Cơ chế đặc thù mở ra nhiều cơ hội việc làm


Nói về tác động của cơ chế đặc thù đang được TP HCM thực hiện thí điểm, ông Trần Anh Tuấn-Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI) cho biết, có những thay đổi tích cực về dòng lao động đổ về TP HCM làm việc, trong khi các cơ hội việc làm mới, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp 4.0…

 

Cơ chế đặc thù mở ra nhiều cơ hội việc làm

Cung – cầu lao động tại TP HCM được dự báo sẽ rơi vào tình trạng “thừa - thiếu, thiếu - thừa” trong trung hạn. Ảnh: Hồng Phúc.

 

PV: Từ đầu năm đến nay, thị trường lao động – việc làm của thành phố có những điểm nổi bật nào, thưa ông?

 

Ông Trần Anh Tuấn: Kinh tế thành phố có tác động đến thị trường lao động, trong đó lao động qua đào tạo và có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu tuyển dụng nhân lực có xu hướng tăng 24,41% so với cùng kỳ năm 2017.

 

Đáng chú ý trong xu hướng này là các ngành nghề về hệ thống bán lẻ, thu mua, bán hàng siêu thị, nhân viên kinh doanh, cửa hàng trưởng, trưởng nhóm bán hàng, giám sát bán hàng, bán hàng online, sales admin, logistics, kinh doanh xuất nhập khẩu. Xu hướng này phản ánh các nhà đầu tư bán lẻ đầu tư mạnh vào thị trường TP HCM trong những năm gần đây.

 

Ngoài ra, cơ hội việc làm trong lĩnh vực CNTT tăng hơn 5%, với các vị trí như: nhân viên IT, lập trình viên, nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, thiết kế và quản trị website, nhân viên kỹ thuật thiết bị mạng,…

 

Công nghiệp 4.0 cũng tạo ra các cơ hội việc làm trong các lĩnh vực cơ khí - tự động hóa - điện tử - cơ điện tử (3,74%), ở những vị trí kỹ sư cơ khí, nhân viên kỹ thuật, kỹ sư tự động hóa, kỹ sư điện tử, giám sát kỹ thuật, nhân viên kỹ thuật cơ điện tử,…

 

Giáo dục ĐH hiện nay còn tình trạng cử nhân tốt nghiệp nhiều ngành khi ra trường vẫn phải mất 3-6 tháng để đào tạo lại, theo ông làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn nhu cầu của doanh nghiệp?

 

- Tôi cho rằng, thực trạng chung là phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định. Nguyên nhân là do các bạn trẻ chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp – việc làm. Một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động.

 

Mặt khác các doanh nghiệp rất quan tâm tuyển chọn đối với sinh viên tốt nghiệp về kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, những hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp. 

 

Quá trình làm công tác dự báo nhân lực TP HCM, tôi cũng thấy rằng hạn chế lớn của sinh viên khi ra trường, đa số chưa định hướng được cụ thể để chọn một ngành chuyên môn phù hợp với khả năng, đồng thời do hệ thống thông tin thị trường lao động; hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm thành phố cũng chưa cập nhật kịp thời để gắn kết sinh viên và doanh nghiệp. 

 

Như vậy, trong trung hạn sẽ tiềm ẩn những bất ổn về cung – cầu lao động TP HCM. Ông dự báo rủi ro này như thế nào?

 

- FALMI dự báo thị trường lao động tiếp tục có sự chênh lệch giữa cung - cầu trong những năm tới. Không chỉ vấn đề về lao động vừa tốt nghiệp CĐ, ĐH chưa đáp ứng ngay được công việc mà việc “thừa - thiếu, thiếu - thừa” giữa các ngành, nghề vẫn luôn hiện diện. Có người trình độ cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp, đang có nhu cầu tìm việc chiếm đến khoảng 60% số người đang tìm việc. Trong khi đó các doanh nghiệp luôn cần nhiều nhân lực hài hòa giữa 3 yếu tố: kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…).

 

Thực trạng thị trường lao động  luôn diễn biến tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và nhân lực trình độ nghề chuyên môn lành nghề cho thấy tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất – kinh doanh. Vì vậy, việc tham gia đồng bộ của các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội là điều cần thiết hiện nay để từng bước nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng và hạn chế sự nghịch lý.

 

Hiện nay, TP HCM đang thí điểm cơ chế đặc thù, riêng trong lĩnh vực lao động – việc làm thì cơ chế thu hút nhân tài cho các mục tiêu đột phá của thành phố là gì, thưa ông?

 

- Hiện đã có dự báo xu hướng nhu cầu nhân lực TP HCM giai đoạn 2018 – 2025 đến năm 2030, trong đó thành phố định hướng tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu (Điện tử - CNTT, Cơ khí, Hóa chất – Nhựa – Cao su, Chế biến lương thực – Thực phẩm) và 9 ngành kinh tế dịch vụ chủ lực (Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng – Bảo hiểm, Giáo dục – Đào tạo, Du lịch, Y tế, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Dịch vụ tư vấn, Khoa học – công nghệ, Nghiên cứu và triển khai, Thương mại, Dịch vụ vận tải – Kho bãi – Dịch vụ cảng, Dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin).

 

Từ góc độ của chức năng, nhiệm vụ hoạt động, thời gian qua FALMI cũng đã đề xuất các giải pháp về thu hút nhân tài, dự trên các định hướng phát triển nêu trên, bao gồm:

 

Nghiên cứu các chính sách giải pháp quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động.

 

Xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động và dịch vụ việc làm thành phố với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để hỗ trợ học nghề, tìm việc làm của thanh niên, người lao động phù hợp với yêu cầu thực tế từng tỉnh, thành, khu vực và cả nước.

 

Cần xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực để đặt hàng cho các cơ sở đào tạo và quy hoạch lại các cơ sở đào tạo phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội.

 

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hình thức khởi nghiệp, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động; đồng thời đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất và công nghệ, phát triển kinh tế để tăng trưởng việc làm.

 

Trân trọng cảm ơn ông!

    Thành Luân (thực hiện)

Nguồn: http://daidoanket.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024873178

TRUY CẬP HÔM NAY: 2251

ĐANG ONLINE: 8