Hội thảo tư vấn xây dựng pháp luật về lao động trẻ em


Ngày 21/03/2018, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Tổ chức Lao động thế giới (ILO) tổ chức Hội thảo tư vấn xây dựng pháp luật về lao động trẻ em. Tham dự và chủ trì hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp; ông Chang Hee Lee Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội, cùng với sự tham gia của các đại diện tới từ Chính phủ Việt Nam và các học giả, tới từ Bộ LĐ-TBXH, các Sở LĐ-TBXH và Trường đại học Y tế cộng đồng, WHO...

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Mục đích hội thảo này nhằm thực hiện công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam thông qua hỗ trợ sửa đổi, bổ sung pháp luật về trẻ em với những nội dung liên quan tới lao động trẻ em và người chưa thành niên và hỗ trợ chuẩn bị cho điều tra quốc gia về lao động trẻ em năm 2018.

 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Việt Nam có nhiều nỗ lực trong giải quyết vấn đề lao động trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Việt Nam cũng ban hành hệ thống luật pháp và chính sách nhằm hiện thực hóa quyền của trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Hội thảo

 

Lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu, theo ước tính của ILO, có khoảng 168 triệu lao động trẻ em. Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề như ảnh hưởng tới sự phát triển hài hòa của trẻ em, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

 

Về khái niệm “lao động trẻ em”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng nhấn mạnh và đề nghị ILO và các đối tác tiếp tục nghiên cứu và làm rõ cũng như những khoảng trống trong vấn đề này, để công tác xây dựng luật pháp về lao động trẻ em được hoàn chỉnh, bảo đảm các quyền của trẻ. Bởi theo Thứ trưởng, Bộ luật Lao động điều chỉnh quy phạm trong nhóm được phép (khu vực chính thức) trong khi lao động trẻ em chủ yếu xảy ra tại khu vực không chính thức: Trong các hộ gia đình như bán báo, đánh giày… Khu vực quan hệ lao động có rất ít lao động trẻ em.

 

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Cũng tại hội thảo, Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam cũng cho biết thêm, hiện nay, ranh giới xác định lao động trẻ em và trẻ em tham gia lao động rất khó nhưng cần quy định rõ trong quy phạm pháp luật, cần có những tiêu chí rõ ràng. Cần có những quy định phạm vi đặc thù sử dụng lao động chưa thành niên: Luật Lao động, BHXH, ATLĐ xác định rõ thế nào là lao động trẻ em, cùng với đó trẻ em được tham gia một số nghề phù hợp. Ngay lời dạy của Bác Hồ dạy thiếu nhi Việt Nam: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình”. Việc trẻ em tham gia làm việc nhà phù hợp với độ tuổi là điều nên khuyến khích để tăng cường kỹ năng sống cho các em. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, trẻ em tham gia làm việc nhà trong thời gian dài, thậm chí có cả công việc nguy hiểm, độc hại gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến thời gian học tập, vui chơi của các em...

 

Ông Federico Blanco Allais (Bộ phận phụ trách các Nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc ILO) cho rằng: Từ 2000 – 2016, xu hướng lao động trẻ em có giảm từ 245,5 nghìn xuống còn 151,62 nghìn trẻ em. Tuy nhiên, tốc độ giảm đang chậm lại đáng kể. Ở các khu vực trên thế giới thì có sự khác nhau về xu hướng giảm lao động trẻ em. Theo số lượng thống kê, chỉ có khu vực châu Phi cận Sahara là khu vực duy nhất có tình trạng lao động trẻ em tăng còn các khu vực khác lao động trẻ em có xu hướng giảm. Cũng như xem xét việc trẻ em tham gia làm việc nhà có được tính là lao động trẻ em. Cần phải phân độ tuổi và những công việc nhà mà trẻ tham gia để xác định đó có phải là lao động trẻ em. Bởi làm việc nhà có thể kéo dài 12h/ngày và những công việc này làm ảnh hưởng thể chất tinh thần trẻ em. Nếu chấm dứt hoàn toàn lao động trẻ em vào năm 2025 cần tập trung nhiều hơn nữa đối với lao động trẻ em nông nghiệp, nông thôn cũng như tiếp cận các công nghệ, nâng cấp hạ tầng, kỹ năng nghề, cải thiện hoạt động lao động trang trải…. tất cả những hoạt động có liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, cần thiết phải phân nhóm độ tuổi, ví dụ từ 5 – 11 tuổi thì mới có thể chấm dứt lao động trẻ em.

 

Nguồn: http: //molisa.gov.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024933719

TRUY CẬP HÔM NAY: 102

ĐANG ONLINE: 18