Nan giải bài toán nhân lực công nghệ thông tin


Tới nay, đã âm thầm diễn ra “cuộc chiến” giành giật nhân lực công nghệ thông tin bởi sau nhiều nỗ lực nhưng tới nay nhân lực công nghệ thông tin vẫn rất thiếu. Các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, kể các các doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng “khát” nhân lực công nghệ thông tin.

 

Nan giải bài toán nhân lực công nghệ thông tin

Nhân lực cho ngành công nghệ thông tin vẫn đang là bài toán khó.

 

Theo Bộ Thông tin-Truyền thông, tới năm 2020 Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành này. Và như vậy, tại thời điểm đó con số thiếu hụt vẫn ở khoảng trên 500.000 người.  

 

Cho dù đã nỗ lực nhưng tới nay nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) vẫn rất thiếu. Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, tới năm 2020 Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành này. Và như vậy, tại thời điểm đó con số thiếu hụt vẫn ở khoảng trên 500.000 người. 

 

Thiếu đi cùng với yếu

 

Theo các cơ sở sử dụng nhân lực CNTT, với gần 80.000 nhân lực các cơ sở đào tạo cho “ra lò” trong hai năm 2017 và 2018, thì cuối năm nay vẫn thiếu khoảng 70.000 người. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, dự báo trong vòng 5 năm, mỗi năm cần khoảng 16.200 lao động CNTT.

 

Ông Trần Anh Tuấn- phó giám đốc trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết, kể từ khi ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nhu cầu nhân lực của Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh với hơn 6 triệu việc làm được tạo thêm. Trong đó, nhóm ngành CNTT xuất hiện nhiều lĩnh vực mới cần nhiều nhân lực trình độ cao, như bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D…Ông Tuấn kết luận: Sẽ thiếu cả lượng lẫn chất nhân lực ngành này.

 

Còn theo một đại diện Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TPHCM) thì các doanh nghiệp luôn đặt hàng sinh viên từ khi các bạn còn đang theo học. Sau 3 năm học tập, nhiều sinh viên đã được doanh nghiệp ký hợp đồng làm việc với khá nhiều ưu đãi.

 

Đáng chú ý, nhân lực CNNT không chỉ tìm được việc làm ở các cơ quan nhà nước, mà các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, kể các các doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng “khát” nhân lực CNTT.

 

Tuy nhiên, theo giới sử dụng lao động, thì nhân lực CNTT cũng “chưa hoàn thiện”, trong đó có kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm). “Nhưng dẫu thế thì chúng tôi cũng phải chấp nhận, vì quá thiếu người làm ở lĩnh vực này”- một chủ doanh nghiệp tư nhân cho biết.

 

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Quang Anh (Học viện Bưu chính Viễn Thông) cũng từng nhận xét, điểm yếu nhất của sinh viên ngành CNTT khi tốt nghiệp ra trường không phải là chuyên môn mà chính là vấn đề ngoại ngữ. Điều đó trở thành rào cản hạn chế cơ hội tiếp cận thị trường tuyển dụng trong nước lẫn thị trường nhân sự chất lượng cao của doanh nghiệp nước ngoài. 

 

Còn theo ông Huỳnh Quốc Thắng (CEO 789.VN) thì dù hết sức cần người nhưng bộ phận nhân sự rất khó khăn khi lọc hồ sơ ứng viên mảng CNTT. Lý do là phần lớn trong số đó chưa có kinh nghiệm làm việc thực tế. Ông Thắng nêu ví dụ, trong số 100 nhân sự hiện đang làm việc là cử nhân, kỹ sư chuyên ngành CNTT, đều tốt nghiệp loại khá giỏi ở những trường uy tín trong nước, nhưng khi tuyển dụng lại phải đào tạo lại, đặc biệt là về tiếng Anh và kỹ năng làm việc nhóm.

 

Cuộc cạnh tranh nhân lực và chiến lược đào tạo nhân lực tầm quốc gia

 

Ông Paul Espinas (VietnamWorks) cho rằng, để khắc phục, Việt Nam phải xác định chiến lược đào tạo tầm quốc gia về CNTT. Khan hiếm nguồn cung đã là một khó khăn cho các doanh nghiệp, đáng chú ý thị trường lao động ngành CNTT lại đang có nguy cơ rối loạn bởi sự tranh giành nhân sự giữa các doanh nghiệp và tâm lý làm việc thiếu tính ổn định của người lao động. “Có được chiến lược đào tạo quốc gia thì nền kinh tế mới không quá lo lắng trước cơn bão mang tên “4.0”- theo ông Paul Espinas.

 

Tới nay, đã âm thầm diễn ra “cuộc chiến” giành giật nhân lực CNTT. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang lặng lẽ thâm nhập vào đời sống xã hội, guồng quay công nghệ đã tăng tốc, vì thế lại càng đòi hỏi nhiều hơn số người làm việc ở lĩnh vực này.

 

Một khảo sát của Vietnamworks đối với nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) cho thấy, chỉ trong vòng 3 năm, từ 2014 - 2017, nhu cầu tuyển dụng tăng 2,5 lần và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng. Theo ông Hoàng Nam Tiến- Chủ tịch FPT Software, để “lấp đầy” khoảng trống này thì từ nay đến năm 2020 phải tăng gấp 3 lần số người được đào tạo về CNTT. Ông Trần Phúc Hồng (Công ty TMA Solutions) cho rằng, tiến độ đào tạo kỹ sư CNTT tăng chậm đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển của ngành này, trong khi đó lại là điểm đột phá phát triển kinh tế của bất cứ quốc gia nào, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. 

 

Trong năm 2018, dự báo cần tới 400.000 nhân lực CNTT, tuy nhiên đến thời điểm này con số đó chỉ dừng lại ở gần ½, trong khi nguồn từ các cơ sở đào tạo coi như đã khai thác “cạn”. Bà Nguyễn Phương Mai (Giám đốc điều hành Navigos Search) cho rằng, trong số lao động ngành CNTT đang “khát” của năm 2018 thì “đói” nhất là nhân sự cho an toàn thông tin mạng, xử lý dữ liệu. Và nhìn chung, nếu so với năm 2016 thì ngành này cần số nhân lực gấp đôi.

 

“Chúng tôi phải thưởng cho nhân viên nếu họ giới thiệu được người được đào tạo về CNTT chịu tới đầu quân”- một giám đốc điều hành trong lĩnh vực xây dựng cho biết. Theo vị này, do thiếu nhân lực CNTT, nhiều doanh nghiệp đã phải “dở chiêu trò” giành người của đơn vị khác. Nhưng, dẫu có thế thì vẫn không đủ.  

 

Theo khảo sát của VietnamWorks về ngành CNTT ở Việt Nam, trong 3 năm qua, số lượng công việc ngành CNTT đã tăng trung bình 47% mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này lại chỉ tăng ở mức trung bình 8%. Nguyên nhân chính là do số lượng doanh nghiệp tuyển dụng trong ngành CNTT đã tăng 69% kể từ năm 2012. Đặc biệt, số lượng công ty phần mềm đã tăng đến 124% chỉ trong vòng 4 năm.

Đỗ Quang

Nguồn: http://daidoanket.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722392

TRUY CẬP HÔM NAY: 7032

ĐANG ONLINE: 20