Đổi mới trường nghề


 
 
 
 
 
 
                        Đổi mới phương thức tiếp cận, tư vấn cho học sinh là cách mà nhiều trường nghề đang áp dụng.
 
 
Vài năm trở lại đây, việc tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp đã khó giờ còn khó hơn. Có nhiều trường phải trả lại hồ sơ cho người học vì không đủ chỉ tiêu (CT) để tổ chức lớp, ngành. Không ít trường tuyển chưa tới 20% hồ sơ so CT ban đầu. Do vậy, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đã đến lúc các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp (HTGDNN) phải đổi mới toàn diện, từ chương trình đào tạo đến phương án tuyển sinh (TS).
 
 
Vì sao bị “ngó lơ”?
 
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, mặc dù tỷ lệ cơ cấu các bậc học trong thị trường lao động khá hợp lý, nhưng trên thực tế, mọi địa phương vẫn trong tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Nếu tính theo cơ cấu, cấp bậc đại học chiếm tỷ lệ 17%, cao đẳng chiếm 18%, trung cấp là 35% trên tổng nhu cầu nhân lực. Còn lại là sơ cấp nghề. “Thế nhưng, hiện nay người học và phụ huynh vẫn lầm tưởng khi cho rằng vào đại học thì cơ hội việc làm nhiều hơn và thu nhập cao hơn mà quên mất năng lực, sở thích và điều kiện của mình. Đáng buồn hơn, chẳng ai quan tâm sơ cấp nghề. Như vậy, các trường nghề khó tuyển sinh cũng dễ hiểu”, ông Tuấn phân tích.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ người học và gia đình chưa thật sự mặn mà với HTGDNN một phần do chất lượng của trường nghề hiện nay chưa đồng đều, nếu không muốn nói là nơi tốt, chỗ lại quá tệ. Đứng ở góc độ của người làm công tác hướng nghiệp phân luồng từ nhiều năm nay, ông Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp TP Hồ Chí Minh (thuộc Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho rằng, xã hội chưa nhìn nhận đúng giá trị của HTGDNN vì nhiều lý do: “Thứ nhất, hiện nay đa phần phụ huynh vẫn còn lúng túng trong việc định hướng nghề nghiệp cho con mình. Phụ huynh còn lúng túng thì chắc chắn một học sinh lớp 9 sẽ rất khó để tự đưa ra sự định hướng đúng đắn cho bản thân. Thứ hai, cách tính lương của chúng ta hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào bằng cấp nên không ít người sẽ có suy nghĩ phải tốt nghiệp đại học thì lương mới cao. Và thứ ba, chúng ta đang nói nhiều đến mấy trăm nghìn cử nhân thất nghiệp hiện nay. Từ thực tế này, nhiều người tự nhủ, tốt nghiệp đại học còn thất nghiệp huống hồ gì trường nghề”.
 
Tư vấn đúng thời điểm, đúng đối tượng
 
Để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh mang tên TS, thì các trường nghề không còn cách nào khác là tự thân vận động. Việc đầu tiên cần thay đổi là chính sách và cách thức TS. Ông Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn cho rằng, quan trọng nhất trong TS là lọc đúng đối tượng và chọn đúng thời điểm. Vấn đề nhiều trường đang gặp hiện nay chính là tâm lý chờ đợi xong đại học mới tới cao đẳng. “Tại sao chúng ta không tiến hành công tác tư vấn hướng nghiệp ngay cùng thời điểm để nói lên tiếng nói của mình. Đây là giai đoạn học sinh phổ thông thiếu thông tin về HTGDNN nhiều nhất. Và TS không phải cứ làm tràn lan, xuất hiện tại nhiều ngày hội là hiệu quả. Chúng ta làm sao đưa được thông tin đến tận giáo viên hướng nghiệp tại các trường phổ thông mới là điều đáng bàn. Họ chính là kênh tham khảo đáng tin cậy nhất của học sinh và phụ huynh hiện nay”, ông Toàn lý giải.
 
Cùng suy nghĩ này, ông Huỳnh Anh Bình cho rằng, kinh phí thôi chưa đủ mà các trường nghề phải đầu tư cả về nhân lực để công tác TS ngày càng chuyên nghiệp, đi vào chiều sâu. Các trường cần chủ động mở rộng thông tin thông qua việc tận dụng tối đa các kênh như tư vấn tại chỗ, giới thiệu trên website hay tham gia các ngày hội TS uy tín. Khi TS, cần cho người học thấy được môi trường đào tạo đáng tin cậy và sự bảo đảm chất lượng hay cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Muốn làm tốt điều này, các trường cần gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. “Chất lượng đào tạo và giá trị hành nghề của bằng cấp cần được bảo đảm. Như vậy mới mong người học cân nhắc kỹ để chọn lựa vào HTGDNN”, ông Bình nói thêm.
 
Đứng ở góc độ người điều hành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cho rằng cùng với chính sách TS tối ưu, các trường cần tập trung đầu tư cho đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất để từng bước nâng chuẩn đào tạo, giúp sinh viên tự tin hành nghề sau khi tốt nghiệp. Khi có được lòng tin, việc TS sẽ không quá khó như hiện nay.
 
 
 
 
Nguồn: nhandan.com.vn
 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878876

TRUY CẬP HÔM NAY: 1114

ĐANG ONLINE: 13