Lo thiếu lao động lành nghề


(TBKTSG) – Khi nhu cầu tuyển dụng lao động ở lĩnh vực sản xuất tăng cao trong thời gian gần đây, tình trạng “chảy máu” lao động lành nghề đã làm cho các chủ doanh nghiệp đau đầu. Bên cạnh đó, việc thiếu lao động chất lượng cao vẫn tiếp diễn trong bức tranh chung của thị trường lao động.

 

 “Chảy máu” lao động lành nghề không chỉ dừng lại ở việc công nhân chạy sang

“Chảy máu” lao động lành nghề không chỉ dừng lại ở việc công nhân chạy sang các doanh nghiệp có vốn nước ngoài mà còn cả việc họ đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Thành Hoa

 

Thợ giỏi nhảy việc

 

Kể về tình trạng công nhân lành nghề nhảy việc, ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí khuôn mẫu chính xác Lập Phúc (TPHCM), cho biết các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cùng ngành với ông chỉ cần đưa ra một mức lương trả cho người lao động cao hơn một chút so với mức các công ty trong nước đang trả là đã có thể thu hút khá nhiều công nhân lành nghề sang làm việc cho họ. “Thật ra mình không trách anh em được, bởi “thóc ở đâu thì bồ câu đến đấy!””, ông Trí nhận xét.

 

Tuy nói vậy nhưng ông Trí có vẻ không vui. Bởi theo ông, điều đó không khỏi khiến các chủ doanh nghiệp cảm thấy thực tế phũ phàng sau bao công sức và thời gian mà doanh nghiệp đã bỏ ra để đào tạo người lao động cho đến khi họ trở thành lực lượng mà doanh nghiệp phải trông vào đó mới dám ký các đơn hàng gia công, đặc biệt là những đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

 

Sự dịch chuyển lao động từ các doanh nghiệp nhỏ sang các công ty nước ngoài trong thời gian gần đây khiến các doanh nghiệp trong nước bị động trong việc duy trì hoạt động sản xuất. Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, tình trạng “chảy máu” lao động lành nghề không chỉ dừng lại ở việc công nhân chạy sang các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) mà còn cả việc họ đi xuất khẩu lao động. Cũng vì không dám chắc còn giữ được bao nhiêu người lao động nên nhiều chủ doanh nghiệp chưa mạnh dạn rót vốn mở rộng sản xuất.

 

Để khắc phục tình trạng không ổn định về lao động, nhiều doanh nghiệp cơ khí tại TPHCM đã liên kết với các trường đại học, cao đẳng nghề triển khai các chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật ngành cơ khí để tạo nguồn lao động cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp “lo xa” hơn đã tích cực mở các chuyến tham quan nhà máy cho học sinh, tạo định hướng học nghề cho học sinh sau khi các em tốt nghiệp trung học phổ thông.

 

Hiện tại, Công ty Lập Phúc cũng đang là xưởng thực hành cho sinh viên cơ khí của trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Công ty còn hỗ trợ chi phí cơm trưa, chi phí đi lại cho những sinh viên thực tập có khả năng đứng máy sản xuất. Ông Trí đã thuê hẳn một kỹ sư lành nghề đảm nhận việc đào tạo cho sinh viên thực tập cả theo giáo trình lẫn về mặt thực hành. Nhờ vào những giải pháp “tự thân vận động”, gần một năm nay, Lập Phúc đã phối hợp với các trường đào tạo được hơn 100 sinh viên nắm cơ bản về kỹ thuật sản xuất. Công ty cũng duy trì được khoảng 160 công nhân có tay nghề tốt với mức lương 10-25 triệu đồng/tháng – một mức lương tương đối cao trong ngành cơ khí hiện nay, để sản xuất các sản phẩm khuôn mẫu chính xác xuất khẩu đi Mỹ, Pháp và cung cấp cho các doanh nghiệp công nghiệp lớn trên cả nước.

 

Ngoài phối hợp tổ chức các chương trình liên kết đào tạo, một số chủ doanh nghiệp cũng đã quan tâm hơn đến các chính sách hỗ trợ chỗ ăn ở cho người lao động; nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh của họ để có những chính sách chăm sóc hợp lý với mong muốn họ sẽ gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp.

 

Tình trạng công nhân nhảy việc không chỉ xảy ra ở nhóm ngành sản xuất cơ khí nói trên mà còn xuất hiện ở các ngành nghề khác như dệt may, da giày…

 

Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Liên Phát, cho biết xưởng sản xuất của Liên Phát nằm gần nhiều doanh nghiệp cùng ngành có vốn nước ngoài nên hàng năm bà phải điều nghiên mức lương mà các doanh nghiệp này trả cho người lao động để điều chỉnh mức lương phù hợp cho công nhân của bà. Nếu không, công nhân sẽ có sự so sánh và sẵn sàng bỏ sang những nơi có lương cao hơn.

 

Không chỉ tập trung vào giải pháp nâng lương, theo bà Liên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý các chính sách khác, như chăm lo đời sống sinh hoạt của người lao động, và đặc biệt phải tạo được sự đoàn kết nội bộ. “Công ty tôi từng chứng kiến một số thợ kỹ thuật cao bỏ xưởng nhảy sang làm cho doanh nghiệp FDI chỉ vì họ từng xích mích với tổ trưởng của mình và bất mãn, bỏ đi”, bà Liên kể.

 

Nhu cầu cao về lao động qua đào tạo

 

Trong bức tranh chung, theo một đơn vị nghiên cứu về lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực sản xuất đang tăng nhanh và chiếm tới 40% tổng nhu cầu tuyển dụng. Đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam, nhu cầu này tăng cao trong ba tháng đầu năm 2018. Một số doanh nghiệp sẵn sàng mở rộng cửa cho nguồn ứng viên là người nước ngoài vào các vị trí quản lý cấp cao. Tại một số khu vực, doanh nghiệp sản xuất còn phải đối mặt với việc thiếu hụt lực lượng lao động khi có nhiều dự án nhà máy mới của các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Theo ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM (Hepza), hiện nay các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố đang có khoảng 290.000 lao động và tỷ lệ công nhân nhảy việc dao động khoảng 5-7%. Ông Khanh nhận định, trong quan hệ lao động, thường thì người công nhân thấy chỗ nào mức lương tốt hơn là họ “nhảy”, điều này không còn lạ. Tuy nhiên, ở góc độ chủ doanh nghiệp, ông Khanh khuyên cần lưu ý các chính sách đãi ngộ, đừng để người lao động gặp sự xáo trộn lớn về thu nhập và sinh hoạt hàng ngày.

 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết trong vài năm gần đây, không chỉ ngành cơ khí mà nhiều ngành nghề khác như công nghệ thông tin, y tá – điều dưỡng… cũng chứng kiến sự dịch chuyển lao động lành nghề sang các doanh nghiệp FDI hoặc ra thị trường lao động nước ngoài. Các chuyên gia cũng đã lên tiếng cảnh báo nếu không có các giải pháp căn cơ về đào tạo, tiền lương… thì sự mất cân đối lao động sẽ ngày càng lớn, theo hướng bất lợi cho các nhà sản xuất trong nước.

 

Nhìn toàn cảnh thị trường lao động, ông Tuấn cho rằng “dễ dẫn đến tình trạng thừa lao động tay nghề thấp nhưng thiếu lao động ở trình độ cao”. Riêng tại TPHCM, dự kiến trong giai đoạn 2018-2025, trung bình mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng 300.000 việc làm, 78% trong số vị trí việc làm đó có đặt ra yêu cầu là người lao động đã qua đào tạo tay nghề, chuyên môn.

 

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, một yêu cầu khá rõ nét của thị trường lao động ở thành phố là phải nhanh chóng có nguồn nhân lực trình độ cao – có kiến thức, kỹ năng về khoa học công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy có sự chênh lệch cung – cầu lao động về số lượng, đồng thời chất lượng cũng chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập, đặc biệt cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.

 

Văn Nam

Nguồn: TBKTSG

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880486

TRUY CẬP HÔM NAY: 2805

ĐANG ONLINE: 9