Kết nối cung – cầu, tăng cường khả năng dự báo thị trường lao động


Thị trường lao động tại nhiều địa phương đã và đang có những biến động mạnh, tác động bất lợi đến người lao động (NLĐ) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và mới đây là bão, lũ ở miền Trung. Các Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) đã và đang thực hiện tốt hoạt động kết nối cung - cầu, dự báo thị trường lao động, đồng thời kết nối hỗ trợ NLĐ tìm việc…

Kết nối cung – cầu, dự báo thị trường lao động - Ảnh 1.

Người lao động đến các trung tâm dịch vụ việc làm để được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 88 và các qui định trong pháp luật, tạo điều kiện để TTDVVL thực hiện theo các chức năng, nhiệm vụ và vai trò của TTDVVL cũng sẽ thực hiện quản trị về thị trường lao động (TTLĐ), thực hiện các chức năng của DVVL, thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đây cũng là những qui định của Công ước 88, thông lệ của quốc tế và kinh nghiệm của các nước trên thế giới liên quan đến hoạt động này. Hoạt động của TTDVVL hết sức phong phú, đa dạng và là một đơn vị sự nghiệp không thu, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì mục tiêu xã hội, do đó các hoạt động của trung tâm hướng tới là làm sao hỗ trợ, bảo vệ được NLĐ hạn chế và tránh được những rủi ro mà NLĐ dễ bị vấp phải.

Theo ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã Việt Nam, trong thời gian qua các TTDVVL đã thực hiện tốt 9 chức năng nhiệm vụ theo qui định của Luật Việc làm và Nghị định của Chính phủ, trong đó tập trung vào 3 chức năng: Thông tin TTLĐ; chắp nối việc làm; thực hiện tốt chính sách BHTN.

 
 
Kết nối cung – cầu, dự báo thị trường lao động - Ảnh 2.

 

Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã Việt Nam.

Cũng trong thời gian qua, các TTDVVL đã thực hiện đúng 9 chức năng, nhiệm vụ của mình theo Nghị định 196/2013/NĐ-CP, cụ thể: Về hoạt động tư vấn, gồm: Tư vấn học nghề cho NLĐ về lựa chọn nghề, trình độ đào tạo, nơi học phù hợp với khả năng và nguyện vọng; tư vấn việc làm cho NLĐ về lựa chọn công việc phù hợp với khả năng và nguyện vọng; về kỹ năng thi tuyển; về tự tạo việc làm, tìm việc làm trong nước và ngoài nước; tư vấn cho người sử dụng lao động về tuyển dụng lao động; về quản trị và phát triển nguồn nhân lực; về sử dụng lao động và phát triển việc làm; tư vấn về chính sách, pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động.

Giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động, bao gồm: Giới thiệu NLĐ cần tìm việc làm với người sử dụng lao động cần tuyển lao động; cung ứng lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; tuyển lao động thông qua thi tuyển để lựa chọn những người đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động; giới thiệu, cung ứng lao động cho đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin TTLĐ. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, dạy nghề khác theo quy định của pháp luật. Hỗ trợ NLĐ trong trường hợp chuyển từ nghề này sang nghề khác, di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, di chuyển ra nước ngoài làm việc và các hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, việc làm. Thực hiện các chương trình, dự án về việc làm. Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Thực hiện các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

 
 
Kết nối cung – cầu, dự báo thị trường lao động - Ảnh 3.

 

Lao động tìm hiểu các thông tin tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm.

"Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, các TTDVVL có rất nhiều sáng kiến, đã chủ động đề xuất các biện pháp để vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo qui định của pháp luật; đồng thời, các trung tâm đã thực hiện chế độ BHTN theo phương châm 3 đúng, đó là đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn. Tuy nhiên, để các TTDVVL hoạt động, theo ông Trung cần có các điều kiện như: Cơ sở vật chất; công tác cán bộ và nhân sự vì hiện nay các trường hợp được hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn rất hạn chế, còn lại một phần từ quĩ BHTN. Về vấn đề tài chính đã được qui định rất rõ trong Nghị quyết 88 của Trung ương, tức là những hoạt động liên quan đến BHTN sẽ được lấy từ quĩ BHTN để chi như: Tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, hỗ trợ, tổ chức đào tạo nghề, chi trả trợ cấp thất nghiệp. Nhưng để làm được những việc này thì công tác thông tin TTLĐ rất quan trọng, do đó thông tin TTLĐ cũng phải được chi từ nguồn quĩ BHTN. Theo như kinh nghiệm của các nước, cứ một người làm công tác tư vấn phải có 3 người làm công tác thông tin TTLĐ. Vì vậy, nếu chi cho một người làm công tác tư vấn thì phải chi thêm cho 3 người làm công tác về thông tin TTLĐ", nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết.

Ông Trung cho rằng trong thời gian tới, các TTDVVL sẽ phải làm tất cả những vấn đề liên quan đến tư vấn, giới thiệu, chắp nối việc làm, hỗ trợ không chỉ cho đối tượng là NLĐ Việt Nam mà đối với cả NLĐ đi lao động ở nước ngoài và đối với cả người nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Bên cạnh đó, phải có các chính sách để khuyến khích, công nhận người làm việc ở các TTDVVL là viên chức, công chức. Đồng thời, cần trang bị cơ sở vật chất, đặc biệt là công nghệ thông tin, phương tiện đi lại, bởi có rất nhiều các TTDVVL ở tận xã, bản, nếu không có xe xô tô chuyên dụng để mang các máy móc, thiết bị sẽ gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, các TTDVVL cũng phải chuẩn hóa theo một mô hình, đó là từ trang thiết bị đến trụ sở, phương tiện đi lại…

Nguồn : baodansinh.vn

https://baodansinh.vn/ket-noi-cung-cau-tang-cuong-kha-nang-du-bao-thi-truong-lao-dong-20201129115419166.htm 

 

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024867856

TRUY CẬP HÔM NAY: 734

ĐANG ONLINE: 7