.

Với những đột phá được xác định trong báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định một lần nữa sự ưu tiên phát triển NNL của Đảng ta. Do đó, việc nghiên cứu đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là việc cần thiết để các cấp, các ngành triển khai vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách về phát triển NNL chất lượng cao ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn
Link: https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/06/01/phat-trien-nguon-nhan-luc-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang/

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024911085

TRUY CẬP HÔM NAY: 4971

ĐANG ONLINE: 66