Phát triển thị trường lao động: Không thể nói suông!


SGTT.VN - Thị trường lao động được xem là phát triển lành mạnh nếu cung và cầu lao động gặp nhau, chủ thợ cùng hợp tác trên cơ sở thoả thuận. Đây là điều thị trường lao động nước ta đang thiếu và sẽ không thể giải quyết nếu việc phát triển thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực không được xác định rõ ràng trong chiến lược phát triển kinh tế.


Hiện tại nước ta có khoảng 2 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp dệt may và khoảng 750.000 lao động làm trong ngành da giày, chưa kể số lao động làm việc tại các hộ gia đình. Không thể phủ nhận là trong nhiều năm qua hai ngành này có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu và góp phần giải quyết lao động dư thừa, tay nghề thấp. Nhưng nhìn ở góc độ việc làm bền vững thì chất lượng việc làm ở hai ngành này chưa ổn, mà biểu hiện là điều kiện lao động chưa tốt và tiền lương thấp, quan hệ lao động nhiều xáo trộn.


Đây là kết quả của chiến lược phát triển dựa nhiều vào các ngành thâm dụng lao động với chính sách nhân công giá rẻ được áp dụng trong một thời gian dài. Tới nay, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, nếu Việt Nam không tỉnh táo thì sẽ đi vào vết xe đổ “bẫy thu nhập trung bình” mà một số nước đã vướng phải, nghĩa là chỉ đi gia công, sản xuất những sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng thấp. Cảnh báo này nếu không được các nhà thiết kế chính sách phát triển nhân lực, thị trường lao động chú ý thì rất dễ trở thành hiện thực.


Với hai ngành dệt may và da giày, hiện cần có định hướng rõ ràng hơn: nếu vẫn được coi là ngành xuất khẩu chủ lực trong mục tiêu trung hạn, khoảng mười năm tới, thì việc cần làm là thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu, sản phẩm của ngành này như thế nào, từ đó có kế hoạch nâng cấp trình độ đội ngũ lao động để tránh cảnh chỉ đi may thuê với tiền công rẻ mạt. Cần có chính sách rõ ràng để giúp một số lượng lớn lao động của hai ngành này dịch chuyển sang các ngành khác với chất lượng việc làm tốt hơn.


Nhưng tới thời điểm này những chính sách giúp chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành, từ những ngành ít vốn, thâm dụng lao động như dệt may, da giày sang các ngành cần lao động có trình độ và thâm dụng vốn, hay chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp chưa được chú ý tới. Dự thảo đề án phát triển thị trường lao động Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đang được bộ Lao động – thương binh và xã hội đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia có khẳng định cần phải xoá bỏ sự phụ thuộc vào các ngành lao động giá rẻ và kỹ năng thấp, sau đó sẽ tập trung vào các ngành thâm dụng vốn và công nghệ cao với mức lương và năng suất lao động cao hơn. Nhưng mục tiêu này chỉ có thể thực hiện được khi đi kèm với một chiến lược đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động có trọng điểm theo ngành.

Giống như ngành dệt may, da giày, nếu không xác định được nền kinh tế cần gì nơi các ngành này trong trung hạn và dài hạn thì việc quy hoạch nhân lực sẽ không gắn với thực tế.


Với hơn 70% lao động đang làm trong khu vực nông nghiệp, sự chuyển dịch cơ cấu lao động thời gian qua cũng tỏ ra quá chậm so với thực tế và nhu cầu phát triển kinh tế. Lẽ ra phải có những chính sách kích thích chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa thì nhiều chính sách lại đang kéo chậm sự chuyển dịch này. Nghiên cứu về lao động và tiếp cận việc làm của chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp với bộ Kế hoạch và đầu tư đã chỉ ra điều này. Những chương trình dạy nghề tại chỗ ở các làng nghề, hay thậm chí đề án đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm bắt đầu thực hiện kể từ năm 2010 cũng đặt ra mục tiêu đào tạo cho 400.000 lao động làm các nghề nông nghiệp mỗi năm. Thoạt nhìn có thể nghĩ đây là những bước đi tốt cho khu vực nông thôn, nhưng nhóm chuyên gia khẳng định, điều này khiến người lao động “bị kẹt trong khu vực nông nghiệp nông thôn”, và về tổng thể sẽ tác động tiêu cực tới sự chuyển dịch cơ cấu lao động.


Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tự xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực của mình giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng tới năm 2020, trên cơ sở quy hoạch này bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ tổng hợp lại, lấy ý kiến và trình Chính phủ đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng tới năm 2020 vào cuối năm nay. Chắc chắn, các ngành, địa phương đều sẽ xây dựng cho mình một viễn cảnh phát triển nhân lực tăng dần hàng năm, đặc biệt là nhân lực có tay nghề. Nhưng sẽ giống như ngành dệt may, da giày, nếu không xác định được nền kinh tế cần gì nơi các ngành này trong trung hạn và dài hạn thì việc quy hoạch nhân lực sẽ không gắn với thực tế. Và như thế, trên thị trường lao động “cung” sẽ vẫn mãi lệch “cầu”.


TAY GIANG


Nguồn: sgtt.vn
 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878871

TRUY CẬP HÔM NAY: 1109

ĐANG ONLINE: 9