Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Hình thành thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ và hiện đại


 “Năm 2020, Cục Quản lý lao động ngoài nước phải góp phần quan trọng cùng Bộ để chuyển biến hai khâu đột phá về xây dựng thể chế và hình thành thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ và hiện đại” – Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Cục Quản lý Lao động ngoài nước tổ chức vào chiều 08/01, tại Hà Nội. Tham dự còn có đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức và người lao động của Cục.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ

năm 2020 của Cục Quản lý Lao động ngoài nước 

 

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 152.530 lao động

 

Báo cáo tại hội nghị, ông Tống Hải Nam – Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp vượt mức 120.000 lao động/năm, nâng tổng số lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài lên khoảng 650 nghìn người tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong hơn 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề khác nhau

 

Theo số liệu thống kê, năm 2019 tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 152.530 lao động (trong đó có 54.700 lao động nữ), đạt 127,1% kế hoạch năm 2019, trong đó thị trường Nhật Bản: 82.703 lao động, Đài Loan: 54.480 lao động, Hàn Quốc: 7.215 lao động, Rumani: 3.478 lao động, Ả rập – Xê út: 1.375 lao động, Malaysia: 454 lao động, Macao: 401 lao động, Algeria: 359 lao động và một số thị trường khác.

 

Theo ông Tống Hải Nam, một số thị trường lao động ngoài nước truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Một số thị trường ở châu Âu có nhu cầu ngày càng cao trong việc tiếp nhận lao động từ Việt Nam như: Nga, Rumani, CHLB Đức, Ba Lan, Latsvia, Áo...

 

Ông Tống Hải Nam – Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước trình bày báo cáo tại Hội nghị

 

Riêng đối với thị trường CHLB Đức, tính đến hết năm 2019, đã có hơn 1000 điều dưỡng viên từ Việt Nam sang Đức học tập và làm việc, được phía Đức đánh giá cao. Trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại CHLB Đức từ ngày 23-27/9/2019, phía Đức cho biết, Luật nhập cư mới của Đức chính thức có hiệu lực từ ngày 01/03/2020, sẽ cho phép các doanh nghiệp Đức được tiếp nhận lao động đến từ các nước ngoài EU trong một số lĩnh vực như: xây dựng, điện, cơ khí, nông nghiệp, nhân viên kỹ thuật y tế, điều dưỡng. Dự kiến trong năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ký với cơ quan lao động của CHLB Đức Thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại CHLB Đức trong 12-13 ngành nghề mà bạn đang có nhu cầu.

 

Nhiều doanh nghiệp phái cử Việt Nam đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, khai thác hợp đồng và phát triển thị trường lao động ngoài nước, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động, đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài

 

Về công tác cấp và cấp đổi giấy phép, năm 2019 Cục đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy phép của 112 doanh nghiệp và đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ cấp mới cho 63 doanh nghiệp. Tính đến tháng 12/2019, tổng số doanh nghiệp phái cử Việt Nam có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là 421 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cục đã trực tiếp triển khai 25 cuộc thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất, phối hợp với Thanh tra Bộ tiến hành 30 cuộc tại các doanh nghiệp dịch vụ trong hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó Cục đã ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt và xử phạt hành chính đối với 21 doanh nghiệp và thu hồi giấy phép của 02 doanh nghiệp.

 

Đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam tại Trung Đông

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chúc mừng và đánh giá cao những kết quả mà tập thể cán bộ, công chức và người lao động Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đạt được trong năm 2019 như: số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm tiếp tục tăng cao hơn so với năm trước; số doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được phát triển; tỷ lệ lao động ở lại cư trú bất hợp pháp giảm đáng kể; công tác thanh tra, kiểm tra tốt, số lượng doanh nghiệp vi phạm giảm so với 2018; thị trường và ngành nghề tiếp nhận lao động ngoài nước tiếp tục được củng cố và mở rộng…

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục Quản lý có biện pháp đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam tại Trung Đông

 

Năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước cần nỗ lực để đạt được kết quả cao hơn nữa, trong đó việc đầu tiên phải góp phần quan trọng cùng Bộ để chuyển biến hai khâu đột phá trong năm 2020, đó là xây dựng thể chế và hình thành thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ và hiện đại.

 

Liên quan đến xây dựng thể chế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Cục tập trung cho việc hoàn thiện Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời sửa đổi quy định về hoạt động của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nuớc theo hướng đào tạo, bồi dưỡng hỗ trợ doanh nghiệp.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng ý với mục tiêu trong năm 2020 đưa được 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định mà Cục đã đề ra. Ngoài việc tập trung vào thị trường truyền thống, trong 2020 cần đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện để Bộ ký kết Thỏa thuận hợp tác lao động với CHLB Đức. Tuy nhiên, với thị trường châu Âu cần hạn chế lao động trong lĩnh vực xây dựng, khuyến khích người lao động vào làm việc trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, nhà máy.

 

"Tăng cường công tác hậu kiểm gắn với đó là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý phát sinh liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Gắn xuất khẩu lao động với dạy nghề và việc làm. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính nhằm minh bạch hóa các điều kiện cấp giấy phép. Đặt lợi ích người lao động lên trên hết" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

 

Riêng với thị trường Trung Đông, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, tình hình căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran có thể dẫn đến nguy cơ xung đột vũ trang xảy ra tại đây. Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục theo dõi sát tình hình và chỉ đạo các doanh nghiệp phái cử lao động khẩn trương có biện pháp bảo vệ an ninh, an toàn cho người lao động và sẵn sàng phương án sơ tán khi diễn biến xấu. Các doanh nghiệp cử người theo dõi lập danh sách đầu mối liên hệ đường dây nóng, email để theo dõi diễn biến tình hình, đồng thời phối hợp với Bộ Ngoại giao để thông tin kịp thời.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chụp ảnh cùng tập thể cán bộ, công chức và người lao động Cục Quản lý lao động ngoài nước 

 

Nguồn: molisa.gov.vn

Link: http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=222208

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722437

TRUY CẬP HÔM NAY: 7078

ĐANG ONLINE: 22