VIỆC LÀM SINH VIÊN ĐẠI HỌC SAU KHI TỐT NGHIỆP. MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ NGUỒN NHÂN LỰC VÀ ĐÀO TẠO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


VIỆC LÀM SINH VIÊN ĐẠI HỌC SAU KHI TỐT NGHIỆP. MỘT SỐ

GIẢI PHÁP VỀ NGUỒN NHÂN LỰC VÀ ĐÀO TẠO

TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

                                                                                                                                            Trần Anh Tuấn

                                                                                                                  Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

                                                                                                                   và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh

 

 Giai  đoạn các năm 2012 - 2017, kinh tế Việt Nam và các tỉnh, thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục. Trong quá trình hội nhập kinh tế, thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp định hướng quá trình đô thị hóa. Các doanh nghiệp luôn tích cực phát triển năng động, quan tâm các chính sách thu hút nguồn nhân lực đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ Đại học và chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt, sự đa dạng ngành nghề và phát triển nhanh quy mô của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là môi trường phù hợp thu hút lao động là sinh viên tốt nghiệp ra trường còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nghề. Tuy nhiên, thị trường lao động lại diễn ra nghịch lý: Doanh nghiệp thiếu lao động có trình độ đáp ứng các yêu cầu trong điều kiện hội nhập; nhiều sinh viên, học sinh sau khi đào tạo ra trường phải làm trái ngành trái nghề.

 

I. TÌNH TRẠNG VIỆC LÀM CỦA SINH VIÊN SAU KHI TỐT NGHIỆP

 

Theo số liệu thu thập, tổng hợp từ trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM phân tích như sau:

 

1. Số lao động đã qua đào tạo của thành phố ngày càng có chất lượng hơn. Năm 2009, lao động qua đào tạo chiếm 58%, trong đó đại học trở lên 12,06%. Đến năm 2016, lao động qua đào tạo chiếm 72,77%, trong đó đại học trở lên 12,63%. Mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng qua các năm nhưng chất lượng lao động vẫn còn thấp so với yêu cầu phát triển của thành phố.

 

Tổng số đến tuổi lao động hàng năm bao gồm người ở tại thành phố và người ở từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến có nhu cầu đào tạo nghề và tìm việc làm có trên 300.000 người, trong đó sinh viên các trường Đại học có trên 70.000 người tốt nghiệp ra trường bao gồm các ngành nghề chuyên môn kỹ thuật chiếm 40%, các ngành nghề chuyên môn quản lý - nghiệp vụ chiếm 60% tổng số ngành nghề được đào tạo.

 

2. Trong giai đoạn 2009 – 2016, bình quân mỗi năm thành phố bố trí việc làm cho 270.000 người (125.000 chỗ làm việc mới), trong tổng số người có việc làm hằng năm, số sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường có việc làm chiếm tỷ lệ trên 80% số sinh viên tốt nghiệp hàng năm tại thành phố.

 

 

Sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học tìm được việc làm do từ nhiều nguồn:

 

-  Các doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp tại các trường, kể cả doanh nghiệp chọn lọc, hỗ trợ học bổng sinh viên còn đi học để tuyển chọn sinh viên xuất sắc, giỏi, khá, có kỹ năng ngoại ngữ.

 

-  Thông qua các ngày hội nghề nghiệp – việc làm cho sinh viên, sàn giao dịch việc làm.

 

-  Các trung tâm dịch vụ việc làm, đặc biệt vai trò các trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp của các trường Đại học đã giúp nhiều sinh viên tốt nghiệp nhanh chóng có việc làm tương đối phù hợp.

 

 - Các mạng thông tin việc làm, các trang tuyển dụng nhân lực trực tuyến.

 

-  Thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp niêm yết, trên hệ thống website, Internet, Báo, Đài, cơ quan thông tin.

 

-  Gia đình, thân nhân những người quen giới thiệu.

 

-  Tự tìm việc qua những việc thời vụ, bán thời gian khi còn đi học.

 

-  Sinh viên tự tạo việc làm và khởi  nghiệp bằng cách bỏ vốn từ tích lũy làm thêm, từ gia đình, các nguồn quỹ tín dụng việc làm, quỹ hổ trợ khởi nghiệp để tự tạo việc làm. Khởi nghiệp bằng hình thức tổ chức doanh nghiệp hoặc kinh doanh dịch vụ cá nhân, tập thể.

 

Biểu 1: Cơ cấu tuyển sinh, tốt nghiệp và có việc làm

Năm

Tuyển sinh (người)

Tốt nghiệp (người)

Tỷ lệ tốt nghiệp (%)

Có việc làm

Tỷ lệ có việc làm (%)

1

2

3

4 = 3/2*100

5

6= 5/3*100

2016

233.390

199.982

85,68

169.823

84,92

 

Biểu 2: Cơ cấu tuyển sinh, tốt nghiệp và có việc làm theo trình độ đào tạo

Trình độ đào tạo

Tuyển sinh (người)

Tốt nghiệp (người)

Tỷ lệ tốt nghiệp (%)

Có việc làm

Tỷ lệ có việc làm (%)

1

2

3

4 = 3/2*100

5

6= 5/3*100

Đại học

110.169

101.223

91,88

83.772

82,76

Cao đẳng

67.024

56.662

84,54

48.163

85,00

Trung cấp

56.197

42.097

74,91

37.888

90,00

Tổng

233.390

199.982

85,68

169.823

84,92

Nguồn: Kết quả khảo sát và phân tích của trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM tổng hợp từ thông tin các trường Đại học – Cao đẳng – Trung cấp – Dạy nghề năm 2016

 

II. VẤN ĐỀ THẤT NGHIỆP CỦA NGƯỜI CÓ TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC 

 

1.   Các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh hàng năm cung cấp cho thị trường lao động thành phố hơn 70.000 lao động có trình độ đại học. Ngoài ra các chương trình đào tạo đại học liên thông, liên kết quốc tế, du học, đào tạo vừa học vừa làm, liên kết đào tạo đại học với các tỉnh,… hàng năm đào tạo thêm hàng chục ngàn nhân lực ra trường.

 

Năm 2014 - 2017 so sánh với giai đoạn trước năm 2010 thì số lượng nhân lực được đào tạo đại học, tăng trên 02 lần (70.000/30.000 hàng năm). Trong khi nhu cầu nhân lực có trình độ đại học chỉ có khoảng 40.000 chỗ làm việc/ năm. Ngoài ra còn nguồn nhân lực tốt nghiêp đại học từ các chương trình liên kết trong nước, ngoài nước, liên thông đại học, hệ đại học vừa học vừa làm và nguồn sinh viên tốt nghiệp đại học từ các tỉnh, thành phố khác đến tìm việc làm,.... Cho thấy nguồn nhân lực tốt nghiệp đại học có nhu cầu việc làm tại thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm có khoảng 100.000 - 110.000. Chính vì vậy theo báo cáo thị trường tuyển dụng trong 06 tháng đầu năm 2017 do VietnamWorks công bố tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ "chọi" để có việc làm mới dẫn đầu cả nước, mức độ cạnh tranh việc làm đang ở mức cao. Mức độ cạnh tranh ở thị trường lao động thành phố dẫn đầu cả nước. Người tìm việc tại đây phải cạnh tranh với trung bình 01/ 48 người  

 

Mặt khác, cơ cấu ngành nghề đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn nhiều bất cập, cụ thể trong cơ cấu đào tạo đại học nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ và Khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng khoảng 30%, các nhóm ngành Kinh tế - Tài chính – Khoa học xã hội – Y tế - Giáo dục chiếm tỷ trọng 70% trong khi nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp thì nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ - Khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 45%; vì vậy thị trường lao động đang thiếu nhiều nhân lực các ngành nghề như: Cơ khí, Công nghệ thông tin – Truyền thông, Công nghệ nông – lâm… Đồng thời có nhiều ngành học thuộc nhóm kinh tế - Tài chính – Khoa học – Xã hội – Y dược được các trường mở ra với số lượng tuyển sinh khá lớn trong những năm gần đầy theo thị hiếu xã hội nhưng chưa đầu tư đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng chuyên ngành nên không được doanh nghiệp đánh giá cao khi tuyển dụng dù số lượng nhiều với nhu cầu nhân lực nhưng chất lượng thì không phù hợp. Do đó tình trạng thị trường lao động luôn thể hiện “vừa thừa vừa thiếu”.

 

2.   Thực trạng chung là phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định, do chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp – việc làm, vì một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Mặt khác các doanh nghiệp rất quan tâm tuyển chọn đối với sinh viên tốt nghiệp về kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, những hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp. Sự hạn chế lớn của sinh viên khi ra trường, đa số chưa định hướng được cụ thể để chọn một ngành chuyên môn phù hợp với khả năng, đồng thời do hệ thống thông tin thị trường lao động; hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm thành phố chưa cập nhật kịp thời để gắn kết sinh viên và doanh nghiệp đạt hiệu quả cao. Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động thành phố Hồ Chí Minh thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh về nhu cầu tìm việc làm của trên 200.000 sinh viên từ năm 2010 - 2016, có khoảng 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp là tìm được việc làm, còn 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm phải chuyển đổi ngành học hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo. Trong tổng số sinh viên tìm được việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% vẫn phải làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp; việc làm chưa thật sự ổn định và có thể phải chuyển việc làm khác.

 

3.   Kinh tế và thị trường lao động của quốc gia, từng tỉnh, thành phố từ năm 2015 - 2017 đang trong giai đoạn tăng trưởng ổn định, các chỉ số phát triển kinh tế đều đạt kết quả tích cực, tác động thuận lợi phát triển ổn định thị trường lao động. Tuy nhiên thị trường lao động tiếp tục có sự chênh lệch giữa cung - cầu. Việc “thừa - thiếu, thiếu - thừa” giữa các ngành, nghề vẫn luôn hiện diện, người có trình độ Cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp, có nhu cầu tìm việc chiếm khoảng 60% số người đang tìm việc trong khi đó các doanh nghiệp luôn cần nhiều nhân lực hài hòa 03 yếu tố: kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…).

 

III.  KIẾN NGHỊ MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ NGUỒN NHÂN LỰC VÀ ĐÀO TẠO 

 

Thực trạng thị trường lao động  luôn diễn biến tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và nhân lực trình độ nghề chuyên môn lành nghề; cho thấy tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất – kinh doanh. Vì vậy, việc tham gia đồng bộ của các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội là điều cần thiết hiện nay để từng bước nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng và hạn chế sự nghịch lý.

 

Từ góc độ của chức năng, nhiệm vụ hoạt động, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố đề xuất các vấn đề như sau:

 

1. Phát triển nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế và hội nhập, đẩy mạnh chuyển dịch lao động dư thừa từ nông nghiệp, từ lao động không có nghề chuyên môn, từ lao động khu vực phi chính quy, lao động nhàn rỗi, … sang các ngành công nghiệp và dịch vụ đồng thời nâng cao chất lượng dịch chuyển lao động có tay nghề chuyên môn trung bình lên bậc cao, trình độ cao;

 

2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với hoạt động của các trường đào tạo và nhận thức tự học tập, rèn luyện nghề của học sinh người lao động phù hợp phát triển thị trường lao động;

 

Cần có cách nhìn về thị trường lao động mở với 04 xu hướng việc làm:

 

  • Các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế;
  •  
  • Xuất khẩu lao động;
  •  
  • Di chuyển lao động theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh thành, khu vực kinh tế, toàn quốc gia và hội nhập;
  •  

- Khởi nghiệp (tự tạo việc làm).

 

3. Hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động phân tích và dự báo cung – cầu nhân lực. Dự báo những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm trung hạn (05 năm), dài hạn (10 năm – 20 năm), góp phần tham mưu quy hoạch cơ cấu đào tạo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội thành phố, quốc gia và hội nhập. Tạo cơ sở khoa học cho việc định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và các kỹ năng của nhân lực được đào tạo, hạn chế mất cân đối, thừa thiếu trong các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế, thành phần kinh tế.

 

4. Hoàn thiện phát triển hoạt động hướng nghiệp, đưa các chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp vào các trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở. Xây dựng cổng thông tin hướng nghiệp – việc làm thành phố kết nối các tỉnh, thành, khu vực và quốc gia. Điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên và nhu cầu thị trường lao động về xu hướng việc làm và học nghề. Hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn và dài hạn.

 

5. Hoàn thiện hệ thống dịch vụ việc làm thành phố chú trọng phát triển hoạt động quan hệ doanh nghiệp và giới thiệu việc làm tại các trường đào tạo, tích cực hỗ trợ sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm phù hợp đạt hiệu quả cao./.

 

NĂM 2018

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024717216

TRUY CẬP HÔM NAY: 1711

ĐANG ONLINE: 41