Góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX: Giải pháp việc làm cho phụ nữ nghèo


PN - Trong 18 chỉ tiêu chủ yếu mà Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM  lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đưa ra có chỉ tiêu Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập 12 triệu đồng/người/năm đến cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành (còn dưới 2%).
 

Đây là một chỉ tiêu đáng chú ý. Và tôi xin đóng góp ý kiến của mình xung quanh việc chăm lo cho lao động nữ (LĐN) có hoàn cảnh khó khăn, vì đây là những đối tượng dễ rơi vào hoàn cảnh nghèo.

 

Nguồn LĐ của TP.HCM năm 2010 có 4,9 triệu người, trong đó tổng số LĐN chiếm 54,1%. Tổng số LĐ đang làm việc có trên 3,5 triệu người, trong đó LĐN chiếm 50,27%; tỷ lệ LĐN làm việc trong các ngành công nghiệp dệt, may, da giày, tiểu thủ công nghiệp chiếm 46%. Tỷ lệ LĐN làm việc trong các ngành nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 34,7%.

 

Theo chương trình của UBND TP.HCM về mục tiêu giảm nghèo, tăng hộ khá của TP giai đoạn 2009 – 2015, kết quả khảo sát tổng số hộ nghèo (có thu nhập từ 12 triệu đồng/người/năm trở xuống) đến 30/10/2009 là 152.328 hộ, chiếm tỷ lệ 8,4% tổng số hộ dân TP.

 

Cần có sự kết hợp với nguồn lực, nguồn vốn để tạo việc làm cho lao động nữ
Ảnh: N.Hữu

 

Như vậy, có khoảng trên 750.000 người thuộc hộ nghèo, trong đó có 400.000 phụ nữ (PN) thuộc hộ nghèo; số LĐN thuộc hộ nghèo có nhu cầu về việc làm sẽ có khoảng từ 35.000 – 40.000 người trong năm 2009 – 2010.

 

Tuy nhiên, trong vấn đề chăm lo việc làm cho PN, TP luôn cần phải đặc biệt quan tâm đối với LĐN có hoàn cảnh khó khăn (vì họ rất dễ rơi vào hộ nghèo). Đó là các đối tượng: LĐN thuộc hộ nghèo, hộ dân tái định cư, hộ dân có thu nhập cận chuẩn nghèo; LĐN đang làm việc tự do, tự tạo việc làm với những công việc không ổn định, thu nhập thấp (buôn bán hàng rong, lòng lề đường, buôn bán lẻ, dịch vụ, phục vụ ăn uống đơn lẻ, giản đơn); LĐN đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh quy mô nhỏ, thu nhập thấp, dễ mất việc làm (như một số công việc gia công dệt, may; bán sản phẩm, dịch vụ, phục vụ, vệ sinh công nghiệp…); LĐN từ các địa phương khác đến TP làm việc; LĐN mất việc làm, nghỉ việc trước tuổi còn sức LĐ có nhu cầu tìm việc làm; nữ sinh viên (SV), học sinh (HS) thuộc gia đình nghèo, LĐ đơn thuần kể cả nữ SV, HS tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm trái ngành, nghề và không ổn định việc làm.

 

Trung Tâm Dự Báo Nhu Cầu Nhân Lực và Thông Tin Thị Trường Lao Động TP.HCM

PN nghèo, hoàn cảnh khó khăn có những ưu điểm là: rất linh hoạt tìm kiếm việc làm, làm việc với  tinh thần chấp nhận khó khăn; chi tiêu tiết kiệm, sẵn sàng làm nhiều việc, làm thêm giờ… Nhưng họ cũng có nhược điểm là: thiếu thông tin thị trường LĐ, thiếu am hiểu kỹ năng, dễ chấp nhận công việc thu nhập thấp, việc làm không ổn định; dễ thay đổi việc làm; không quan tâm nhiều đến pháp luật LĐ…

 

Từ những phân tích trên, xin đề xuất một số giải pháp thúc đẩy việc làm cho LĐN nói chung và PN nghèo/có hoàn cảnh khó khăn. Đó là: cần phát triển các hình thức dạy nghề và ngành nghề đào tạo ngắn hạn, dài hạn phù hợp với LĐN. Liên kết với các doanh nghiệp để dạy nghề và giới thiệu việc làm cho LĐN. Kết hợp với nguồn lực, nguồn vốn tạo việc làm cho LĐN. Thực hiện các chính sách bình đẳng việc làm và các chính sách kinh tế - xã hội để nâng cao hiệu quả việc làm cho LĐN. Phát triển hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường LĐ đối với LĐN. Phát triển hoạt động trung tâm giới thiệu việc làm PN TP với các chương trình việc làm và tư vấn việc làm, đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội cho LĐN. Tổ chức khảo sát định kỳ về nhu cầu việc làm của PN nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để có những định hướng thiết thực, cụ thể hỗ trợ nghề nghiệp việc làm.

 

Trần Anh Tuấn
(Phó GĐ thường trực Trung tâm Dự báo
nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường LĐ TP.HCM)

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024902488

TRUY CẬP HÔM NAY: 5705

ĐANG ONLINE: 42