Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh năm 2019", sáng 20-9, Báo Người Lao Động tổ chức bàn tròn "Chọn đường đi từ trường trung cấp". Tham dự tọa đàm có ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực (Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế); TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP HCM; ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa.

Cần lao động trình độ trung cấp nhiều hơn ĐH

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết trong giai đoạn 2019-2025, mỗi năm TP HCM cần 300.000 chỗ làm việc, trong đó trình độ trung cấp chiếm cao nhất với 28% trong khi ĐH chỉ chiếm 18%.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng tỉ trọng 28% là cân đối với những người có bằng trung cấp, nếu tính luôn hệ thống công nhân lành nghề bậc cao tương đương trung cấp thì con số này lên đến 35%-40%. Dù thị trường lao động cần nguồn nhân lực trình độ ĐH, CĐ nhưng nhu cầu cao nhất vẫn là lao động có trình độ trung cấp, lao động có tay nghề. Nguồn lực này cần thiết cho sự phát triển của quốc gia và nhu cầu hòa nhập để tiến đến thời đại công nghệ 4.0.

 

Thiếu hụt nhân lực trình độ trung cấp - Ảnh 1.
 

Các chuyên gia trao đổi tại trường quay của Báo Người Lao Động Ảnh: TẤN THẠNH

Nhu cầu nguồn nhân lực trình độ trung cấp cao nên tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường cũng rất cao, gần 90%. Theo ông Trần Anh Tuấn, thị trường lao động cần tới 28% lao động có trình độ trung cấp nhưng mới có 6% tham gia thị trường lao động; ở trình độ ĐH cần 15%-18% nhưng lực lượng tham gia trên thị trường lại lên đến 25%-28%. Rõ ràng thị trường lao động đang có tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Cứ 10 người bước vào thị trường lao động thì 6 người có trình độ ĐH, 2 người CĐ, 1 người trung cấp, 1 người sơ cấp nghề. Số liệu này cho thấy sự thiếu hụt nhân lực trình độ trung cấp.

Học tại doanh nghiệp

TS Đặng Văn Sáng cho rằng học trung cấp có nhiều lợi thế. Ngay như tại Trường Trung cấp Bách khoa TP HCM, chương trình học của trường đã hoàn thành, chuyển dần việc đào tạo thực hành, thực tập ra doanh nghiệp với thời gian thực hành, thực tập dài 75%-90%. Ở trường, sinh viên chỉ học những môn chung như chính trị, pháp luật, thể dục… Thời gian đào tạo cũng rút ngắn còn 1 năm đến 18 tháng, điều này phù hợp với những học sinh có nhu cầu sớm gia nhập thị trường lao động, tay nghề vững, tiết kiệm chi phí, thời gian. Sau này, khi muốn học liên thông lên trình độ ĐH thì được miễn trừ những môn học ở trung cấp, chỉ cần học những môn tư duy logic, nhận thức chung về xã hội. Học phí cũng thấp hơn rất nhiều so với các bậc ĐH, phù hợp với những gia đình nghèo, không đủ khả năng tài chính.

Dù vậy, ông Nguyễn Hữu Thọ nhận định do vẫn còn quan niệm học trung cấp là thợ, học ĐH làm thầy và học trung cấp ra khó kiếm việc làm, mức lương không cao, khả năng thăng tiến không có, học trung cấp là con đường bất khả kháng... nên dẫn đến chuyện học sinh không muốn học bậc này. Trường đang cố gắng truyền thông đến các học sinh rằng mỗi em có xuất phát điểm khác nhau về học lực, nguyện vọng, điều kiện kinh tế, nên chọn những bậc học phù hợp với tình hình thực tế của bản thân. Nhà trường đã tổ chức những chương trình hội thảo, đưa học sinh về trường để trải nghiệm thực tế, giúp học sinh hiểu rõ hơn, nhìn nhận đúng hơn về bậc học này.

Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, hiện nay ĐH, CĐ đã hết thời gian tuyển sinh nhưng trung cấp vẫn tiếp tục tuyển sinh thường xuyên. Có những em học ĐH vẫn đang quay ngược trở lại học trung cấp, thị trường tri thức lúc nào cũng cần nguồn lao động chất lượng cao. 

Nhiều nghề mức lương cao

Dẫn thông tin của Tổng cục Thống kê đầu năm 2019, các chuyên gia cho biết đến hết năm 2018, có 97% doanh nghiệp thuộc quy mô doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, chủ yếu là tư nhân và trả lương vào vị trí việc làm chứ không phải bằng cấp. Ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp trả lương cho người lao động dao động ở mức từ 5-10 triệu đồng cho sinh viên mới ra trường. Mức lương gần như không hạn chế với người học trung cấp ở những ngành nghề như: hàn kỹ thuật, 3D, đầu bếp là 35-40 triệu đồng... Các chuyên gia nhận định đã đến thời kỳ các doanh nghiệp trả lương theo chất lượng lao động chứ không phải bằng cấp.