Việc làm của người lao động sau đào tạo không ổn định


VH-  Đó là nhận định tại Hội nghị chuyên đề bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TP.HCM do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức vào hôm qua 5.6.

 

 

 Giờ thực hành tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức TP HCM

 Hệ thống đào tạo nghề trên địa bàn TP hiện có 50 trường cao đẳng và 65 trường trung cấp nghề, 65 trung tâm và 337 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng các trung tâm dịch vụ việc làm cấp quận huyện, hiệp hội. Đánh giá của Sở LĐ,TB&XH TP.HCM cho biết, công tác đào tạo nguồn nhân lực của TP đã đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Những khó khăn đặt ra là mạng lưới cơ sở dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động, chưa quan tâm đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề có chất lượng; điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Các thiết bị đào tạo chính của nghề chưa tương xứng với thực tiễn công nghệ sản xuất của doanh nghiệp.

Theo bà Triệu Lệ Khánh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người lao động không có trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, tay nghề để đáp ứng nhu cầu lao động. Những trường hợp này đại đa số còn trong tuổi lao động, thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, vì vậy đã làm tăng hộ nghèo, hộ cận nghèo, nảy sinh các tệ nạn xã hội trên địa bàn TP.

Khảo sát của Sở LĐ,TB&XH, vào thời điểm tháng 8.2016, toàn TP có trên 67.000 hộ nghèo với trên 280.000 nhân khẩu và trên 48.000 hộ cận nghèo với trên 196.000 nhân khẩu. Trong đó, số hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về trình độ nghề là trên 53.000 hộ, chiếm trên 46% tổng số hộ nghèo và cận nghèo. Số hộ nghèo và hộ cận nghèo thiếu hụt về việc làm là trên 11.600 hộ, chiếm tỷ lệ trên 10% tổng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Sau khi đẩy mạnh việc đào tạo và giải quyết việc làm, đến đầu năm 2018, TP.HCM còn trên 21.800 hộ nghèo (chiếm 1,1% tổng số dân TP) và trên 36.500 hộ cận nghèo (chiếm 1,83% tổng hộ dân TP). Trong đó, số hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt trình độ nghề là trên 20.700 hộ, chiếm trên 35% tổng hộ nghèo và hộ cận nghèo; số hộ nghèo và hộ cận nghèo thiếu hụt về việc làm là trên 1.200 hộ, chiếm trên 2% tổng hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho hay, bất cập trong đào tạo nghề hiện nay là phần lớn người lao động muốn có thu nhập ổn định cuộc sống nên ngại tham gia các khóa học, có tâm lý thích chọn các khóa học ngắn hạn để tìm việc làm nhanh, cho nên trình độ tay nghề thấp chưa đáp ứng được yêu cầu cao của người sử dụng lao động. Sau khi hỗ trợ đào tạo ngành nghề phù hợp, phần lớn người lao động có tâm lý muốn làm việc trên địa bàn nơi cư trú (trong phường xã, quận huyện), ngại đi làm xa ở các công ty, xí nghiệp, chấp nhận việc làm không đúng với ngành nghề được đào tạo. Do vậy, việc làm của người lao động sau đào tạo không ổn định, ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo định hướng chuyển dịch lao động sang công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ.

Đối với địa phương và các cơ sở dạy nghề, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm tại một số cơ sở chưa hiệu quả nên người lao động chưa chọn đúng ngành nghề phù hợp với khả năng và trình độ. Các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề còn hạn chế, cũ kỹ lạc hậu và không đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong hệ thống đào tạo còn bất cập, chất lượng chưa đồng đều, trình độ ngoại ngữ, khả năng giảng dạy một số giáo viên còn hạn chế.

Các đơn vị cho rằng, do mới sáp nhập nên hầu hết các trung tâm dạy nghề và GDTX đều gặp khó khăn, đó là chưa có hướng dẫn chung về xây dựng chế độ, chính sách của hai loại hình, trung tâm sau khi sáp nhập, do đó việc thực hiện chế độ chính sách cho các giáo viên dạy nghề, dạy văn hóa không có định mức chung. Vì tuyển sinh ít người học nên một số trung tâm chỉ có vài giáo viên vừa dạy vừa làm thêm công việc hành chính, nếu có người đăng ký học các ngành khác thì trung tâm mời giáo viên từ các trường cao đẳng, trung cấp về dạy theo hình thức thỉnh giảng, vì vậy chất lượng đào tạo chưa đồng bộ. Công tác đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại địa bàn quận huyện, các KCX-KCN trên đại bàn TP. Chương trình đào tạo nghề chưa phù hợp nên tay nghề người lao động chưa đáp ứng quy trình sản xuất.

Đại diện Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng cho rằng, bản thân nhiều công nhân lao động có tay nghề thấp nhưng còn ngại khó, chưa có ý thức học tập nâng cao tay nghề, chủ yếu lo cho cuộc sống và giải quyết những khó khăn trước mắt. Mặt khác do thời gian tăng ca nhiều, việc nâng cao tay nghề chưa gắn với tăng thu nhập thực tế cũng là trở ngại để bản thân công nhân lao động tự giác và tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ tay nghề.

 

Nguồn : baovanhoa.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024877465

TRUY CẬP HÔM NAY: 732

ĐANG ONLINE: 11