TÀI LIỆU HƯỚNG NGHIỆP NĂM 2018 THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG HỘI NHẬP TIẾN ĐẾN CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 4. DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC CÁC NGÀNH TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2018 - 2020 ĐẾN 2025


TÀI LIỆU HƯỚNG NGHIỆP NĂM 2018

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG HỘI NHẬP TIẾN ĐẾN CÁCH MẠNG

CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 4. DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC

CÁC NGÀNH TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2018 - 2020 ĐẾN 2025

 

I. THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG HỘI NHẬP TIẾN ĐẾN CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 4

 

 1. Thị trường lao động và hội nhập

 

Việt Nam đang trong thời kỳ của hội nhập quốc tế thông qua sự hình thành của Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới. Có được các kiến thức nghề nghiệp và kỹ năng phù hợp, có nghĩa là Việt Nam sẽ đáp ứng tốt và hưởng lợi từ việc phát triển và sẽ là nơi hấp dẫn cho các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đến đầu tư. Việc không ngừng đổi mới giáo dục và dạy nghề là mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Quốc gia, yêu cầu cải tiến chất lượng lực lượng lao động sẽ là mấu chốt để tiếp tục hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển bền vững tại Việt Nam.

 

Với những cơ hội phát triển kinh tế được mở ra từ việc hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế, khi ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nhu cầu nhân lực của Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh.

 

 

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), Việt Nam sẽ có khả năng tạo thêm được 6 triệu việc làm, tương đương với 1/10 số việc làm tăng thêm đến năm 2025 của toàn bộ khối ASEAN do tác động từ việc hình thành AEC. Khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng 14,5% vào năm 2025. Trong giai đoạn 2016 - 2025, nhu cầu tuyển dụng nhân sự hình thành 03 cấp nhân lực: chuyên môn kỹ thuật bậc cao (tăng 41% - 14 triệu chỗ làm việc), chuyên môn kỹ thuật bậc trung (tăng 22% - 38 triệu chỗ làm việc), chuyên môn kỹ thuật bậc thấp (tăng 24% - 12,4 triệu chỗ làm việc).

 

 Theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), có 08 ngành nghề mà lao động có kỹ năng tay nghề cao được phép di chuyển trong được 10 nước ASEAN thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của các nước thành viên là dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, bác sĩ, nha sĩ, du lịch.

 

 2. Thị trường lao động tiến đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0)

 

Theo các tài liệu được tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố và theo tư liệu nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế từ các hội thảo được công bố vào năm 2017 - 2018 cho thấy: Trong Cách mạng công nghiệp 4.0, viễn cảnh các nhà máy thông minh - trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống, có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định - có vẻ không còn xa xôi nữa.

 

Cách mạng công nghiệp 4.0 làm gia tăng nguy cơ mất việc làm, thất nghiệp, nhiều ngành đối mặt thách thức lớn do cạnh tranh khốc liệt. Đã có cảnh báo về việc Việt Nam sẽ mất 5 triệu việc làm vào năm 2020 vì chất lượng nhân lực chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10); đứng thứ 11/12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng và số cạnh tranh nhân lực 4,3/10 điểm. Ngoài ra, các chỉ số khác cũng rất thấp như năng lực cạnh tranh 4,3/10, xếp hạng 56/133 nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ trong năm 2015 chỉ đạt 20,3%. Nhân lực Việt Nam còn thiếu kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp và tránh nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.

 

Trong hai thập kỷ tới, khoảng 56% số người lao động tại 05 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc. Đó là kết quả của một nghiên cứu do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố mới đây. Nghiên cứu của ILO chỉ ra riêng dệt may, da giày hiện đang là các ngành thâm dụng lao động nhiều nhất tại các quốc gia như Indonesia, Việt Nam và Campuchia, trong đó 86% công nhân ngành dệt may của Việt Nam, 64% của Indonesia và 88% công nhân của Campuchia sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm của xu hướng tự động hóa.

 

Một số ngành khác như lái xe, công nhân xây dựng, công nhân chế biến, kỹ thuật cơ giới… có thể thấy tương lai nhân lực robot sẽ dần thay thế đa số những việc làm của người lao động giản đơn, sản xuất tập trung theo dây chuyền trong các nhà máy công nghiệp.

 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn thế giới, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, đang thật sự là mối đe dọa cho dự đoán, phần mất đi này sẽ được bù đắp một phần nhờ 2,1 triệu việc làm khác được tạo ra chủ yếu ở ngành máy tính, toán học hay kiến trúc và kỹ thuật”.

 

Theo phân tích “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” dẫn đến tổn thất việc làm do sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, in ấn 3D, di truyền học và công nghệ sinh học. Chúng dẫn đến sự rối loạn không chỉ trong môi trường kinh doanh mà còn ở thị trường lao động vì cần các kỹ năng mới đáp ứng điều kiện mới.

 

Ngoài ra, khảo sát cho thấy lĩnh vực được xác định sẽ tăng nhu cầu lao động là phân tích dữ liệu, bán hàng chuyên nghiệp và loại nguồn nhân lực mới cũng như các chuyên gia liên quan đến vật liệu, hóa sinh, công nghệ nano và robot. Còn các lĩnh vực chịu thất nghiệp dự kiến là chăm sóc sức khỏe, năng lượng, dịch vụ tài chính, đầu tư sản xuất, đặc biệt là những lao động kỹ năng thấp.

 

Nhưng để tận dụng các cơ hội và bắt kịp Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phải bắt đầu ngay từ những việc đơn giản nhất, thiết yếu và bền vững nhất là phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.

 

Có thể thấy các khái niệm công nghệ gần đây như điện toán đám mây, công nghiệp 4.0, in 3D, hay tự động hóa,... đã mang đến những thay đổi và định hướng mới không chỉ đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh mà trong cả việc giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam.

 

Thói quen sính bằng cấp chọn trường uy tín để học hay bảng điểm cao sẽ bị thay đổi trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu.

 

Đặc điểm của cách mạng công nghệ 4.0 là tốc độ thay đổi nhanh chóng, kết hợp nhiều công nghệ khác nhau, tác động sâu rộng tới mọi mặt cuộc sống. Kết nối, chia sẻ và dữ liệu là rất quan trọng. Cách mạng công nghệ 4.0 có tác động tích cực về lâu dài nhưng trong ngắn hạn có những tác động tiêu cực.

 

Cơ hội đối với doanh nghiệp từ cuộc cách mạng này là rất lớn, giúp giảm chi phí giao dịch và quản lý (80 - 90% theo Mckinsey &Co); ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ mới trong quản trị điều hành, hoạch định chiến lược, tăng năng suất lao động; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác; tăng cơ hội kinh doanh mới (dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử, tài chính số…); tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái điện tử kết hợp tài chính, y tế, bảo hiểm, du lịch, giáo dục, thương mại và kinh doanh bất động sản,…

 

Tuy nhiên cũng tạo ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp như thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, mô hình tổ chức, mô thức quản trị, văn hóa kinh doanh, loại hình doanh nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp phải có chiến lược quản lý sự thay đổi. Những thách thức này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi và đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin, yêu cầu nguồn vốn đầu tư và giải pháp đầu tư tối ưu.

 

Thách thức mà các doanh nghiệp cũng phải đối phó là về nguồn nhân lực đó là cắt giảm và sàng lọc nhân sự, nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin thiếu và yếu, dịch chuyển lao động lớn và nhanh hơn, thách thức về hiện tượng trì trệ tiền lương, tức là doanh nghiệp yêu cầu người lao động nhiều thay đổi.

 

Để ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa vào hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc, đặc biệt là các vị trí có liên quan trực tiếp đến sản phẩm dịch vụ như nghiên cứu phát triển, thiết kế sản xuất sản phẩm. Điều đó tạo nên sức ép đồng thời cũng là cơ hội đối với các trường đào tạo và nhân lực Việt Nam trong tương lai gần.

 

Như vậy cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đều do con người làm ra và quyết định. Kể cả Robot thông minh đến mấy, được trang bị trí tuệ nhân tạo bao nhiêu thì con người là cốt lõi, không thể thay thế được. Vì vậy, người lao động buộc phải trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng mới, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ 4.0 trong đó đặc biệt chuyên ngành công nghệ thông tin.

 

 3. Nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xu hướng việc làm

 

Thực trạng thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng không quá chú trọng bằng cấp. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công.

 

Lao động chuyên môn kỹ thuật có tay nghề hiện đang rất thiếu, doanh nghiệp muốn tuyển mà không có. Tuy vậy, phần lớn học sinh – sinh viên tốt nghiệp đều không đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, kỹ năng thực hành và còn yếu và thiếu những kiến thức kỹ năng mềm, khoảng cách giữa học lý thuyết và thực tế công việc còn lớn.

 

Bối cảnh của năm 2018, có thể mở ra một hướng nhìn hiện nay và những năm sắp tới. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công.

 

Với những yếu tố này, chắc chắn thị trường lao động Việt Nam sẽ có những chuyển biến lớn với việc gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

 

Hãy có cách nhìn về thị trường lao động mở với 05 xu hướng việc làm: 

 

1- Các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuấ - kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế;

 

2- Khu vực kinh tế phi chính thức (lao động tự do các nhóm ngành dịch vụ, phục vụ và tiểu thủ công nghiệp);

 

3- Xuất khẩu lao động làm việc ở nước ngoài ;

 

4- Di chuyển lao động theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh thành, khu vực kinh tế và quốc gia và hội nhập;

 

5- Khởi nghiệp và tự tạo việc làm.

 

II. NHU CẦU NHÂN LỰC CÁC NGÀNH TRỌNG ĐIỂM

 

  1. Trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo, Ngành Điện tử và viễn thông, Năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

 

Quy hoạch đề ra mục tiêu, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Quy hoạch tập trung vào 10 ngành công nghiệp chủ yếu như: ngành cơ khí - luyện kim; ngành hóa chất; ngành điện tử, công nghệ thông tin; ngành dệt may-da giày; ngành chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống; ngành sản xuất vật liệu xây dựng; ngành khai thác và chế biến khoáng sản; ngành điện; ngành than; ngành dầu khí. Quy hoạch giai đoạn đến năm 2035 định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào 3 ngành gồm cơ khí - luyện kim; điện tử - tin học, dệt may - da giày.

 

Quy hoạch phân bố theo không gian vùng lãnh thổ chia theo 5 vùng, trong đó xác định: Vùng Trung du miền núi phía Bắc tập trung phát triển các ngành khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, công nghiệp thủy điện, một số dự án luyện kim. Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển công nghiệp cơ khí, luyện kim, hóa chất, nhiệt điện, công nghiệp công nghệ cao; Phát triển có chọn lọc công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện cơ khí, ô tô, xe máy, linh kiện điện tử. Vùng Duyên hải miền Trung (trong đó có vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung) phát triển các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến hải sản, cơ khí đóng tàu, luyện kim và các ngành công nghiệp gắn với lợi thế vận tải biển. Vùng Tây Nguyên phát triển công nghiệp chế biến cây công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Vùng Đông Nam bộ (trong đó có vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam), phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất, công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu phát triển công nghiệp phụ trợ. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có vùng Kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long), tập trung phát triển các ngành chế biến nông sản, thủy hải sản xuất khẩu, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, đóng và sửa chữa các loại phương tiện đánh bắt xa bờ.

 

Vùng Ðông Nam bộ mà hạt nhân là thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Ðông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế; là trung tâm giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời là trung tâm chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước.

 

 2. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam  bao gồm 8 tỉnh, thành phố: thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang. Theo Quy hoạch vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến 2020, định hướng 2030 được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ-TT ngày 13.2.2014 đã xác định Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; là vùng duy nhất hiện nay hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ; đặc biệt phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, tin học, công nghiệp dầu khí và sản phẩm hóa dầu; phát triển dịch vụ cao cấp, dịch vụ du lịch, dịch vụ viễn thông, tài chính, ngân hàng.

 

Theo Quy hoạch kinh tế - xã hội và Quy hoạch nhân lực của 08 tỉnh, thành phố vùng KTTĐPN giai đoạn 2016 – 2020, tổng số nhu cầu nhân lực là 640.000 chỗ làm việc/năm (trong đó chỗ làm việc mới chiếm tỷ trọng bình quân 50%)

 

 3. Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long còn gọi là Tây Nam Bộ có TP. Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.Trong giai đoạn 2016-2020, khu vực đồng bằng Sông Cửu Long định hướng phát triển nhân lực và  đào tạo các ngành kinh tế kỹ thuật: công nghệ thông tin, công nghệ chế biến, công nghệ xây dựng, cầu đường, giao thông, cấp thoát nước, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ hóa, năng lượng, cơ khí chế tạo, quy hoạch và quản lý đô thị, tài chính, thương mại, ngân hàng, luật pháp, quản lý và hội nhập quốc tế để phần nào đáp ứng những nhu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Dự báo nhu cầu nhân lực khu vực đồng bằng Sông Cửu Long khoảng 300.000 – 350.000 người/năm.

 

Đồng bằng sông Cửu Long hiện là vựa lúa của cả nước; nông nghiệp, thủy sản là những ngành nghề chính, nhưng hiện nay tỷ lệ sinh viên  đại học cao đẳng  và  học viên trung cấp,sơ cấp theo học những ngành nông, lâm, thủy sản ....trong vùng lại quá thấp.

 

III. DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2018 - 2020 ĐẾN 2025

 

Căn cứ vào số liệu thống kê từ các nguồn và số liệu khảo sát và ứng dụng phương pháp hệ số co giãn việc làm kết hợp với phương pháp kinh tế lượng cùng phương pháp chuyên gia, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM dự báo về nhu cầu nhân lực thành phố giai đoạn 2018 – 2020 đến năm 2025 như sau:

 

Giai đoạn 2018  – 2020, tổng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế thành phố tăng trung bình 2,1% một năm từ mức 4.346 nghìn người năm 2016 lên khoảng 4.611 nghìn người vào năm 2020. Giai đoạn 2021 – 2025, tổng nhu cầu nhân lực tăng trung bình 3% một năm, lên khoảng 5.345 nghìn người vào năm 2025.

 

Theo định hướng đến năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng giảm dần tỉ trọng khu vực nông nghiệp và tăng dần tỉ trọng khu vực dịch vụ, nhu cầu nhân lực giữa các khu vực cũng có sự dịch chuyển. Đến năm 2018, 2020 và 2025, cơ cấu kinh tế thành phố Hồ Chí Minh lần lượt là: Dịch vụ (65,19% - 65,68% - 67,84%) – công nghiệp, xây dựng (32,70% - 32,40% - 30,73%) và nông nghiệp (2,11% - 1,92% - 1,43%).

 

Trong tổng nhu cầu nhân lực, 04 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỷ trọng 19%, 09 nhóm ngành kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng 45%, các ngành nghề khác chiếm tỷ trọng 36%.

 

Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề Kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%, nhóm ngành Kinh tế - Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính chiếm tỷ trọng 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 7%, các nhóm ngành khác chiếm tỷ trọng 3 - 5%.

 

 Trong giai đoạn 2018 - 2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực tại thành phố Hồ Chí Minh dự báo bình quân mỗi năm có khoảng 300.000 chỗ làm việc (150.000 chỗ làm việc mới). Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo bình quân  chiếm 85%, nhu cầu nhân lực  bình quân có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 18%, trình độ cao đẳng chiếm 16%, trình độ đại học chiếm 17%, trên đại học chiếm 2%.

 

Biểu 1: Nhu cầu nhân lực phân theo ngành kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020 đến năm 2025

 

STT

Ngành kinh tế

Tỉ lệ ngành nghề so với tổng số việc làm (%)

Số chỗ làm việc

(Người/ năm)

1

Nông nghiệp

2

6.000

2

Công nghiệp - Xây dựng

28

84.000

3

Dịch vụ

70

210.000

Tổng nhu cầu nhân lực bình quân hàng năm

100

300.000

Nguồn: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh

 

Biểu 2: Nhu cầu nhân lực phân theo loại hình kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020 đến năm 2025

 

STT

Loại hình

Tỉ lệ ngành nghề so với tổng số việc làm (%)

Số chỗ làm việc

(Người/năm)

1

Nhà nước

5

15.000

2

Ngoài nhà nước

64

192.000

3

Có vốn đầu tư nước ngoài

31

93.000

Tổng nhu cầu nhân lực bình quân hàng năm

100

300.000

Nguồn: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh

 

Biểu 3: Nhu cầu nhân lực 04 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020 đến năm 2025

 

STT

Ngành nghề

Tỉ lệ ngành nghề so với tổng số việc làm (%)

Số chỗ làm việc 
(Người/ năm)

1

Cơ khí

5

15.000

2

Điện tử - Công nghệ thông tin

8

24.000

3

Chế biến lương thực thực phẩm

4

12.000

4

Hóa chất – Nhựa cao su

4

12.000

Tổng nhu cầu nhân lực 04 ngành công nghiệp trọng yếu hàng năm

21

63.000

Nguồn: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh

 

Biểu 4: Nhu cầu nhân lực 09 nhóm ngành dịch vụ tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020 đến năm 2025

 

STT

Ngành nghề

Tỉ lệ ngành nghề so với tổng số việc làm (%)

Số chỗ làm việc 
(Người/ năm)

1

Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng – Bảo hiểm

5

15.000

2

Giáo dục – Đào tạo

6

18.000

3

Du lịch

9

27.000

4

Y tế

5

15.000

5

Kinh doanh tài sản – Bất động sản

4

12.000

6

Dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ, nghiên cứu và triển khai

3

9.000

7

Thương mại

13

39.000

8

Dịch vụ vận tải – Kho bãi – Dịch vụ cảng

5

15.000

9

Dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin

5

15.000

Tổng nhu cầu nhân lực 09 nhóm ngành dịch vụ hàng năm

55

165.000

Nguồn: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh

 

Biểu 5:  Nhu cầu nhân lực ngành nghề khác thu hút nhiều lao động tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020 đến năm 2025

 

STT

Ngành nghề

Tỉ lệ ngành nghề so với tổng số việc làm (%)

Số chỗ làm việc  
(Người/ năm)

1

Truyền thông - Quảng cáo - Marketing

8

24.000

2

Dịch vụ phục vụ

9

27.000

3

Dệt may - Giày da - Thủ công mỹ nghệ

10

30.000

4

Quản lý - Hành chính - Nhân sự

4

12.000

5

Kiến trúc - Xây dựng - Môi trường

5

15.000

6

Công nghệ - Nông lâm

4

12.000

7

Khoa học - Xã hội - Nhân văn

3

9.000

8

Ngành nghề khác

3

9.000

Tổng nhu cầu nhân lực ngành nghề thu hút nhiều lao động

46

138.000

Nguồn: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh

 

Biểu 6: Nhu cầu nhân lực qua đào tạo phân theo 08 nhóm ngành tại TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020 đến năm 2025

 

STT

Nhóm ngành

Tỉ lệ ngành nghề so với tổng số việc làm (%)

Số chỗ làm việc  
(Người/ năm)

1

Kỹ thuật công nghệ

35

89.250

2

Khoa học tự nhiên

7

17.850

3

Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng - Pháp luật - Hành chính

33

84.150

4

Khoa học xã hội - Nhân văn - Du lịch

8

20.400

5

Sư phạm - Quản lý giáo dục

5

12.750

6

Y - Dược

5

12.750

7

Nông – Lâm – Thủy sản

3

7.650

8

Nghệ thuật - Thể dục - Thể thao

4

10.200

Tổng nhu cầu nhân lực bình quân

100

255.000

Ghi chú: Tổng số 255.000 chỗ làm việc tính trên nhu cầu nhân lực qua đào tạo có trình độ Sơ cấp nghề – Trung cấp  – Cao đẳng – Đại học

Nguồn: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh

 

Biểu 7: Nhu cầu nhân lực theo trình độ nghề tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020 đến năm 2025

 

STT

Trình độ nghề

2018 - 2020

2021 - 2015

Tỉ lệ so với tổng số việc làm trống (%)

Số chỗ làm việc
(Người/năm)

Tỉ lệ so với tổng số việc làm trống (%)

Số chỗ làm việc
(Người/năm)

1

Trên đại học

2

6.000

2

6.000

2

Đại học

15

45.000

18

54.000

3

Cao đẳng

16

48.000

16

48.000

4

Trung cấp

27

81.000

28

84.000

5

Sơ cấp nghề

20

60.000

21

63.000

6

Lao động chưa qua đào tạo

20

60.000

15

45.000

Tổng số nhu cầu về trình độ nghề bình quân hàng năm

100

300.000

100

300.000

Nguồn: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh

 

Các nhóm ngành mới xuất hiện trong giai đoạn 2018 – 2020 đến 2025 đều chú trọng đến tính chuyên sâu, đó là sự kết hợp giữa hai hay nhiều nhóm ngành cũ với nhau trên cơ sở cải tiến, nâng cao chất lượng trong đào tạo, kết hợp rèn luyện tay nghề. Các nhóm ngành này chú trọng đến khả năng ứng dụng vào trong thực tiễn hơn là mang tính học thuật. Nguồn nhân lực làm việc trong các nhóm ngành này đa số là nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, được đào tạo chuyên sâu, có kiến thức và được rèn luyện kỹ năng tốt, có trình độ ngoại ngữ. 

 

                                                   Trần Anh Tuấn

                                                   Phó Giám đốc

                                            Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

                                             và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

                                                  Năm 2018

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024713755

TRUY CẬP HÔM NAY: 18508

ĐANG ONLINE: 95