Thị trường lao động quý i - Dự báo nhu cầu nhân lực quý ii năm 2019 tại Thành Phố Hồ Chí Minh


 SỞ LAO ĐỘNG

THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU

NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

Số: 156/BC-TTDBNL

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 4 năm 2019

 

BÁO CÁO
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ I -
DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ II NĂM 2019
TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH



    I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ I NĂM 2019

   

    Năm 2019, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả.

 

    Từ đầu năm đến ngày 15/3/2019, Thành phố đã có 7.950 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đạt 137.073 tỷ đồng (tăng 1,53%% về số lượng giấy phép và tăng 43,95% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018). Điều này tác động tích cực đến thị trường lao động trên địa bàn thành phố.

 

    Quý I/2019, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh thực hiện khảo sát 8.581 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 42.390 chỗ làm việc, 12.577 người có nhu cầu tìm việc. Tổng hợp, phân tích như sau:

 

     1. Nhu cầu nhân lực

 

     Thị trường lao động quý I/2019 diễn ra sôi động, các doanh nghiệp tập trung tuyển một số lượng lớn lao động để phát triển nhu cầu sản xuất, kinh doanh tập trung ở các nhóm ngành:

 

- Kinh doanh – Bán hàng (22,02%): Đây là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất, ở những vị trí như: Nhân viên bán hàng, bán hàng siêu thị, nhân viên kinh doanh, trưởng nhóm kinh doanh, giám sát bán hàng, Sales Admin, tiếp thị bán hàng,…

 

- Cơ khí – Tự động hóa (9,25%): Tuyển dụng ở các vị trí kỹ sư cơ khí, nhân viên kỹ thuật, kỹ sư tự động hóa, giám sát kỹ thuật, nhân viên kỹ thuật cơ khí,…

 

- Công nghệ thông tin (8,05%): Nhu cầu nhân lực ở các vị trí nhân viên IT, lập trình viên, nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, thiết kế và quản trị website, nhân viên kỹ thuật thiết bị mạng,…

 

- Điện tử – Cơ điện tử (7,50%): Ở vị trí kỹ sư điện tử, nhân viên kỹ thuật, kỹ sư cơ điện tử, giám sát kỹ thuật, nhân viên kỹ thuật cơ điện tử,…

 

- Dệt may – Giày da (6,29%): Chủ yếu là công nhân may, nhân viên may mẫu, thiết kế mẫu, thiết kế rập,...

 

- Dịch vụ - Phục vụ (6,13%): Tuyển dụng ở các vị trí nhân viên tạp vụ, vệ sinh công nghiệp, nhân viên vệ sinh khu căn hộ, nhân viên bảo vệ, nhân viên giao nhận hàng hóa, nhân viên soát vé,…

 

- Kế toán – Kiểm toán (5,30%): Tuyển dụng ở các vị trí kế toán trưởng, kế toán thuế, kế toán tổng hợp, kế toán công nợ, kế toán bán hàng,...

 

- Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn (3,53):  Tuyển dụng ở các vị trí hướng dẫn viên, điều hành tour, phục vụ buồng, nhân viên phục vụ tiệc cưới, phụ bếp, phục vụ quầy bar, nhân viên pha chế,…

 

- Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (3,45): Nhu cầu nhân lực ở các vị trí nhân viên kho, tài xế, nhân viên chứng từ xuất – nhập khẩu, logistics,...

 

Biểu 1: Nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao quý I năm 2019

 

      Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm tỷ lệ 80,06%, trong đó, trình độ Trung cấp (29,60%), Cao đẳng (18,10%), Đại học (23,81%), Sơ cấp nghề – CNKT lành nghề (8,55%) tập trung ở các nhóm ngành cơ khí – tự động hóa, công nghệ thông tin, kế toán – kiểm toán, hóa chất – hóa dược – mỹ phẩm, điện tử – cơ điện tử,…

 

      Nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chiếm 19,94% tập trung ở các nhóm ngành dịch vụ – phục vụ, nhân viên kinh doanh bán hàng, nhân viên bảo vệ, giúp việc nhà,…

 

Biểu 2: Chỉ số nhu cầu tuyển dụng quý I/2019 theo cơ cấu trình độ

 

        Về kinh nghiệm: Với 54,8% nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm làm việc, trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động có 01 năm kinh nghiệm làm việc chiếm 46,38%; từ 02 đến 05 năm kinh nghiệm làm việc chiếm 7,85% và trên 05 năm kinh nghiệm làm việc chiếm 0,57%. Nhu cầu tuyển dụng lao động không yêu cầu kinh nghiệm làm việc chiếm 45,2% chủ yếu ở các ngành Dịch vụ – Phục vụ, Nhân viên kinh doanh – Bán hàng, Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng, Dệt may – Giày da, Kinh doanh tài sản – Bất động sản,…

 

        Về mức lương: Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở mức lương từ 5 - 8 triệu chiếm 34,03%, từ 8 - 10 triệu chiếm 37,89%, từ 10 - 15 triệu chiếm 19,58% và dưới 5 triệu chiếm 4,55%. Nhu cầu nhân lực trên 15 triệu chiếm 3,95% chủ yếu ở các ngành Kiến trúc – Xây dựng, Cơ khí – Tự động hóa, Quản lý điều hành, Nhân sự, Du lịch, Công nghệ thông tin, Kế toán – Kiểm toán,…

        2. Nhu cầu tìm việc

 

        Nhu cầu tìm việc quý I/2019 có sự gia tăng đáng kể, tỷ lệ dịch chuyển lao động ở mức khoảng 10% do nhu cầu ngày càng cao của người lao động về mức lương, môi trường làm việc phù hợp. Nhu cầu tìm việc tập trung ở các nhóm ngành Kinh doanh – Bán hàng (14,08%), Hành chính văn phòng (10,57%), Kế toán – Kiểm toán (9,30%), Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng (5,70%), Quản lý điều hành (4,31%), Cơ khí – Tự động hóa (4,11%), Nhân sự (4,04%).

 

Biểu 3: Nhóm ngành có số người tìm việc cao quý I năm 2019

 

        Về trình độ lao động: Số người tìm việc có trình độ Đại học trở lên chiếm 60,55%, Cao đẳng chiếm 18,11%, Trung cấp chiếm 8,61%, Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề chiếm 3,92% và lao động chưa qua đào tạo chiếm 8,81%.

 

Biểu 4: Cơ cấu người tìm việc theo trình độ chuyên môn kỹ thuật quý I/2019

  

 

        Về kinh nghiệm làm việc của người lao động: Với 89,35% nhu cầu tìm việc có kinh nghiệm làm việc, trong đó, nhu cầu tìm việc có 01 năm kinh nghiệm làm việc chiếm 26,85%, từ 2 đến 5 năm kinh nghiệm làm việc chiếm 34,14%, trên 5 năm kinh nghiệm làm việc chiếm 23,75% và chưa có kinh nghiệm làm việc chiếm 15,26%.

 

       II. NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ II NĂM 2019

 

       2.1 Nhu cầu nhân lực

 

       Nhu cầu nhân lực quý II năm 2019 trên địa bàn thành phố cần khoảng 75.000 chỗ làm việc (tháng 4/2019: 25.000 chỗ làm việc; tháng 5/2019: 30.000 chỗ làm việc và tháng 6/2019: 20.000 chỗ làm việc), tập trung ở các nhóm ngành nghề sau: Kinh doanh – Bán hàng (21,82%), Dịch vụ - Phục vụ (13,44%), Dệt may – Giày da (7,64%), Dịch vụ thông tin  tư vấn – Chăm sóc khách hàng (5,48%), Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (5,42%),  Cơ khí – Tự động hóa (5,02%), Công nghệ thông tin (4,60%), Kinh doanh tài sản – Bất động sản (4,35%), Điện tử - Cơ điện tử (4,27%), Kế toán – Kiểm toán (4,17%),...

 

      Theo cơ cấu trình độ, xu hướng nhu cầu nhân lực có trình độ Đại học trở lên chiếm 20%, Cao đẳng chiếm 16%, Trung cấp chiếm 27%, Sơ cấp nghề và CNKT không bằng chiếm 21%, Lao động chưa qua đào tạo chiếm 16%.

 

      2.2 Nhận định chung

 

       Năm 2019, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng theo chiều sâu, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực sẽ tác động mạnh đến các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu. Thành phố tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển theo xu hướng công nghệ cao, tích cực áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, hệ thống tổ chức và quản lý, vận hành doanh nghiệp.

 

      Ngoài những yêu cầu về trình độ chuyên môn, bằng cấp; thị trường lao động thành phố vẫn luôn tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn; các doanh nghiệp vẫn luôn chú trọng tuyển dụng theo xu hướng lao động đã qua đào tạo có nghề chuyên môn yêu cầu về chất lượng, trình độ lao động, có tay nghề, năng suất lao động đảm bảo cho việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, môi trường làm việc chuyên nghiệp luôn đòi hỏi người lao động phải tự trang bị những kiến thức, kỹ năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

 

Nơi nhận:                
- Đ/c Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở;
- Phòng Việc làm - An toàn Lao động;
- Phòng Giáo dục Nghề nghiệp;
- Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm Xã hội;
- Văn phòng Sở;
- Phòng Văn hóa - Xã hội - UBND TP.HCM;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu./.

GIÁM ĐỐC






Trần Thị Anh Đào

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880158

TRUY CẬP HÔM NAY: 2476

ĐANG ONLINE: 27