Các trường đang 'chẻ' ngành?


Các trường ĐH VN đang có những bước chủ động điều chỉnh đào tạo để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều ngành mới được tạo ra theo định hướng này nhưng theo một số ý kiến, bước đi này của các trường còn nhiều lúng túng.
 
Nhân viên công nghệ thông tin của một công ty sản xuất phần mềm /// Gia Khiêm
 
Nhân viên công nghệ thông tin của một công ty sản xuất phần mềm
 
 
Điều chỉnh phù hợp với thực tiễn !
 
Phát biểu tại hội thảo khoa học “Chủ trương, chính sách của VN chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức ngày 26.5, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, nhìn nhận: “Cuộc cách mạng này chúng ta đã nói rất nhiều nhưng cần thực tế nhìn nhận những ngành nghề nào sẽ phát triển trong giai đoạn này và chuyển đổi nên thực hiện ra sao. Tôi thấy hiện nhiều trường ĐH mở ngành mới để đón đầu 4.0 nhưng thực ra là đang 'chẻ' ngành để thu hút thí sinh. Trên thế giới chưa có nước nào số lượng ngành nghề nhiều như ở VN với trên 400 ngành đào tạo bậc CĐ, 800 ngành trung cấp... nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn dẫn đầu”.
 
Theo nhóm tác giả Phạm Đình Long và Dương Tiến Hà My (Trường ĐH Mở TP.HCM), cơ cấu ngành nghề đào tạo cần điều chỉnh phù hợp với thực tiễn nhu cầu lao động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Bởi nếu cơ cấu ngành đào tạo xa rời thực tiễn có thể dẫn đến tình trạng nhà tuyển dụng không tuyển được nguồn lao động phù hợp trong khi sinh viên không tìm được việc hoặc phải làm trái nghề.
 
Nhóm tác giả này cho biết một số nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng rất nhiều công việc ngày nay sẽ bị thay thế bởi tự động hóa trong thời gian tới. Các trường ĐH cần nắm bắt được xu thế này để thay đổi và thiết kế lại số lượng ngành học, chương trình thích hợp.
 
“Tuy nhiên, khó khăn mà các trường ĐH phải đối mặt là những hạn chế trong công tác dự báo các công việc nào ở VN sắp tới bị thay thế và tỷ lệ thay thế là bao nhiêu. Chính điều này khiến các quyết định chính sách của trường về ngành đào tạo, chương trình học và hình thức đào tạo trở nên khó khăn hơn”, nhóm tác giả lo ngại.
 
Ở vị trí người sử dụng lao động, ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, đặt vấn đề: “Các trường ĐH cần làm sao để những sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp hoặc sinh viên đã tốt nghiệp quay về trường để bổ sung kiến thức đều có thể nhận biết được về 4.0, tránh xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải thuê chuyên gia nước ngoài đến để trao đổi với người lao động về vấn đề này như hiện nay”.
 
Thiếu trầm trọng nhân lực
 
Theo ông Trần Anh Tuấn, để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng 4.0, ngành nghề đào tạo phải phát triển theo hướng tích hợp của nhiều lĩnh vực, trong đó cốt lõi là công nghệ thông tin.
 
Theo ông Tuấn, các nhóm ngành sẽ phát triển mạnh trong cuộc cách mạng này gồm: công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, kỹ thuật xây dựng, quản trị dịch vụ tài chính… Nhưng điểm đáng lưu ý là các nhóm ngành này không chỉ phát triển theo cách truyền thống bấy lâu mà theo hướng mới đòi hỏi kiến thức rộng và sâu hơn.
 
Dù công nghệ thông tin được đánh giá có vai trò then chốt trong phát triển 4.0 nhưng thực tế nhân lực trong lĩnh vực này đang rất thiếu ở nước ta. Theo ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, TP hiện đang có khoảng 30.000 người lao động trong lĩnh vực này. Từ nay đến năm 2020, TP này cần tới 1 triệu nhân sự, thời gian dù chỉ còn 3 năm nhưng vẫn đang thiếu tới trên một nửa lực lượng. Để chuẩn bị lực lượng, Hội đã phối hợp cùng các doanh nghiệp trực tiếp đến từng trường ĐH, CĐ để giới thiệu thông tin về nhu cầu này.
 
Không chỉ xu hướng ngành nghề, theo ông Trần Anh Tuấn, trường ĐH còn cần trang bị cho người học những kỹ năng để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0. “Ở thời đại của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, quan trọng nhất là kỹ năng nghiên cứu và sáng tạo. Bên cạnh đó là tính kỷ luật, đạo đức và trách nhiệm với nghề nghiệp cao. Người lao động còn phải có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng tốt một ngoại ngữ. Quan trọng hơn là hiểu biết cụ thể về thông tin, nắm bắt được nhu cầu xã hội để tính toán các bước đi phù hợp trong nghề nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.
 
 
Nguồn : thanhnien.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024926621

TRUY CẬP HÔM NAY: 6809

ĐANG ONLINE: 42