Chọn đúng nghề để không thất nghiệp


Trước ngưỡng cửa đại học, cao đẳng, nhiều học sinh cân nhắc việc chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và sở trường của bản thân để theo học. Việc chọn đúng nghề phù hợp đồng thời không bị thất nghiệp trong tương lai là việc không dễ, do đó rất cần sự tư vấn, định hướng của thầy cô, gia đình và tham khảo những thông tin phân tích về xu hướng sử dụng lao động.

 

Học sinh các trường THPT tìm hiểu các ngành nghề đào tạo tại Trường đại học Lạc Hồng
Học sinh các trường THPT tìm hiểu các ngành nghề đào tạo tại Trường đại học Lạc Hồng

 

Em Nguyễn Văn Vinh, học sinh lớp 12 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết: “Em đang tìm hiểu về ngành công nghệ thông tin để dự thi đại học năm nay. Đây vẫn là ngành “hot” và em tự tin nếu có chuyên môn vững vàng sẽ không lo thất nghiệp”.

 

* Lựa chọn đúng, tránh rủi ro

 

Vinh cho hay, ý định chọn công nghệ thông tin là ngành học tương lai xuất phát từ sở thích cá nhân. Thầy cô ở trường cũng tư vấn khá kỹ lưỡng cách lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và sở trường của học sinh. Qua tham khảo các kênh thông tin đại chúng về định hướng nghề nghiệp, Vinh nhận thấy công nghệ thông tin tiếp tục là ngành có tính ứng dụng rộng rãi, nhu cầu về nguồn nhân lực còn rất lớn, đặc biệt là xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0 có vai trò quan trọng của công nghệ thông tin.

 

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình cho biết, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh là việc làm suốt năm học. Tuy nhiên, trong giai đoạn “nước rút, các trường phải tăng cường tư vấn cho học sinh như: có phương pháp tự đánh giá sở trường mỗi học sinh; tổ chức tham quan các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp, tìm hiểu thêm các nguồn phân tích định hướng nghề nghiệp chính thống cho học sinh... giúp học sinh đưa ra được lựa chọn chính xác ngành nghề.

Với lực học khá của năm lớp 10, 11 và học kỳ I của năm lớp 12, Trần Thị Thanh Phương, học sinh lớp 12 Trường THPT Trấn Biên (phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) lại có dự định chọn học ngành kinh tế làm nghề nghiệp cho mình trong tương lai. Phương cho biết: “Em có dự định đăng ký ngành quản trị kinh doanh tại Trường đại học kinh tế - luật (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) trong mùa tuyển sinh sắp tới. Em đã xem xét sở trường của bản thân, hơn nữa 2 anh trai của em chọn ngành kinh tế nay đã có việc làm ổn định cũng đưa ra lời khuyên về lựa chọn ngành này”.

 

Trước thời điểm phải đưa ra sự lựa chọn ngành nghề cho tương lai, Nguyễn Huỳnh Trúc Giang (học sinh lớp 12 Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Khuyến (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) vẫn không khỏi bối rối. Trúc Giang cho hay: “Khó nhất là em chưa xác định rõ sở trường của mình, trong khi đó ngành nghề thì phong phú nhưng em lại phân vân vì không biết có phù hợp, học xong có dễ kiếm việc làm hay không…”.

 

Những trường hợp bối rối trong chọn ngành, chọn nghề trước ngưỡng cửa đại học không phải là hiếm. Đã có không ít trường hợp lựa chọn sai ngành nghề ngay từ đầu, khi vào học được một thời gian ngắn đành bỏ học giữa chừng để chuyển sang một ngành học khác. Theo ban giám hiệu một trường đại học tại TP.Biên Hòa, có tới 15% số sinh viên bỏ học sau năm học thứ nhất do lựa chọn ngành học không phù hợp với sở trường, khi vào học có tâm lý chán nản. Chẳng hạn có những sinh viên yếu môn tự nhiên nhưng lại chọn ngành kinh tế, kỹ thuật, hay có sinh viên không có đam mê, không có năng khiếu ngoại ngữ nhưng lại chọn ngành này…

 

* Để không chọn nhầm nghề

 

Theo Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn, xu thế chọn ngành nghề hiện nay đã có sự thay đổi khá rõ nét so với nhiều năm về trước. Ngày nay không phải cứ có bằng đại học là dễ dàng xin được việc làm mà bằng cấp phải đi đôi với giỏi chuyên môn, sở trường, kỹ năng, tư duy sáng tạo, khả năng phát triển năng lực bản thân với nghề. Sinh viên tốt nghiệp đại học cần có cơ bản các tố chất và kỹ năng trên mới có thể chứng minh được năng lực thực sự của mình trong môi trường lao động ngày càng đòi hỏi cao về chất xám, kỹ năng chuyên sâu.

 

 

Từ cuối học kỳ I (năm học 2018-2019), Sở GD-ĐT phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh đã tổ chức được một số buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 12 các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Các câu hỏi của học sinh đưa ra với các chuyên gia tư vấn vẫn là: trường nào uy tín, ngành nào dễ đậu, ngành nào dễ xin việc làm, nghề nào lương cao…?

 

Từ ngày 1 đến 20-4, học sinh lớp 12 sẽ đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký trước đó cho phù hợp.

Ông Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai cho biết học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có rất nhiều lợi thế khi tham khảo thông tin thị trường lao động để đưa ra quyết định chọn ngành nghề nào làm hành trang tương lai cho mình. Đồng Nai cũng như các địa phương lân cận như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh đang rất thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn. Vì vậy, học sinh cần phải xác định xem mình có phù hợp với ngành nghề mình muốn chọn, tránh chọn nghề theo ngành “hot” nhưng lại không phù hợp với sở trường, năng lực và thậm chí là hoàn cảnh kinh tế gia đình, tránh tình trạng chọn ngành “hot”, trường “hot” để cho “oai” nhưng kết quả thì ngược lại.

 

Dựa trên tình hình phát triển kinh tế của đất nước, về xu thế đầu tư, nhất là xu thế đầu tư nước ngoài đang tăng mạnh, ông Huỳnh Ngọc Long đưa ra dự báo, nhiều ngành nghề sẽ tiếp tục “khát” nguồn nhân lực trong 5-10 năm tới. Trong số này các ngành kỹ thuật công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, điện tử, tự động hóa, xây dựng, công nghệ hóa, thực phẩm… sẽ không chỉ có nhiều cơ hội việc làm mà còn có thu nhập ổn định. Tiếp đó là các ngành kinh tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch, ngoại ngữ…

 

Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội Mao Quốc Trung cho biết hiện nay các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Đồng Nai đã hình thành hệ thống đào tạo các ngành nghề theo xu thế của thị trường lao động cần, nhất là ngành kinh tế, kỹ thuật, ngoại ngữ… Có một số trường đã đạt trình độ đào tạo quốc tế và đạt chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia. Do đó, để thuận tiện đi lại, giảm chi phí trong quá trình học tập, học sinh có thể dễ dàng lựa chọn ngành và trường ngay trên địa bàn tỉnh thay vì phải đăng ký xét tuyển ở các trường đại học tại TP.Hồ Chí Minh.

 

Nguồn: http://www.baodongnai.com.vn -  Công Nghĩa

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024723273

TRUY CẬP HÔM NAY: 7952

ĐANG ONLINE: 16