TP Hồ Chí Minh có 148.000 chỗ làm chờ người lao động từ nay đến cuối năm


 Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm, TP Hồ Chí Minh có 148.000 chỗ làm việc cần tuyển người lao động.

Theo đó, trong quý 3, TP Hồ Chí Minh có 78.000 chỗ làm việc trống cung cấp cho người lao động. Quý 4, TP Hồ Chí Minh cần tuyển 70.000 lao động. Các ngành nghề tuyển nhiều lao động như: cơ khí, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ thông tin, vận tải - kho bãi - xuất nhập khẩu, công nghệ ô tô - xe máy, quản lý điều hành, kế toán kiểm toán, hóa - hóa chất, dịch vụ - phục vụ…



Trong quý 3, TP Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển lao động chất lượng cao và lao động có chuyên môn tay nghề.


Ngoài ra, theo thống kê từ gần 69.000 người có nhu cầu tìm việc làm cho thấy, 82% trong tổng số người tìm việc ở TP Hồ Chí Minh có trình độ cao đẳng, đại học. Đặc biệt, đa số sinh viên, học sinh tốt nghiệp các trường nghề lại có việc làm ngay, lương cao; thậm chí nhiều trường, nhiều ngành, 100% người học nghề ra trường có việc làm.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết nhu cầu tuyển dụng nhân lực tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp tuyển dụng thường ưu tiên tuyển lao động chất lượng cao, lao động có tay nghề, lao động đã qua đào tạo có nghề chuyên môn. Tuy nhiên, hiện thị trường lao động thành phố vẫn còn tồn tại nghịch lý "thừa thầy, thiếu thợ".



TP Hồ Chí Minh sẽ sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt.


Còn theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết các doanh nghiệp thành phố luôn có nhu cầu tuyển nhân lực chất lượng cao, bởi nguồn nhân lực này là một trong những yếu tố quyết định tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển cho doanh nghiệp. Để có nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, các trường cũng tập trung đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp. Cụ thể hơn 2 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã nâng dần tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo, từ 72% (cuối năm 2015) lên hơn 78% (năm 2017). Đến tháng 3/2018, có khoảng 3,4 triệu (trong hơn 4,4 triệu người đang làm việc) lao động đã qua đào tạo. Đặc biệt, trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn cao hơn nữa.

“Từ nay đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động theo hướng tự chủ tài chính. Song song với việc xây dựng 12 trường có chất lượng cao, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Việc đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh để đảm bảo chất lượng đào tạo và đầu ra”, ông Lê Minh Tấn cho biết.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024913644

TRUY CẬP HÔM NAY: 7550

ĐANG ONLINE: 111