Chọn ngành theo mức lương


Thực tế của thị trường lao động đã chứng minh, ngoài những kỹ năng cần thiết về công việc, ngoại giao, định hướng khởi nghiệp, để sở hữu mức lương mơ ước phụ thuộc phần nhiều vào khả năng “nhìn xa, trông rộng” của từng cá nhân trong chọn ngành học.
 

 

Học ngành nghề nào lương cao?

 

Rất khó để đưa ra một mức so sánh chi tiết, tổng quan về mức lương của từng ngành nghề, mỗi vị trí công việc. Nhưng theo ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TPHCM, thống kê từ hơn 1.193 doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tập đoàn đa quốc gia tại TPHCM, mức lương vẫn có sự chênh lệch lớn giữa hai khối trong và ngoài nhà nước.

 

Bởi thực tế ở các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là ở các đơn vị có yếu tố nước ngoài, tập đoàn kinh tế đa quốc gia, mức chi trả lương cho người lao động luôn được xác định theo năng lực, kinh nghiệm của người lao động.

 

Ví dụ, một sinh viên mới ra trường làm ngành nhân sự có thể tìm được việc làm với mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng, cấp trưởng phòng được trả hơn 20 triệu/tháng và các vị trí giám đốc nhân sự có thể có thu nhập từ 50 triệu đến 60 triệu/tháng ở một doanh nghiệp quốc doanh. Nhưng với những tập đoàn lớn của nước ngoài, mức lương cho vị trí trên tại Việt Nam có thể lên tới 4.000 USD/tháng (khoảng 84 triệu đồng).

 

Cụ thể, theo khảo sát, 3 lĩnh vực được trả lương cao nhất trong quý II/2016 bao gồm: quản lý nhân sự, dịch vụ tài chính, kỹ thuật. 161 triệu đồng/tháng là mức lương dành cho vị trí giám đốc kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học tại TPHCM. 147 triệu đồng/tháng là mức lương dành cho vị trí giám đốc nhân sự của 1 tập đoàn sản xuất về linh kiện điện tử.

 

Tương tự, theo thống kê của Tổng cục Du lịch mà chúng tôi có được, hiện trong nước có khoảng 5.000 khách sạn 3-5 sao. Tuy vậy, hầu hết các khách sạn đình đám nhất, nằm ở vị trí đẹp nhất đều phải thuê công ty nước ngoài quản lý với mức thù lao 10.000-15.000 USD/tháng (tương đương 220-330 triệu đồng/tháng) cho CEO.

 

Mới nghe qua mức lương CEO của một khách sạn cao cấp tại Việt Nam bạn có thể giật mình. Nhưng rõ ràng khi so sánh với cùng vị trí ở một đơn vị khác, mức lương có thể chênh nhau 10 lần.

 

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay trong khi các ngành khác, nhu cầu nhân lực và mức lương có xu hướng giảm qua các năm thì ngành công nghệ thông tin nói chung và nghề lập trình nói riêng vẫn vững vàng giữ được vị trí có mức lương “hot”.

 

Thực tế, nhu cầu nhân lực ngành này 5 năm trở lại đây chưa bao giờ thôi nóng bỏng khi ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin ở nước ngoài sang Việt Nam làm ăn. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự của họ thường rất quy mô, nhiều doanh nghiệp đã tung ra những “chiêu” tuyển dụng nhân tài rất hấp dẫn, như việc sẵn sàng chi trả mức lương trên 1.000 USD cho những kỹ sư phần mềm giỏi và thông thạo tiếng Anh.

 

Ngoài ra một số ngành nghề đang có sức hút rất lớn với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, có mức lương khá cao như: Phi công, Tiếp viên hàng không, Giám đốc tài chính, các vị trí thuộc nhóm ngành Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Cơ khí tự động…

 

Với các vị trí chuyên viên về lĩnh vực Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Cơ khí tự động ở một công ty nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam mức lương có thể dao động từ 4-7 triệu/tháng thì tại các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, mức lương người lao động được hưởng có thể đạt từ 900-1.200 USD/tháng.

 

Điểm qua mức lương của vài nhóm ngành nghề hiện nay

 

Để tìm kiếm một nghề lập thân, ngoài yếu tố trui rèn, học tập thì việc chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, bám sát nhu cầu thị trường lao động sẽ mang đến cho những người có lựa chọn thông minh cơ hội sở hữu mức lương tốt.

 

Theo ông Trần Anh Tuấn, mức lương các nhóm ngành có sự chênh lệch khác nhau.

 

Nếu như nhóm ngành: Điện tử – Cơ điện tử, Cơ khí – Tự động hóa, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán, Marketing- Quan hệ công chúng, Luật – Pháp lý có mức lương từ 5-8 triệu đồng/ tháng (chiếm 49% nhu cầu trong thị trường lao động) thì nhóm ngành: Kiến trúc kỹ thuật công trình xây dựng, Truyền thông – Quảng cáo – Thiết kế đồ họa lại có mức lương dao động ở ngưỡng 10-15 triệu đồng/tháng (chiếm 10,21%).

 

Những ngành nghề thuộc nhóm công việc truyền thống, phổ thông ở lĩnh vực như: Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng, Dịch vụ du lịch nhà hàng – Khách sạn (các vị trí lễ tân phục vụ không yêu cầu kinh nghiệm), Dịch vụ phục vụ (giúp việc gia đình, bảo vệ…) mức lương chỉ dao động từ 3-5 triệu đồng/ tháng (chiếm 18,08% nhu cầu thị trường) thì nhóm ngành nghề ở lĩnh vực Kinh doanh – Bán hàng, Vận tải kho bãi – Xuất nhập khẩu có mức lương khá ổn 8-10 triệu đồng/ tháng (chiếm 13,29%).

 

Đặc biệt, với nhóm ngành Cơ khí – Tự động hóa, Công nghệ thông tin, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Biên phiên dịch, Quản lý điều hành, Dầu khí…, mức lương dao động từ 15-20 triệu đồng/ tháng (chiếm 9,43% nhu cầu thị trường lao động). Đây cũng là nhóm ngành có mức lương ổn định nhất tại các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay.

 

Theo: xaluan

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024876009

TRUY CẬP HÔM NAY: 1052

ĐANG ONLINE: 10