THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NĂM 2018 DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NĂM 2019 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


 SỞ LAO ĐỘNG

THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU

NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

Số: 411/BC-TTDBNL

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 11 năm 2018

 

 

BÁO CÁO

PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NĂM 2018

DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NĂM 2019

TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

 

           Năm 2018, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên khảo sát, cập nhật cung – cầu lao động thành phố tại 21 sàn giao dịch, ngày hội việc làm; tư vấn hướng nghiệp tại 250 trường Trung học phổ thông; và cập nhật nhu cầu tìm việc, tuyển dụng tại các Trung tâm dịch vụ việc làm, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp; các kênh thông tin tuyển lao động của doanh nghiệp.

 

         Trung tâm thực hiện khảo sát 27.406 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 220.553 lượt tuyển dụng và 110.172 lượt người có nhu cầu tìm việc làm. Đồng thời, trung tâm thực hiện khảo sát nhu cầu tuyển dụng nhân lực năm 2018 và giai đoạn 2019 – 2020 đến 2025 tại 6.000 doanh nghiệp. Tổng hợp kết quả khảo sát, phân tích thị trường lao động thành phố năm 2018 và dự báo nhu cầu nhân lực năm 2019 như sau:

 

I. THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ NĂM 2018

 

1. Thực trạng nguồn Cung lao động

 

1.1. Lực lượng lao động

 

Theo Niên giám thống kê thành phố năm 2017, ước tính dân số trung bình của thành phố năm 2018 là 8.827.931 người, trong đó, nữ chiếm 52,14%.

 

Lực lượng lao động thành phố có 4.598.135 người (chiếm 52,09% tổng dân số); lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp là 3.317.058 người, trong đó, lao động nữ chiếm 47,79%. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2018, dự kiến là 3,8%; ước tính năng suất lao động năm 2018 tăng 5,47% so với năm 2017.

 

Bảng 1: Chỉ tiêu về lao động của thành phố Hồ Chí Minh năm 2018

Chỉ tiêu lao động

2018

Dân số (người)

8.827.931

Trong đó: Nữ (người)

4.602.800

Lực lượng lao động (người)

4.598.135

Tổng số lao động đang làm việc (người)

3.317.058

Lao động cần giải quyết việc làm (người)

300.000

Nguồn: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và  Thông tin TTLĐ TP.HCM
 
Theo tính toán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, lao động đang làm việc trong khu vực nhà nước chiếm 4,31%, khu vực ngoài nhà nước chiếm 74,26% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 21,42%.
 

Lao động làm việc trong khu vực Nông – Lâm – Ngư nghiệp chiếm 0,45%, khu vực Công nghiệp – Xây dựng chiếm 45,53%, khu vực Dịch vụ chiếm 54,03%.

 

Bảng 2: Lao động đang làm việc theo loại hình và khu vực kinh tế

Đvt: Người

Loại hình doanh nghiệp

2016

2017

2018

1. Loại hình doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhà nước

172.585

159.739

143.055

Doanh nghiệp ngoài nhà nước

2.115.695

2.286.123

2.463.375

Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài

667.455

687.059

710.628

2. Khu vực kinh tế

Nông - Lâm - Ngư nghiệp

9.639

12.716

14.850

Công nghiệp - Xây dựng

1.421.271

1.467.818

1.510.120

Dịch vụ

1.524.825

1.652.387

1.792.088

Tổng:

2.955.735

3.132.921

3.317.058

Nguồn: Niên giám thống kê TP.HCM năm 2017 và tính toán Trung tâm Dự báo

nhu cầu nhân lực và Thông tin TTLĐ TP.HCM

 

1.2. Nhu cầu chọn ngành, nghề

 

Năm 2018, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thực hiện khảo sát nhu cầu học nghề - việc làm tại 37 trường THPT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh với 23.041 học sinh. Nhu cầu chọn ngành, nghề của học sinh THPT tập trung ở các nhóm ngành như:

 

- Nhóm ngành Kinh doanh và quản lý: Chiếm 16,59% tập trung ở các ngành quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị nhân lực,...

 

- Nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật: Chiếm 11,86% tập trung ở các ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật kiến trúc,...

 

- Nhóm ngành Máy tính và công nghệ thông tin: Chiếm 10,74% tập trung ở các ngành kỹ thuật phần mềm, khoa học máy tính, an toàn thông tin,…

 

- Nhóm ngành Nhân văn: Chiếm 7,51% tập trung ở các ngành ngôn ngữ anh, ngôn ngữ nhật, ngôn ngữ trung,...

 

- Nhóm ngành Khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân: Chiếm 7,26% tập trung ở các ngành hướng dẫn du lịch, du lịch lữ hành, quản trị lữ hành, quản trị khách sạn,…

 

- Nhóm ngành Nghệ thuật: Chiếm 4,81% tập trung ở các ngành thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, …

 

- Nhóm ngành Báo chí và thông tin: Chiếm 2,78% tập trung ở các ngành công nghệ truyền thông, truyền thông đa phương tiện, tổ chức sự kiện, quan hệ công chúng, …

 

- Nhóm ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: Chiếm 0,51% tập trung ở các ngành sư phạm tiểu học, sư phạm mầm non, sư phạm Anh, ...

 

- Nhóm ngành Sức khỏe: Chiếm 0,33% tập trung ở các ngành y học, dược học, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật xét nghiệm, ...

 

Biểu 3: Nhu cầu chọn nghề của học sinh THPT năm 2018 tại TP.HCM (%)

 

1.3. Nhu cầu việc làm

 

Thành phố Hồ Chí Minh tập trung hệ thống giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, thu hút tuyển sinh toàn quốc, cùng với lượng lớn sinh viên, học viên tốt nghiệp hàng năm, di chuyển lao động từ các tỉnh, thành khác và dịch chuyển lao động trong các doanh nghiệp làm gia tăng nhu cầu tìm việc trên địa bàn thành phố.

 

Kết quả khảo sát, nhu cầu việc làm của sinh viên, người lao động trên địa bàn thành phố có 110.172 lượt người có nhu cầu tìm việc, tăng 35,09% so với năm 2017 và tập trung ở các ngành: Nhân viên kinh doanh – bán hàng (13,26%); Hành chính văn phòng (9,32%); Kế toán – Kiểm toán (8,09%); Vận tải kho bãi – Xuất nhập khẩu (7,03%); Nhân sự (5,12%); Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng (4,92%); Cơ khí – Tự động hóa (4,88%); Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng (3,82%) và Công nghệ thông tin (3,75%),..

 

Biểu 4: Các ngành có nhu cầu tìm việc cao trong năm 2018 (%)

 

Nhu cầu việc làm tập trung ở lao động qua đào tạo chiếm 94,78%, trong đó, trình độ Đại học trở lên (66,57%), Cao đẳng (15,82%), Trung cấp (6,72%), chủ yếu ở các ngành nghề sau: Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Quản lý điều hành, Marketing – Quan hệ công chúng, Hành chính văn phòng, Nhân sự,…

 

Nhu cầu tìm việc ở lao động chưa qua đào tạo chiếm 5,22%, Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề (5,67%) tập trung ở các ngành nghề như: Dịch vụ phục vụ, Dệt may – Giày da, Nhân viên kinh doanh – Bán hàng, Cơ khí, Lái xe,…

 

Biểu 5: Nhu cầu việc làm theo cơ cấu trình độ năm 2018

 

2. Thực trạng nguồn Cầu  

 

Theo Niên giám thống kê năm 2017 và tính toán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, ước tính toàn thành phố có khoảng 241.532 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến ngày 31/10/2018, đã có 44.997 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với quy mô lao động 198.961 người, tăng 28,14% về số giấy phép so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đã góp phần tạo ra nhiều việc làm mới cho thị trường lao động thành phố.

 

2.1 Nhu cầu nhân lực theo loại hình doanh nghiệp, khu vực kinh tế

 

Kết quả khảo sát 33.406 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 220.553 lượt tuyển dụng năm 2018, nhu cầu nhân lực tập trung ở doanh nghiệp tư nhân chiếm 73,53%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 25,38% và doanh nghiệp nhà nước chiếm 1,09%.

 

Về khu vực kinh tế, nhu cầu nhân lực trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất với 66,47%, khu vực Công nghiệp – Xây dựng chiếm 32,22% và khu vực Nông – Lâm – Ngư nghiệp chiếm 1,31%

 

Bảng 6: Nhu cầu nhân lực theo khu vực kinh tế giai đoạn 2016 - 2018

Đvt: Phần trăm (%)

Nhu cầu nhân lực trong khu vực kinh tế

2016

2017

2018

Nông – Lâm – Ngư nghiệp

2,21

2,36

1,31

Công nghiệp – Xây dựng

32,84

33,01

32,22

Dịch vụ

64,95

64,63

66,47

Nguồn: Tính toán của Trung tâm Dự báo NCNL và Thông tin TTLĐ TP.HCM

 

2.2 Nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong năm 2018

 

Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018 nhu cầu tuyển dụng nhân lực tập trung ở các nhóm ngành như: Kinh doanh – bán hàng (23,10%), Dịch vụ phục vụ (9,14%), Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (6,38%), Kế toán – Kiểm toán (6,10%), Kinh doanh tài sản – Bất động sản (5,9%), Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn (5,27%); Công nghệ thông tin (4,89%), Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng (4,87%), Điện – Điện lạnh – Điện công nghiệp (3,46%), Dệt may – Giày da (3,40%),…

 

Biểu 7: Nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao trong năm 2018 (%)

 

2.3 Nhu cầu nhân lực theo trình độ nghề

 

- Nhu cầu nhân lực có trình độ Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề và lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ 46,6% tập trung ở các nhóm ngành như: Dịch vụ phục vụ, Kinh doanh – Bán hàng, Dệt may – Giày da, Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, …; ở các vị trí lao động mang tính chất thời vụ - bán thời gian: nhân viên phục vụ nhà hàng – phụ bếp, giao hàng nhanh, nhân viên đóng gói sản phẩm, giữ kho, bán hàng,… 

 

- Trung cấp chiếm 18,93%: Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm ngành Cơ khí – Tự động hóa, Dệt may – Giày da, Dịch vụ phục vụ, Kinh doanh – Bán hàng,…

 

- Cao đẳng chiếm 13,80%: Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm ngành Kinh doanh – Bán hàng, Công nghệ thông tin, Điện – Điện lạnh – Điện công nghiệp, Kế toán – Kiểm toán, Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu,…

 

- Đại học – Trên Đại học chiếm 20,67%: Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm ngành Quản lý điều hành, Nhân sự, Công nghệ thông tin, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán, Marketing – Quan hệ công chúng,…

 

Biểu 8: Nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn năm 2018 (%)

 

2.4 Nhu cầu nhân lực theo kinh nghiệm

 

Nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm làm việc chiếm 62,20% tăng 14,26% so với năm 2017, cụ thể như sau:

 

- Từ 02 đến 05 năm kinh nghiệm và trên 05 năm kinh nghiệm chiếm 18,21% tổng nhu cầu tuyển dụng, chủ yếu ở một số vị trí: Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán, Giám sát công trình, Quản lý dự án, Giám đốc điều hành, Cơ khí – Tự động hóa, Điện – Điện lạnh – Điện tử, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ thông tin,…

 

- 01 năm kinh nghiệm chiếm 43,99% tổng nhu cầu tuyển dụng; các nhóm ngành: Nhân viên kinh doanh – bán hàng, nhân viên kế toán bán hàng, công nhân hàn, thợ đứng máy, công nghệ thông tin,…

 

Nhu cầu nhân lực không yêu cầu kinh nghiệm làm việc chiếm 37,80% chủ yếu ở các nhóm ngành Kinh doanh – Bán hàng, Dịch vụ phục vụ, Dệt may – Giày da, Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, nhân viên tư vấn khách hàng, nhân viên giao hàng,…

 

2.5 Nhu cầu nhân lực theo mức lương

 

 Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, mức lương tuyển dụng lao động trên địa bàn thành phố như sau:

 

- Dưới 4 triệu chiếm tỷ lệ 0,1%; nhu cầu tuyển dụng tập trung ở nhóm lao động mang tính chất thời vụ - bán thời gian và không yêu cầu kinh nghiệm làm việc ở các vị trí như: nhân viên bán hàng, phục vụ bàn, phục vụ tiệc cưới, nhân viên tiếp thị sản phẩm (PG), nhân viên khảo sát thị trường sản phẩm mới, phát tờ rơi, nhập liệu, đóng gói sản phẩm, giao hàng nhanh, lễ tân,…

 

- Từ 4 triệu đến 6 triệu chiếm 5,36%; nhu cầu tuyển dụng không yêu cầu kinh nghiệm ở các vị trí như: nhân viên buồng phòng, kế toán tổng hợp, thợ hồ, nhân viên lắp ráp linh kiện điện tử, nhân viên bán hàng trực tuyến, nhân viên kinh doanh bất động sản, kỹ thuật viên công nghệ thông tin, nhân viên sơ chế thực phẩm, nhân viên bếp, nhân viên pha chế, bảo vệ, nhân viên chăm sóc khách hàng. Nhu cầu tuyển dụng lao động yêu cầu ít nhất 1 năm kinh nghiệm, trình độ sơ cấp nghề - CNKT lành nghề ở các vị trí như; công nhân may – thợ in lụa, thợ làm bánh, thợ cắm hoa, thợ sơn,…

 

- Từ 6 triệu đến 10 triệu chiếm 73,58%; nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí yêu cầu có trình độ (Đại học – Cao Đẳng – Trung cấp) và ít nhất 1 năm kinh nghiệm như: nhân viên marketing, nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên phát triển thị trường, kỹ sư điện lạnh – điện tử, lập trình viên, kế toán tổng hợp, giám sát điện công trình, Kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, nhân viên xuất nhập khẩu, thông dịch viên, Hành chính văn phòng,…

 

- Từ 10 triệu trở lên chiếm 20,96% chủ yếu ở các vị trí đòi hỏi kinh nghiệm từ 2 năm kinh nghiệm trở lên như: cơ khí, kỹ sư xây dựng – kiến trúc sư, phiên dịch viên, lập trình viên, bếp trưởng, nhân viên kinh doanh, lập dự án đầu tư, các vị trí quản lý nhân sự - tuyển dụng, quản lý điều hành,…

 

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CUNG – CẦU LAO ĐỘNG

 

Thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì tăng trưởng, đã và đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực, giảm dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường vẫn còn rất lớn, thể hiện ở các nhóm ngành, nghề sau:

 

Kinh doanh – Bán hàng: chiếm 23,10% và có tỉ lệ cao trong tổng nhu cầu tuyển dụng được khảo sát, tập trung ở trình độ cao đẳng – đại học trở lên chiếm 37,69%, trình độ trung cấp chiếm 33,87%, CNKT lành nghề và Sơ cấp nghề là 7,27%, còn LĐ chưa qua đào tạo là 21,17%. Ở ngành này luôn cần nhiều nhân lực và nhà tuyển dụng chú trọng vào nguồn nhân lực có kỹ năng giao tiếp tốt, có kinh nghiệm là một lợi thế và linh hoạt trong các hoạt động kinh doanh.

 

Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu: chiếm 6,38% trong tổng nhu cầu tuyển dụng, giảm 28,25% so với năm 2017. Ngành này tập trung chủ yếu là ở các vị trí từ trình độ trung cấp trở lên chiếm 57,60% tổng nhu cầu tuyển dụng của ngành. Đặc biệt dịch vụ về kho bãi, kho lưu trữ và bảo quản hàng hóa, hoạt động logistics ngày càng mở rộng, thu hút và tạo nhiều việc làm cho lao động. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng vẫn chưa đủ cầu.

 

Công nghệ thông tin: chiếm 4,89% trong tổng nhu cầu tuyển dụng, tập trung từ trình độ cao đẳng trở lên (46,46%). Các dự án về công nghệ, tập trung phát triển khu công nghệ cao là yếu tố hàng đầu thu hút nhiều nhân lực chất lượng cao.

 

Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn: chiếm 5,27%, tập trung chủ yếu từ trình độ trung cấp trở lên (45,53%) và ở các vị trí như: hướng dẫn viên du lịch, nhân viên dịch vụ lữ hành, nhân viên buồng phòng, đầu bếp Á, đầu bếp Âu, quản lý nhà hàng, quản lý điều hành tour,…Các vị trí này đòi hỏi người lao động luôn có kiến thức về công nghệ, tập trung chủ yếu ở các vị trí quản lý, giám sát nhà hàng.

 

Nhìn chung thị trường lao động thành phố lực lượng lao động qua đào tạo ngày càng tăng, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập giữa cung – cầu lao động dẫn đến việc phát triển thị trường lao động vẫn chưa đồng bộ, còn thể hiện sự chênh lệch cung - cầu lao động về số lượng. Đặc biệt, chất lượng vẫn chưa đáp ứng đồng bộ yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập.

 

III. DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC - THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NĂM 2019

 

1. Thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh năm 2019

 

Trên cơ sở triển khai Nghị quyết của Đảng bộ thành phố với nhiều giải pháp tích cực và đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố.

 

Thành phố triển khai các chính sách giúp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thành phố phát triển theo xu hướng công nghệ cao, tích cực áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, hệ thống tổ chức và quản lý, vận hành doanh nghiệp.

 

Cùng với sự phát triển và hội nhập kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư, dịch vụ logistics đang có những bước phát triển vượt bậc và tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Nhu cầu lao động đối với ngành logistics tăng mạnh, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiếng Anh và công nghệ thông tin tốt.

 

Thương mại điện tử tại Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong những năm gần đây. Nhu cầu nhân lực tăng cao do các doanh nghiệp có hoạt động thương mại điện tử ngày càng nhiều, các công nghệ ứng dụng trong thương mại điện tử luôn thay đổi với tốc độ nhanh tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các vị trí: digital marketing (tiếp thị số), chăm sóc khách hàng, dịch vụ logistics, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ thời trang, hàng tiêu dùng và đặc biệt là dịch vụ công nghệ thông tin,…

 

Thành phố đang trong quá trình triển khai đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Đô thị thông minh sẽ tạo cơ hội để thành phố đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghệ cao. Nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ thông tin tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019 với các vị trí an ninh mạng, lập trình, phát triển ứng dụng, thiết kế và điều hành web,…

 

Thị trường lao động thành phố năm 2019, có những chuyển biến tích cực mạnh mẽ về nhân lực, đặc biệt là tăng mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, thị trường lao động sẽ phát triển các ngành tích hợp công nghệ cao phù hợp với công nghệ 4.0, cụ thể là các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ kỹ thuật về công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin, thương mại điện tử, marketing điện tử, kiến trúc - xây dựng, du lịch, dịch vụ y tế và nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, đã đưa ra chủ trương ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành đòi hỏi quy mô vốn lớn, yêu cầu trình độ công nghệ cao và hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài vào những ngành thâm dụng lao động giản đơn bởi đây không phải là lợi thế so sánh của thành phố.

 

2. Dự báo nhu cầu nhân lực thành phố Hồ Chí Minh năm 2019

 

Báo cáo sử dụng mô hình ARIMA và ước lượng sai số chuẩn vững (Robust Estimation) để phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực năm 2019 theo ngành nghề, trình độ nghề dựa trên chuỗi số liệu cầu lao động giai đoạn 2013 – 2018. Dự kiến năm 2019, thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu 320.000 chỗ làm việc, trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới.

 

Dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 79,17%, nhu cầu nhân lực có trình độ Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề chiếm 22,77%, Trung cấp chiếm tỉ lệ 19,93%, Cao đẳng chiếm 15,80%, Đại học trở lên chiếm 20,67%.

 

- Quý I/2019: Cần khoảng 90.000 chỗ làm việc với 26% lao động phổ thông, nhu cầu nhân lực ở các ngành nghề marketing, bán hàng, tiếp thị - trưng bày sản phẩm, dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn, tiếp thị sản phẩm, quảng cáo, đóng gói hàng thực phẩm và hàng dân dụng, nghiên cứu thị trường, xây dựng, sửa chữa điện, cơ khí, dịch vụ giúp việc nhà, dịch vụ chăm sóc cây cảnh, giao hàng nhanh, nhân viên bảo vệ,… sẽ tăng cao trong tháng 01/2019 và tháng 02/2019. Tháng 03/2019, nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề có xu hướng tăng cho các lĩnh vực ngành sản xuất, chế biến như Dệt may – Giày da, Chế biến thực phẩm, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, Nhựa – Bao bì, Xây dựng,…

 

- Quý II/2019 và Quý III/2019: Kinh tế thành phố ổn định sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho thành phố tiếp tục phát triển kinh tế theo những định hướng phát triển năm 2019, thị trường lao động có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng so quý I/2019, dự kiến nhu cầu tuyển dụng Quý II/2019 khoảng 75.000 chỗ làm việc và quý III/2019 khoảng 80.000 chỗ làm việc. Tập trung thu hút lao động ở một số ngành nghề như: Marketing - Kinh doanh – Bán hàng, Cơ khí, Kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ thông tin, Dệt may - Giày da, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Công nghệ ô tô – xe máy, Nông – lâm nghiệp – thủy sản, Quản lý nhân sự, Kế toán kiểm toán, Hóa – Hóa chất, Dịch vụ - Phục vụ, Điện – Điện tử - Điện lạnh – Điện công nghiêp,…

 

- Quý IV/2019: các doanh nghiệp tuyển dụng lao động chú trọng lao động có trình độ, tay nghề chiếm khoảng 75.000 chỗ làm việc, trong đó lao động phổ thông chiếm 27%. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực tập trung ở các nhóm ngành nghề như: Dệt may - Giày da, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Dịch vụ - Phục vụ, Bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng,…

 

IV. GIẢI PHÁP – KIẾN NGHỊ

 

1. Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích phát triển đặc biệt các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, đây là  khu vực tạo việc làm lớn nhất của TP.HCM, cũng là khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất trước những thay đổi về môi trường và các chính sách.

 

2. Khuyến khích đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ, khoa học tiên tiến trong tất cả các ngành kinh tế,  cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các mô hình khởi nghiệp.

 

3. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, xây dựng các kỹ năng cho người học đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển kinh tế xã hội: kỹ năng chuyên môn đáp úng cho từng loại công việc, kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ trong công việc, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc tập thể,…

 

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển thị trường lao động, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các hoạt động của các trường đào tạo và nhận thức tự học tập, rèn luyện, trang bị kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên – học sinh, người lao động phù hợp với thị trường lao động./.

 

Nơi nhận:                
- Đ/c Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở;
- Phòng Việc làm - An toàn Lao động;
- Phòng Giáo dục Nghề nghiệp;
- Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm Xã hội;
- Văn phòng Sở;
- Phòng Văn hóa - Xã hội - UBND TP.HCM;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu./.

GIÁM ĐỐC






Trần Thị Anh Đào

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024926807

TRUY CẬP HÔM NAY: 6995

ĐANG ONLINE: 42