Giải bài toán nguồn nhân lực khi liên kết du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây


TP. Hồ Chí Minh và các địa phương ĐBSCL sẽ ký kết chính thức thành lập Hội đồng liên kết du lịch vào giữa tháng 12/2019.

 

Dự kiến, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương ĐBSCL sẽ ký kết chính thức thành lập Hội đồng liên kết du lịch vào giữa tháng 12/2019 tới đây. Tuy nhiên về chất lượng nguồn nhân lực vẫn đang là điểm khó của quy hoạch này.

 

Thông tin trên Người đưa tin, là trung tâm của các tỉnh, thành phía Nam nên UBND TP. Hồ Chí Minh được đề cử để giao trọng trách "nhạc trưởng" của hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng giữa ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh.

 

Tuy nhiên, ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh đề xuất cần đưa chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch vào chương trình liên kết.

 

Bởi, nhu cầu phát triển du lịch đang tăng nhanh, trong khi chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn nhiều hạn chế.

 

Một trong những điểm yếu lớn nhất của nhân lực lao động trong ngành du lịch hiện nay là thiếu và yếu kỹ năng nghề.

 

Với phương pháp đào tạo nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành ở đa số các cơ sở đào tạo hiện nay, phần lớn lao động nghề du lịch ra trường khó đáp ứng được yêu cầu công việc.

 

Đó là chưa kể, yếu ngoại ngữ vẫn luôn là căn bệnh trầm kha của sinh viên, lao động nghề du lịch Việt Nam nhiều năm nay.

 

Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể theo & Du lịch quan tâm công tác liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành ĐBSCL.

 

Ngay tại các thành phố lớn, các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch có đào tạo bằng ngoại ngữ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Bên cạnh đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu so sánh điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo với khách sạn 4-5 sao thì khoảng cách là rất xa vời.

 

Vậy nên, điều dễ hiểu là nhiều sinh viên ra trường thiếu kinh nghiệm, yếu kỹ năng, không tìm được việc làm, trong khi ngành du lịch nhiều năm qua càng tăng trưởng mạnh.

 

Vì thế, một xu hướng đang được ghi nhận hiệu quả là xã hội hóa đào tạo nhân lực du lịch, đặc biệt trong các tập đoàn chuyên kinh doanh về du lịch.

 

Điều này sẽ góp phần khiến chất lượng đầu ra tốt hơn, góp phần nâng cao kỹ năng, ngoại ngữ cho người làm việc trong ngành du lịch.

 

Đây cũng là giải pháp tốt trong thời gian hiện nay khi nhiều người ra trường chưa đủ kỹ năng cao cấp, chuyên nghiệp để phục vụ trong cơ sở.

 

Một mặt, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cơ sở của chính tập đoàn, công ty lớn. Đồng thời, góp phần vào cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, cho các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí khác.

 

Ngoài ra, vị chuyên gia còn đề xuất nâng cao chất lượng của các dịch vụ các điểm đến, tour, tuyến, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, nơi mua sắm... nhằm tạo điều kiện giữ chân khách lâu hơn.

 

Các tour, tuyến phải hấp dẫn và khoa học kết hợp du lịch đồng bằng, sông rạch, núi và biển đảo làm hấp dẫn cho du khách.

 

Định hướng về sản phẩm du lịch đồng bằng sông Cửu Long là du lịch cộng đồng có thể là hợp lý vì tận dụng lợi thế phong cách đồng quê sông nước, với cơ sở vật chất là nhà dân, vụ mùa, vườn cây ăn trái…

 

Báo Sài Gòn giải phóng đưa tin, hội nghị đã thống nhất một số nội dung. Cụ thể, từ nay đến quý 2-2020, TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp các tỉnh, thành tổ chức 1 đến 2 lớp đào tạo phát triển du lịch; phối hợp với các tỉnh tổ chức hội nghị mời gọi các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào đầu tư phát triển du lịch tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL; tổ chức hội thảo phân tích, đánh giá tiềm năng, thế mạnh của du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh ĐBSCL; đề xuất xây dựng thương hiệu chung du lịch TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL.

 

Giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL cần đẩy mạnh khai thác thị trường khách quốc tế. Hiện tại, rất nhiều địa phương của ĐBSCL có sản phẩm du lịch tốt nhưng chưa kết nối được. Ngoài ra, các tỉnh, thành ĐBSCL cũng cần khai thác tốt nguồn khách nội địa từ TP. Hồ Chí Minh vì nhu cầu vui chơi, ngày nghỉ cuối tuần của nhân dân TP. Hồ Chí Minh rất lớn.

 

Nhận định đây là cơ hội rất lớn để phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL nếu làm tốt, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho rằng hợp tác phải thực chất, phải thể hiện sự quyết tâm, cụ thể, gắn với trách nhiệm và cam kết của lãnh đạo các địa phương.

 

Nguồn: baodansinh - PV (tổng hợp)

Link: http://baodansinh.vn/giai-bai-toan-nguon-nhan-luc-khi-lien-ket-du-lich-tp-ho-chi-minh-va-cac-tinh-mien-tay-20191124100816365.htm

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024874544

TRUY CẬP HÔM NAY: 481

ĐANG ONLINE: 10