Học lực yếu nên học gì để thành công?


Lựa chọn ngành học nào mà ra trường ngành đó vẫn “hot”, học lực yếu thì chọn học ngành nào để thành công… Tất cả những băn khoăn đó của học sinh đã được giải đáp trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 tổ chức tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) vừa qua.

 

TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) tư vấn riêng cho phụ huynh và học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh

Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF).

Học thế nào để không thất nghiệp?

Học ngành nghề nào, học như thế nào để ra trường không thất nghiệp luôn là mối quan tâm lớn nhất của các em học sinh. Trước mối quan tâm này, ThS. Đức Trí (đại diện UEF) cho hay trong trường ĐH, sinh viên được học rất nhiều kiến thức, bao gồm kiến thức chuyên ngành và những kiến thức liên quan. Thế nhưng khi đi làm, không phải kiến thức nào được học ở trường ĐH cũng cần thiết và áp dụng trong công việc. “Cái mà doanh nghiệp cần nhất ở người lao động ngoài năng lực chuyên môn chính là tư duy để giải quyết tốt các vấn đề của công việc. Câu chuyện học một ngành nhưng ra trường làm được nhiều nghề khác là có và thậm chí có rất nhiều trong thời đại ngày nay. Nhưng điều quan trọng là tư duy trong công việc có được phát huy để làm tốt công việc đó hay không”, ThS. Đức Trí nói.

Học tạo hình nhân vật game và phim hoạt hình ở đâu?

Trước quan tâm này, ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, HUTECH) thông tin: Muốn học nghề vẽ và tạo hình nhân vật thì các em có thể đăng ký học ngành thiết kế đồ họa hay mỹ thuật tại các trường ĐH. Ở đây có những chuyên ngành nhỏ, trong đó có đào tạo về vẽ và tạo hình nhân vật. Còn nếu lựa chọn bậc CĐ, một số trường CĐ cũng có riêng ngành đào tạo về vẽ nhân vật hoạt hình, game. “Tùy theo khả năng và mong muốn của các em để lựa chọn cho phù hợp. Tuy nhiên, để thi vào các khoa thiết kế đồ họa hay mỹ thuật tại trường ĐH thì các em phải vượt qua được môn năng khiếu vẽ. Nếu quan tâm, ngay từ bây giờ các em phải đầu tư học vẽ”.

Về cơ hội việc làm trong ngành này, ThS. Phương cho hay đây là nhóm ngành mới, đang đặt nền móng nhưng rất có tiềm năng phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới khi công nghệ thông tin và xu hướng nghề nghiệp phát triển.

ThS. Đức Trí cũng chia sẻ rằng, việc lựa chọn ngành nghề nên được bắt đầu từ những việc đơn giản nhất. Đó là xem bản thân có những năng lực nào, khả năng đến đâu chứ không nên nhìn xung quanh để “ước lượng” nghề nghiệp của mình. Có rất nhiều cách để người học phát triển công việc sau này. Nhưng cơ bản là phải trang bị được cho mình các tư duy mà doanh nghiệp cần. “Không có trường ĐH nào đào tạo ra những trưởng phòng hay giám đốc mà chỉ trang bị cho người học các kiến thức để chính người học tự hoàn chỉnh lấy tư duy và kỹ năng cho mình”, ThS. Đức Trí cho biết.

Bổ sung thêm, ThS. Nguyễn Quang Anh Chương (Giám đốc Phân hiệu ĐH Broward Hoa Kỳ tại Việt Nam) cho rằng mỗi ngành nghề đều đòi hỏi những tố chất riêng của người học. Để học tốt, trước hết các em phải hiểu được chính bản thân mình có những tố chất nào phù hợp với ngành nghề. Ngay cả khi đi du học cũng thế, chỉ khi nào sẵn sàng thì hãy lên đường còn nếu chưa sẵn sàng thì một là rèn luyện thêm cho thật tốt, hai là chuẩn bị cho mình một phương án khác.

Về vấn đề này, lời khuyên được ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) đưa ra là “đã học thì đừng sợ thất nghiệp, còn nếu sợ thất nghiệp thì đừng học”. “Ngành nghề nào cũng có chỗ đứng trong xã hội. Chỉ cần các em biết phát huy năng lực bản thân, học thật tốt và chủ động tìm kiếm các cơ hội thì cơ hội không bao giờ hết”, ông Tuấn nhắn nhủ.

Học lực yếu thì chọn lựa thế nào?

TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) cho biết câu hỏi “nếu học yếu đều các môn thì nên chọn gì để học” ông nhận được rất nhiều từ các em học sinh chứ không riêng gì học sinh trường Lương Thế Vinh. “Học tại trường phổ thông chỉ là những kiến thức phổ thông và ít có liên quan đến bậc ĐH. Năng lực học ở bậc này chỉ là một trong những tiêu chí trong rất nhiều tiêu chí để quyết định yếu tố lựa chọn nghề nghiệp. Học giỏi hay học yếu cũng phải bắt đầu khi bước vào ĐH. Tuy nhiên, học lực giỏi thì sẽ có những thuận lợi hơn khi lựa chọn ngành nghề. Dù lực học có yếu đều các môn, các em cũng đừng tự ti về bản thân. Vì có rất nhiều trường hợp, như bạn bè tôi chẳng hạn, ngày trước học đâu có tốt nhưng sau này lại trở thành những người rất giỏi kinh doanh hay thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng điều cốt lõi là các em phải biết mình yêu thích ngành nghề gì để dốc hết lòng, hết sức mà theo đuổi”, TS. Tùng nhắn nhủ.

Ngành quản trị kinh doanh không có yêu cầu riêng

Trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 tổ chức ở Trường THPT Hùng Vương (Q.5) mới đây, nhiều học sinh hỏi: “Muốn đăng ký ngành quản trị kinh doanh thì nên tập trung học những môn nào để tăng cơ hội đậu?”. Trả lời câu hỏi này, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc (Viện trưởng Viện Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) cho biết quản trị kinh doanh là ngành học khá đặc biệt so với những ngành nghề khác khi tích hợp kiến thức ở nhiều lĩnh vực. Do vậy, trong ngành quản trị kinh doanh không có những yêu cầu phải giỏi những bộ môn nhất định mới theo học được. Đây là ngành học không chỉ dành riêng cho những bạn giỏi toán hay ngôn ngữ mà là ngành dành cho cả 2 khối tự nhiên và xã hội. Nếu các em giỏi về tự nhiên thì đi sâu vào tài chính, kinh tế, ngân hàng. Còn nếu các em giỏi về ngôn ngữ, thích làm việc với con người thì theo hướng quản trị nhân lực. Dù là ngành học thoáng khi cả hai khối đều có thể theo học và phát triển, nhưng TS. Lộc cũng nhắc nhở: “Muốn theo học ngành quản trị kinh doanh, các em phải xác định rõ năng lực của bản thân để lựa chọn hướng đi phù hợp”.

Học sinh Trường THPT Hùng Vương đặt câu hỏi cho ban tư vấn

Bổ sung thêm, ThS. Trần Hải Nam (Phó Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho rằng muốn theo học khối ngành về quản trị thì yếu tố cần thiết phải có là khả năng giao tiếp và ngoại ngữ. Đây là hai yếu tố cốt lõi mà hầu như ngành nghề nào cũng cần đến. Tuy nhiên, với riêng khối ngành quản trị, các yếu tố này đóng vai trò then chốt để phát triển công việc bản thân và tăng thêm cơ hội cho doanh nghiệp.

Yến Hoa

 

Trước hoài nghi của học sinh về việc liệu lựa chọn một ngành nghề theo học nhưng sau 4 năm ra trường ngành nghề đó không còn “hot”, không còn chỗ đứng trong xã hội thì phải làm sao? Ông Trần Anh Tuấn thông tin rằng thực tế những ngành nghề hiện nay trong xã hội không có ngành nghề nào “hot” mà chỉ có những con người làm nên sự “hot” của công việc đó mà thôi. Xu hướng phát triển của mỗi ngành nghề kéo dài đến cả trăm năm. Khi tiến tới công nghệ 4.0, một số ngành nghề sẽ mất đi thay thế vào đó là những ngành nghề mới nhưng cũng dựa trên nền tảng của những ngành nghề cũ. “Robot chỉ thay thế được những công việc giản đơn, lặp đi lặp lại. Còn những công việc tư duy, sáng tạo, biểu cảm thì không robot nào có thể thay thế được. Trong xu hướng toàn cầu hóa, để không bao giờ lỗi thời, làm một nghề luôn phải tích hợp với nhiều ngành...”, ông Tuấn nhấn mạnh.

 

Nguồn : giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024874365

TRUY CẬP HÔM NAY: 302

ĐANG ONLINE: 12