Cần một chính sách an sinh cho nông dân và người lao động tự do


SGTT.VN - Thu nhập không cao, chủ yếu vì giá trị công lao động thấp, người nông dân và người lao động tự do điển hình ở Việt Nam cho đến nay hầu như không có khả năng tích luỹ của cải: làm được bao nhiêu, họ ăn hết bấy nhiêu. Chưa nói đến những lúc hàng hoá, công việc ế ẩm, dội chợ rớt giá, vay nợ là cách duy nhất để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày.

 

 
Ở nông thôn, cả gia đình đều tham gia lao động, và chi phí lao động thường không được tính đủ trong giá thành sản phẩm. Ảnh: Ngọc Tùng

Có một vấn đề canh cánh là đến một tuổi nào đó, không đủ sức để làm lụng nữa, thì sống bằng cách nào? Không chỉ người nông dân và người lao động tự do mà tất cả những người lao động có thu nhập thấp đều đối mặt với câu hỏi hóc búa này.

 

Ở các nước tiên tiến, nhà chức trách giữ vai trò chính trong việc giải quyết vấn đề, thông qua việc tổ chức xây dựng và vận hành hệ thống an sinh xã hội. Theo một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống đó, thì sau một thời gian làm việc, mọi người lao động ở mọi ngành nghề đều có quyền nghỉ hẳn, nghĩa là không buộc phải tiếp tục đổi sức lao động để có được thu nhập, kể từ một thời điểm nào đó cho đến cuối đời. Người ta gọi thời điểm đó là ngày về hưu.

 

Người lao động bước vào thời kỳ hưu trí không cần bận tâm về bài toán mưu sinh: họ vẫn có thể có được cuộc sống vật chất trong những điều kiện không khác so với lúc còn đi làm việc, nhờ lương hưu. Nếu muốn, người đã về hưu vẫn có thể tiếp tục công việc chuyên môn đã quen, coi đó như một thú vui; còn nếu không, họ có quyền thư giãn. Mặt khác, chế độ bảo hiểm y tế cho phép họ được hưởng sự chăm sóc sức khoẻ không mất tiền và có chất lượng.

 

Trong hoàn cảnh, điều kiện hiện tại của xã hội Việt Nam, về hưu là cái gì đó còn rất xa lạ với người nông dân và người lao động tự do. Đối với bài toán về phương tiện sống trong tuổi xế chiều, họ chỉ có hai lời giải: hoặc dựa vào lòng tốt của người thân thuộc, đặc biệt là con cháu; hoặc nếu không có người thân hay vẫn có nhưng vì lý do gì đó mà họ không cưu mang, thì cứ phải tiếp tục làm, dù không còn sức, rồi kết thúc cuộc đời trong sự kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần. Điều đáng quan ngại là cách giải thứ hai đang có xu hướng phổ biến, tương ứng với sự suy yếu của những giềng mối gia đình trong cuộc sống đương đại.

 

Thiết lập chế độ an sinh xã hội hữu hiệu phải được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của người lãnh đạo trong quá trình hiện thực hoá mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Không thể được coi là phát triển một đất nước mà đại bộ phận người lao động cứ phải vắt kiệt mồ hôi đổi lấy từng lon gạo hết năm này qua tháng nọ, liên tục cho đến khi xuôi tay nhắm mắt. Bởi vậy, thiết lập chế độ an sinh xã hội hữu hiệu phải được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của người lãnh đạo trong quá trình hiện thực hoá mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Thực ra, chủ trương đã được khẳng định; song, còn phải hiện thực hoá nó bằng một loạt biện pháp, nhất là hoàn thiện khung pháp lý hiện rất lỏng lẻo, sơ sài với xương sống là văn bản luật Bảo hiểm xã hội chứa đựng nhiều quy định chung chung và phi thực tế.

 

Tất nhiên, hưu bổng và các phúc lợi khác không từ trên trời rơi xuống. Nó là một phần của cải do xã hội tạo ra và được tích luỹ theo một cách nào đó, trở thành một ngân quỹ công cộng, và được sử dụng theo mục đích đã xác định. Trên nguyên tắc, tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình tạo ra của cải vật chất cho xã hội, bao gồm người lao động, giới chủ và Nhà nước, đều có nghĩa vụ (và có quyền) tham gia đóng góp vào quỹ này.

Đối với nông dân và người lao động tự do, việc tham gia đóng góp vào quỹ có thể gặp khó khăn do thu nhập vừa thấp vừa không ổn định. Nên tham khảo và vận dụng kinh nghiệm của các nước: trao cho hội nông dân, hội nghề nghiệp do người lao động tự do lập ra một cách tự nguyện quyền thay mặt hội viên trong quan hệ đối tác với quỹ an sinh xã hội. Hội có khả năng dùng công cụ điều lệ để tổ chức việc san sẻ trách nhiệm nộp phí bảo hiểm một cách công bằng giữa các hội viên tuỳ theo hoàn cảnh của từng người. Hoạt động phi lợi nhuận, hội cũng có đủ tư cách nhân danh hội viên kêu gọi nhà chức trách, xã hội hỗ trợ hội viên thực hiện nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm trong những trường hợp cần thiết.

TS Nguyễn Ngọc Điện

 

 

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024875774

TRUY CẬP HÔM NAY: 811

ĐANG ONLINE: 12