Cục Quản lý lao động ngoài nước tổng kết công tác năm 2019 và định hướng năm 2020


 

Việt Nam hiện có khoảng 650 nghìn lao động làm việc ở nước ngoài. Năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp vượt mức 120.000 lao động/năm, nâng tổng số lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài lên khoảng 650 nghìn người tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong hơn 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Một số thị trường lao động ngoài nước truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Một số thị trường ở Châu Âu bắt đầu có nhu cầu tiếp nhận lao động từ Việt Nam như: Rumani, CHLB Đức, Ba Lan

 

Theo thống kê, năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 152.530 lao động (trong đó có 54.700 lao động nữ), đạt 127,1% kế hoạch, gồm các thị trường: Nhật Bản 82.703 lao động, Đài Loan 54.480 lao động, Hàn Quốc 7.215 lao động, Rumani 3.478 lao động, Ả rập - Xê út 1.375 lao động, Malaysia 454 lao động, Macao 401 lao động, Algeria 359 lao động và một số thị trường khác.

 

Riêng đối với thị trường CHLB Đức, tính đến hết năm 2019, đã có hơn 1.000 điều dưỡng viên từ Việt Nam sang Đức học tập và làm việc, được phía Đức đánh giá cao. Trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại CHLB Đức từ ngày 23 - 27/9/2019, phía Đức cho biết, Luật nhập cư mới của Đức chính thức có hiệu lực từ ngày 01/03/2020, sẽ cho phép các doanh nghiệp Đức được tiếp nhận lao động đến từ các nước ngoài EU trong một số lĩnh vực như: xây dựng, điện, cơ khí, nông nghiệp, nhân viên kỹ thuật y tế, điều dưỡng. Dự kiến trong năm 2020, Bộ Lao động - TBXH sẽ ký với cơ quan lao động của CHLB Đức Thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại CHLB Đức với 12 - 13 ngành nghề mà phía bạn đang có nhu cầu.

 

Nhiều doanh nghiệp phái cử Việt Nam đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, khai thác hợp đồng và phát triển thị trường lao động ngoài nước, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động, đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài

 

Về công tác cấp và cấp đổi giấy phép, trong năm, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy phép của 112 doanh nghiệp và đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ cấp mới cho 63 doanh nghiệp. Hiện tổng số doanh nghiệp phái cử Việt Nam có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là 421 doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó, Cục đã trực tiếp tiến hành 25 cuộc thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất, phối hợp với Thanh tra Bộ triển khai 30 cuộc tại các doanh nghiệp dịch vụ trong hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, Cục đã ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt và xử phạt hành chính đối với 21 doanh nghiệp và thu hồi giấy phép của 02 doanh nghiệp.

 

Định hướng công tác đưa lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2020 - Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH

 

Đặt lợi ích người lao động lên trên hết trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp phái cử

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những kết quả hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2019 như: số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm tiếp tục tăng cao hơn so với năm trước; số doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được phát triển; tỷ lệ lao động ở lại cư trú bất hợp pháp giảm đáng kể;công tác thanh tra, kiểm tra tốt, số lượng doanh nghiệp vi phạm giảm so với 2018; thị trường và ngành nghề tiếp nhận lao động ngoài nước tiếp tục được củng cố và mở rộng…

 

Năm 2020, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý Lao động ngoài nước tập trung nỗ lực triển khai các vấn đề then chốt đó là:

 

(i) Hoàn thiện thể chế: trình Chính phủ Luật về lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời sửa đổi quy định về hoạt động của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo hướng tang cường các hoạt động hỗ trợ đào tạo, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động và doanh nghiệp phái cử.

 

(ii) Xây dựng đề án quản lý và đánh giá việc kết nối với thị trường lao động trong nước của lao động hồi hương sau khi kết húc hợp đồng làm việc ở nước ngoài nhằm sử dụng một cách có hiệu quả nguồn lực này như mục tiêu đặt ra.

 

(iii) Xây dựng chiến lược song song giữa củng cố các thị trường truyền thống như Nhật bản, Đài Loan, Hàn quốc với việc mở rộng các thị trường mới khó tính khu vực Châu Âu đặc biệt là Đức.

 

(iv) Hạn chế đưa đi làm việc ở nước ngoài một số nghề có tiền lương, điều kiện làm việc chưa tốt, nhiều phát sinh thời gian qua là giúp việc gia đình A rập Xê Út và hộ lý trình độ thấp, lao động xây dựng đi châu Âu.

 

(v) Đối với công tác quản lý doanh nghiệp phái cử: Tăng cường quản lý nhằm giảm cạnh tranh không lành mạnh, thu phí cao. Tăng cưởng thẩm định cấp phép cho các doanh nghiệp đủ điều kiện, năng lực tham gia hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, và có cơ chế quản lý đối với các địa bàn rủi ro cao, một số ngành nghề không khuyến khích theo từng thời điểm. Tăng cường hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

 

(vi) Giải pháp lâu dài có tính chiến lược là gắn phát triển việc làm ngoài nước với các chương trình quốc gia về giáo dục nghề nghiệp.

 

(vii) Khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động đưa lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài: Mục tiêu phải liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu về lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với cổng công tin điện tử dịch vụ công quốc gia trong quí I năm 2020 và cải cách thủ tục hành chính: thiết lập bộ phận một cửa.

 

Mục tiêu trong năm 2020 đưa được 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao. Tuy nhiên, ngoài việc tập trung vào thị trường truyền thống, trong 2020 cần đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện để Bộ ký kết Thỏa thuận hợp tác lao động với CHLB Đức; đồng thời, khuyến khích người lao động sang làm việc tại thị trường Châu Âu, nhất là CHLB Đức tập trung vào các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, nhà máy. Cục QLLĐNN sẽ tăng cường hơn nữa công tác đào tạo và giảm nghèo thông tin cho các vùng khó khăn để người lao động có thể tiếp cận được thông tin về việc làm ngoài nước một cách chính thống và nỗ lực vươn lên đạt các tiêu chuẩn đi làm việc ở nước ngoài, cải thiện đời sống.

 

Nguồn: dolab.gov.vn

Link: http://www.dolab.gov.vn/New/View2.aspx?Key=5082

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024934034

TRUY CẬP HÔM NAY: 417

ĐANG ONLINE: 16