Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo TPHCM


(HCM CityWeb) - Sáng 28/7, UBND TPHCM tổ chức hội thảo quốc tế “Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo TPHCM”. Tham dự có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc; Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Huỳnh Thành Đạt; đại diện các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn TP.

 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo

 

Phát biểu định hướng hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP và nhấn mạnh đô thị thông minh là đô thị sáng tạo (ĐTST) của TPHCM có 5 điểm nổi bật.

 

Thứ nhất, TPHCM là TP lớn nhất nước hiện có khoảng 10 triệu dân. Mỗi năm có “TP nhỏ” được sinh ra. Điều này xảy ra trong hơn một thập kỷ vừa qua, nếu không phát triển TP theo hướng đô thị thông minh thì không thể giải quyết được những vấn đề đô thị một cách hiệu quả.

 

Thứ hai, TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, chiếm 22% GDP, đóng góp 27% ngân sách quốc gia, trong khi diện tích chỉ chiếm 0,6% trên cả nước và dân số cũng chỉ chiếm khoảng 10%. Nếu TPHCM gặp “vấn đề” về kinh tế sẽ khiến cả nước bị ảnh hưởng theo. Như vậy, TPHCM phải là TP đi đầu về kinh tế để đáp ứng phần lớn yêu cầu của cả nước.

 

Thứ ba, TPHCM có lực lượng lao động chất lượng cao, hiện nay tỷ lệ người lao động có bằng đại học ở TPHCM cao gấp 2,3 lần so với trung bình cả nước.

 

Thứ tư, năng suất lao động cao gấp 2,7 lần so với toàn quốc. Như vậy, rõ ràng TPHCM có thể tạo điều kiện phát triển công nghệ cao với lực lượng lao động này.

 

Cuối cùng, TPHCM có các doanh nghiệp tư nhân phát triển rất mạnh, chiếm 82% đóng góp cho nền kinh tế tại TPHCM. 

 

Bên cạnh đó, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra những thách thức mà TP phải đối mặt đó là vấn đề kẹt xe, ngập nước, nhà ở cho người dân, ô nhiễm không khí, việc tận dụng truyền thống về đổi mới sáng tạo và sức mạnh của mỗi người dân TP. 

 

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, trong một thập kỷ tới, TPHCM mong muốn tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tiếp tục tăng trưởng năng suất lao động, duy trì mức đóng góp 30% GDP ngân sách quốc gia; trở thành hạt nhân của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam; triển khai Đề án TPHCM trở thành đô thị thông minh; phải quan tâm đến mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp TP. Đó là các chỉ số cơ bản để phát triển.

 

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã xác định 7 chương trình đột phá của TP. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, TP nhận thấy những chương trình này chưa đủ và TP có Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đã được TP đưa ra vào năm 2017 với 4 mục tiêu chính là tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, tạo môi trường sống tốt cho người dân TP và người dân nhận được chất lượng tốt từ chính quyền TP, sự tham gia của người dân vào việc giám sát các thiết chế xã hội và hoạt động của chính quyền. Sau khi thực hiện Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh được 1 năm, TP lại điều chỉnh và thay đổi, có mục tiêu mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Đó là xây dựng đô thị sáng tạo của TPHCM và khi triển khai đô thị thông minh cần có hạt nhân bên trong TP và hạt nhân đó là điểm khởi đầu cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở TPHCM.

 

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Mục tiêu xây dựng đô thị sáng tạo của TPHCM nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ,… Ngoài ra, TPHCM muốn hỗ trợ các tỉnh xung quanh như Đồng Nai và Bình Dương, để tạo nên cụm động lực phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam. Vì vậy, TPHCM muốn gộp 3 quận gồm 2, 9, Thủ Đức thành đô thị sáng tạo phía Đông của TP. Bên cạnh đó, có hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai là hai tỉnh có công nghiệp hóa cao ở Việt Nam.

 

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thông tin: Quận Thủ Đức có mật độ cao tập trung các viện, trường nghiên cứu, 4 trường Đại học lớn ở Thủ Đức với trên 10.000 giảng viên, trong đó có hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ, có 100.000 sinh viên. Vì vậy, quận Thủ Đức sẽ là nơi tập trung năng lực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Ở quận 2 có Khu Đô thị mới Thủ Thiêm để cung cấp nhiều hạ tầng cơ sở, tiện ích cho rất nhiều chức năng khác nhau. Ở đây sẽ có cơ sở hạ tầng chính cho trung tâm tài chính quốc tế của TP. Đây là một trong những nơi đáng sống nhất của TP. Với quận 9 là quận nghiên cứu và phát triển. Ở đây có Khu Công nghệ cao TP thành công nhất ở Việt Nam.

 

“TPHCM hình dung đổi mới sáng tạo của TP sẽ có nghiên cứu, có đào tạo, chuyển giao công nghệ, có trung tâm dịch vụ, khu vực sản xuất công nghệ cao, văn hóa giải trí,… Đồng thời, để có thể tiếp tục duy trì phát triển đến năm 2020 thì TP cần có các khu công nghiệp, các khu phần mềm, các khu công nghệ cao, các trường đại học tốt. Tuy nhiên, để phát triển cao hơn và thành công xa hơn cần có sự tương tác, kết nối tốt hơn trong bản thân TPHCM và các thành phần của TP” – Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

 

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Trong năm 2018, TP mong muốn sẽ tổ chức cuộc thi để lựa chọn các hãng tư vấn quốc tế nhằm hỗ trợ TP xây dựng tầm nhìn và các bước triển khai cụ thể cho đô thị sáng tạo TP. Sau đó, xây dựng quy hoạch tổng thể cho đô thị đổi mới sáng tạo TP.

 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tham dự tại hội  thảo

 

Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều chuyên gia đã chia sẻ các kinh nghiệm, thành công của những đô thị sáng tạo trên thế giới như Barcelona, Thẩm Quyến, các thành phố của Hàn Quốc... cũng như góp ý về tầm nhìn, quy hoạch tổng thể, con người, môi trường pháp lý, chính sách kinh tế... để TPHCM áp dụng.

 

Thanh Mai ( tổng hợp )

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024875340

TRUY CẬP HÔM NAY: 362

ĐANG ONLINE: 10