THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ


(PGS.TS. Nguyễn Bá Ngọc, ThS. Trịnh Thu Nga, ThS. Đặng Đỗ Quyên-

Viện Khoa học Lao động và Xã hội)

 

Tóm tắt: Trong những năm qua, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả vững chắc. Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 và tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, việc tham gia Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh châu Âu (EU) và hình thành Cộng đồng ASEAN trong năm 2015 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Thị trường lao động Việt Nam sẽ đứng trước các cơ hội và thách thức hội nhập, đồng thời cũng thể hiện những điểm mạnh và điểm yếu trong cạnh tranh khu vực và quốc tế.

 

  1. BỐI CẢNH

 

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết vào ngày 4 tháng 2 năm 2016, tại NewZealand giữa 12 quốc gia thành viên[1], trong đó có Việt Nam, TPP có quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Hiệp định TPP là FTA đầu tiên mà Việt Nam tham gia có chương riêng về lao động, bao gồm: (i) cam kết thực thi nghĩa vụ là thành viên ILO và không sử dụng các tiêu chuẩn về lao động nhằm mục đích bảo hộ thương mại; (ii) đảm bảo các quyền của người lao động được khẳng định trong Tuyên bố năm 1998 của ILO, bao gồm: Tự do hiệp hội và thực hiện có hiệu quả quyền thương lượng tập thể, xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc, xóa bỏ có hiệu quả lao động trẻ em và nghiêm cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, xóa bỏ phân biệt đối xử

 

trong công việc; (iii) đảm bảo điều kiện về tiền lương tối thiểu, thời giờ làm việc và an toàn vệ sinh lao động. Những điều khoản về lao động trong TPP sẽ tạo ra “sức ép” trong thực thi chính sách và tiêu chuẩn lao động tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là nước kém phát triển nhất trong TPP, là nước xuất khẩu dựa vào hàng hóa thâm dụng lao động cao với lợi thế về lao động rẻ. Trong ngắn hạn, việc chấp nhận các tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP về lao động sẽ khó tránh khỏi những tác động bất lợi cho Việt Nam trong cạnh tranh quốc tế.

 

 

Hình thành Cộng đồng ASEAN, TTLĐ các nước thành viên, trong đó có Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc thực thi các biện pháp xây dựng một cơ sở sản xuất ASEAN thống nhất, khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế bình đẳng và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. TTLĐ của các nước thành viên cũng sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong 12 ngành ưu tiên hội nhập, gồm: 7 ngành sản xuất hàng hóa là nông sản, thủy sản, sản phẩm cao su, sản phẩm gỗ, dệt may, điện tử, ô tô; 2 ngành dịch vụ là hàng không và e- ASEAN (hay thương mại điện tử); và 2 ngành vừa hàng hóa vừa dịch vụ là y tế và công nghệ thông tin, ngành hậu cần. Đặc biệt, việc tự do dịch chuyển của lao động kỹ năng cao giữa các nước thành viên sẽ mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng gây ra cạnh tranh gay gắt về lao động kỹ năng giữa các nước thành viên ASEAN.

 

Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định kinh tế – thương mại tự do, bao gồm: các hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) năm 2000, VJEPA Việt Nam – Nhật Bản năm 2008 và FTA Việt Nam – Chi-lê năm 2011 và các hiệp định đa phương như các FTA giữa khối ASEAN với các đối tác như Trung Quốc vào năm 2004, với Hàn Quốc vào năm 2006, Nhật Bản vào năm 2008, Ôt-xtrây-lia và Niu Di-lân vào năm 2009, Ấn Độ năm 2009, FTA với Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc năm 2015. Nhìn chung, các Hiệp định này chủ yếu tập trung vào các cam kết về tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, song tự do hoá thương mại hàng hoá và dịch vụ có tác động mạnh mẽ đến nhu cầu tuyển dụng lao động, cơ cấu việc làm, điều kiện làm việc và xu hướng tiền lương/tiền công.

 

  1. THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM VÀ HỘI NHẬP
  2.  
  3. Cơ hội và điểm mạnh
  4.  

1.1. Cơ hội

 

Gia tăng việc làm và nâng cao chất lượng việc làm. Hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới dẫn đến thu hút được nhiều vốn đầu tư và công nghệ từ bên ngoài, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, mở rộng các kênh dịch chuyển lao động. Hội nhập mở ra các cơ hội phát triển nghề nghiệp, kèm theo là việc thực hiện các quyền cơ bản của người lao động, cơ chế đối thoại xã hội và bảo đảm ASXH sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng việc làm của Việt Nam.

 

Theo ILO đến năm 2025, khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) Việt Nam sẽ tăng thêm 6 triệu việc làm so với kịch bản cơ sở, chiếm 10% tổng việc làm tăng thêm của khối (60 triệu), chủ yếu ở các ngành sản xuất lúa gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực.

 

Hình 1: Thay đổi việc làm theo ngành, kịch bản AEC so với kịch bản cơ sở, năm 2025 (nghìn)

 

Nguồn: ILO&ADB, 2015.

 

Chuyển dịch tích cực cơ cấu việc làm. Các dòng vốn đầu tư và công nghệ sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu từ những ngành kinh tế năng suất thấp sang những ngành có năng suất lao động cao hơn và tham gia vào chuỗi giá trị nhiều hơn. Việt Nam có cơ hội thu hút lao động có trình độ cao như các bác sỹ từ Singapore, kỹ sư từ Hàn Quốc hay Nhật Bản, các nhà quản lý dự án từ Philippines, v.v… nhằm bù đắp sự thiếu hụt lao động chất lượng cao trong nước, thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng, thu hẹp khoảng cách phát triển. Tham gia mạng sản xuất toàn cầu sẽ tạo ra những việc làm với trình độ công nghệ cao (công nghệ thông tin và internet, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics, tự động hóa….), mức lương cao và điều kiện làm việc tốt.

 

Tạo điều kiện để đổi mới hệ thống giáo dục – đào tạo. Đề đảm bảo cho lao động Việt Nam hội nhập tốt vào TTLĐ, hệ thống giáo dục- đào tạo đứng trước áp lực và có điều kiện đổi mới căn bản và toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu lao động kỹ năng của TTLĐ trong nước và quốc tế cả về số lượng, cơ cấu ngành nghề- cấp trình độ và chất lượng sinh viên ra trường.

 

Hình 2: Dự báo 10 ngành có nhu cầu việc làm cao nhất theo kịch bản AEC 2010-2025 (nghìn)

Nguồn: ILO&ADB, 2015

 

Tạo xung lực để cải cách TTLĐ Việt Nam và kết nối hiệu quả với thế giới. Hội nhập tạo điều kiện để cải cách TTLĐ Việt Nam theo hướng an ninh-linh hoạt, kết nối với TTLĐ quốc tế và thúc đẩy dịch chuyển lao động kỹ năng. Trước mắt, lao động thuộc 8 nhóm nghề được tự do di chuyển trong các nước ASEAN thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương: kỹ sư, kiến trúc sư, kế toán, khảo sát, bác sỹ, nha sỹ, điều dưỡng, du lịch với trình độ tiếng Anh thông thạo sẽ có điều kiện di chuyển tự do với cơ hội việc làm tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho phát triển đất nước.

 

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 500 nghìn lao động đang làm việc tại hơn 40 nước và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thu hút được ngày càng đông đội ngũ các chuyên gia, các nhà quản lý nước ngoài đến làm việc, tính đến 2015, cả nước có 83,6 nghìn lao động nước ngoài đến chủ yếu từ Trung quốc (31%), Hàn Quốc (18%), Đài Loan (13%), Nhật Bản (10%) và nhiều nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Á khác.

 

1.2. Điểm mạnh

 

So với các nước trong ASEAN, Việt Nam có mức độ hội nhập sâu rộng nhất và tác động tích cực nhất đến TTLĐ. Hội nhập sâu rộng khuyến khích cả lao động có kỹ năng và không có kỹ năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và các cơ hội sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới. Tự do hóa thương mại, tăng trưởng xuất khẩu và dịch vụ cũng thúc đẩy áp dụng công nghệ mới và hình thành những hình thức tổ chức sản xuất mới. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội phát triển việc làm trong những ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và có tính cạnh tranh toàn cầu. Cùng với hội nhập sâu rộng, hệ thống luật pháp, chính sách về việc làm, TTLĐ ngày càng được hoàn thiện sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển TTLĐ Việt Nam hướng tới mục tiêu việc làm bền vững và năng suất cho mọi người lao động.

 

Cùng với quá trình hội nhập, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đi vào hoạt động ổn định với những nội dung thiết thực, bước đầu tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội về đối thoại và thương lượng về tiền lương.

 

Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với LLLĐ trẻ và dồi dào. Đến năm 2015, lực lượng lao động cả nước đạt gần 54,79 triệu người, trong đó thanh niên (15-29 tuổi) chiếm gần 30% LLLĐ. Giai đoạn 2005-2015, LLLĐ tăng với tốc độ bình quân 2,11%/năm, gấp 2 lần tốc độ tăng dân số, phản ánh “lợi ích cơ cấu dân số vàng”. Với cơ cấu này, chúng ta có lợi thế khá lớn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malayxia, Singapore.

 

Người lao động Việt Nam khéo tay, cần cù, chịu khó, ham học hỏi, tiếp thu nhanh và có ưu thế trong một số ngành nghề. Lao động Việt Nam được đánh giá là có những kỹ năng cơ bản như đọc, viết, tính toán tốt. Việt Nam cũng có ưu thế về lao động chuyên gia ở một số nhóm ngành nghề như toán học, vật lý, công nghệ thông tin, bác sĩ, điều dưỡng, kiến trúc sư….

 

Hình 3: Tỷ lệ lao động di chuyển trong ASEAN của các nước thành viên ASEAN

Nguồn: ILO&ADB, Báo cáo Cộng đồng ASEAN 2015,

Quản lý hội nhập hướng tới thịnh vượng chung và việc làm tốt hơn.

 

Việt Nam đã chú trọng phát triển TTLĐ gắn với giải quyết các vấn đề xã hội và hỗ trợ các nhóm lao động yếu thế. Các chính sách hỗ trợ việc làm, tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… đã góp phần giảm nghèo, đào tạo, tạo việc làm cho những đối tượng lao động yếu thế. Hội nhập sâu rộng cùng với các cam kết và thỏa thuận đa phương hay song phương về lao động và xã hội giữa các nước trong khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục tạo ra mạng lưới ASXH rộng khắp, kết nối với hệ thống của các nước và khu vực.

 

  1. Thách thức và điểm yếu
  2.  

2.1. Thách thức

 

Nội luật hóa, tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực hội nhập. Các cam kết, thông qua việc ký kết các Hiệp định, đặt ra yêu cầu về sự phù hợp giữa hệ thống luật pháp quốc gia với các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, đảm bảo sự minh bạch, trách nhiệm giải trình theo các cam kết quốc tế. Do đó, đặt ra yêu cầu về sửa đổi và hướng dẫn các luật liên quan cho phù hợp với thông lệ quốc tế (như sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Bảo hiểm Xã hội…; hướng dẫn các luật mới như Luật Giáo dục Nghề nghiệp, Luật An toàn Vệ sinh Lao động). Môi trường hội nhập tạo ra sự thay đổi lớn trên TTLĐ về nguyên lý vận hành và cách thức tổ chức. Theo đó, cả cơ quản quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người lao động Việt Nam cần được chuẩn bị đầy đủ để thích nghi và hoạt động hiệu quả trong môi trường kinh doanh đa văn hóa, đa quốc gia.

 

Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp của bậc thang năng lực quốc tế. Tỷ trọng lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ mới chỉ đạt 20,5% năm 2015, tương ứng với khoảng 11 triệu người. Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Đặc biệt, lao động Việt Nam còn thiếu và yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp (trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp) và kỷ luật lao động kém. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng; chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam đạt 4,3/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 56/133 nước được xếp hạng (WB, 2015).

 

Do chất lượng nguồn nhân lực thấp, lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong các ngành sử dụng nhiều lao động, tiền lương thấp. Việc làm trong các ngành then chốt của CNH- HĐH chiếm tỷ trọng thấp, một số ngành mũi nhọn như công nghiệp chế biến chế tạo, điện từ – viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng thấp (21% tổng việc làm). Sự phát triển của doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo không đồng đều, sự bứt phá tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp có yếu tố xuất khẩu, đầu tàu là khối FDI. Doanh nghiệp nội địa còn gặp nhiều khó khăn trong hội nhập và môi trường kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực và tìm thị trường cho xuất khẩu. Năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam thấp. Năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, bằng 1/18 của Singapore, bằng 1/6,5 Malaysia, 1/3 Thái Lan và Trung Quốc. Trong khu vực ASEAN, năng suất lao động Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Cambodia và đang xấp xỉ Lào.

 

 

Thách thức trong thu hút và giữ nhân tài. Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực chuyên môn kỹ thuật cao vì thiếu sự hấp dẫn của tiền lương và môi trường, điều kiện làm việc. Những vị trí việc làm tốt, đặc biệt là trong các doanh nghiệp FDI sẽ dễ rơi vào lao động nước ngoài bởi họ luôn có lợi thế về ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp và tác phong công nghiệp.

 

Kết quả nghiên cứu được Trường kinh doanh INSEAD (Pháp), Viện nghiên cứu nguồn nhân lực lãnh đạo HCLI (Singapore) và Tập đoàn dịch vụ tuyển dụng nhân sự Adecco (Thụy Sĩ) khảo sát trong cả năm 2014 cho thấy: Việt Nam xếp hạng thứ 75 trong tổng số 93 nước về năng lực cạnh tranh tài năng toàn cầu (Global Talent Competitiveness Index – GTCI), phản ánh sự xếp hạng dựa trên khả năng phát triển, thu hút, giữ chân nhân tài, cũng tình trạng nghịch lý giữa chỗ làm việc trống và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao. Theo báo cáo này, Việt Nam có điểm số khá cao trong kỹ năng tri thức toàn cầu, nhưng lại có hiệu suất thấp đối với việc phát triển tài năng thông qua hệ thống giáo dục chính quy.

 

Xuất hiện một số hình thức rủi ro mới. Hội nhập sẽ làm tăng nguy cơ mất việc làm đối với các doanh nghiệp và ngành có sức cạnh tranh thấp (doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành chăn nuôi, ngành dệt may…) hay điều kiện làm việc thiếu an toàn đối với một số nhóm lao động yếu thế, trong khi hệ thống bảo hiểm xã hội và các đảm bảo xã hội còn yếu và thiếu (độ bao phủ của BHXH đối với người lao động mới chỉ 20% LLLĐ, chưa có cơ chế đóng-hưởng hay chuyển tiếp BHXH cho lao động di cư Việt Nam và nước ngoài). Đặc biệt, lao động trong các doanh nghiệp nhà nước được bảo hộ nhiều sẽ có nguy cơ bị mất việc hàng loạt, dẫn đến các thách thức về ASXH. Với khoảng 50% LLLĐ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu (con số này sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới), nhưng phần lớn vẫn là lao động giản đơn và thường làm việc trong khu vực phi chính thức hay các cơ sở sản xuất nhỏ với môi trường và điều kiện lao động không an toàn, mức lương thấp, quan hệ lao động yếu, thiếu các đảm bảo về xã hội. Những năm gần đây, số vụ tai nạn lao động tiếp tục tăng bình quân 2,6% giai đoạn 2007-2014, xảy ra nghiêm trọng trong lĩnh vực khai thác mỏ, xây dựng, gia công kim loại, cơ khí, vận hành máy, thiết bị. Trong thời gian tới, sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ với trình độ công nghệ còn lạc hậu hay việc nhập khẩu và đưa vào sử dụng các máy, công nghệ, vật liệu mới chưa kiểm soát được sẽ còn tiềm ẩn những nguy cơ về an toàn- vệ sinh lao động khó lường.

 

2.2. Điểm yếu

 

TTLĐ bị phân mảng giữa các khu vực, quy mô khu vực chính thức nhỏ bé. Năm 2015, tỷ lệ lao động làm công ăn lương mới đạt gần 40%, còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực (năm 2013: Campuchia là 40,6%, Indonexia là 46,5%, Philippines 58,2%, Thái Lan 41,4%, Malayxia 75%, Singapore 85,1%, theo ADB và ILO, 2014). Việt Nam vẫn là nước có cơ cấu lao động lạc hậu trong ASEAN với tỷ lệ lao động nông nghiệp cao thứ 4 (sau Lào, Campuchia và Myanmar) – khoảng 45% LLLĐ Việt Nam vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với năng suất và thu nhập thấp và gần 2/3 LLLĐ làm các công việc dễ bị tổn thương.

 

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2015-2016 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, điểm năng lực cạnh tranh (GCI) của Việt Nam là 4,3/7, đứng thứ 56/140 quốc gia được khảo sát về 12 tiêu chí cạnh tranh bao gồm: thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục, quy mô thị trường, môi trường kinh tế vĩ mô, mức độ phát triển của thị trường tài chính, hiệu quả thị trường lao động… Việt Nam chỉ được 3,8/7 điểm về đào tạo và giáo dục bậc cao (higher education and training), đứng thứ 95/140; được 4,4/7 điểm về hiệu quả của thị trường lao động, xếp thứ 52/140; được 3,3/7 điểm về mức độ sẵn sàng về công nghệ, đứng thứ 92/140.

 

Quan hệ lao động tại doanh nghiệp chưa hài hòa, ổn định và tiến bộ. Quản trị TTLĐ còn yếu, đối thoại và thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể… chưa được thực hiện hoặc chỉ là hình thức. Tranh chấp lao động và đình công còn nhiều và phức tạp, vai trò của tổ chức công đoàn chưa được phát huy tốt, trong khi năng lực hòa giải và trọng tài còn yếu kém.

 

Cơ sở hạ tầng của TTLĐ còn thiếu và yếu. Hệ thống dự báo và thông tin TTLĐ, hệ thống dịch vụ việc làm và đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu của TTLĐ. Công tác tư vấn, hướng nghiệp chưa hiệu quả, dẫn đến việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học nghề  hạn chế.

 

Mức độ sẵn sàng hội nhập và sự vào cuộc của doanh nghiệp, người lao động Việt Nam chậm. Mức độ sẵn sàng hội nhập và năng lực quản trị TTLĐ thích ứng với điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế còn hạn chế về thể chế, thủ tục hành chính, đội ngũ cán bộ và công tác thanh tra. Phần lớn các doanh nghiệp chưa hiểu rõ về nội dung TPP, FTA; 76% doanh nghiệp không biết hoặc không hiểu gì về AEC, 94% doanh nghiệp không biết về nội dung đàm phán trong AEC, 63% doanh nghiệp không hiểu gì về thách thức và cơ hội khi tham gia AEC. 28% số sinh viên năm cuối được hỏi không biết đến AEC, trong số sinh viên biết AEC có tới 81% cho rằng thách thức lớn nhất thuộc về ngoại ngữ (phỏng vấn 240 sinh viên năm cuối tại 5 trường ĐH ở Tp.HCM, đầu tháng 2/2016).

 

III. HÀM Ý CHÍNH SÁCH

 

Một là, hoàn thiện thể chế về lao động- xã hội theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Chủ động nghiên cứu, ký kết Công ước cơ bản của ILO (đặc biệt là 3 Công ước cơ bản còn lại về quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động, xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc). Nội luật hóa các điều ước, tiêu chuẩn và cam kết quốc tế về lao động- xã hội mà Việt Nam là thành viên. Áp dụng các phương pháp tiếp cận, tiêu chí đánh giá về lao động- xã hội theo thông lệ quốc tế và khu vực. Chủ động dự báo, xử lý kịp thời các vấn đề lao động- xã hội phát sinh trong quá trình phát triển, thực thi các cam kết quốc tế. Lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế về lao động- xã hội theo yêu cầu hội nhập quốc tế.

 

Hình 4: Việt Nam cần thời gian bao lâu để bắt kịp với các nước láng giềng phát triển hơn về năng suất lao động?

Nguồn: Vũ Minh Khương, 2014, “Nâng cao năng suất lao động

là phương pháp chiến lược để tăng cường cải cách kinh tế

 

Hai là, tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức.  Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương hội nhập quốc tế về lĩnh vực lao động- xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng cổng thông tin điện tử hội nhập quốc tế về lao động- xã hội. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế về lao động- xã hội trong các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương và các doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về nhu cầu, nội dung, cơ hội và thách thức trong hội nhập quốc tế, trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, tạo đồng thuận và tăng cường trách nhiệm, có hành động thống nhất thực hiện các hoạt động và hợp tác quốc tế.

 

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ là nhân tố quyết định mức độ thành công của hội nhập.  Tập trung vào: (i) Đổi mới đào tạo, trong đó chú trọng việc xác định lại cơ cấu đào tạo; hoàn thiện thể chế đào tạo, gắn kết đào tạo với nhu cầu TTLĐ và tham gia của doanh nghiệp; tăng cường liên kết, tham gia vào “chuỗi giá trị đào tạo toàn cầu hoặc khu vực”,v.v. Đào tạo theo các tiêu chuẩn năng lực khu vực và quốc tế; (ii) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, chuyển đổi sang hệ thống tiêu chuẩn năng lực phù hợp; tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động. Triển khai các hoạt động hợp tác đánh giá và công nhận kỹ năng nghề giữa Việt Nam và các nước ASEAN.

 

Bốn là, hoàn thiện và phát triển TTLĐ trong nước. Kết nối cung- cầu lao động hiệu quả. Tổ chức tốt hệ thống thông tin TTLĐ, bao gồm thị trường trong nước để giới thiệu và chắp nối việc làm trong nước và TTLĐ ngoài nước. Đặc biệt, tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu lao động. Đổi mới và đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, đảm bảo phân luồng học sinh hiệu quả ngay từ cấp trung học cơ sơ và trung học phổ thông. Tổ chức lại và nâng cao năng lực của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm nhằm tăng cường sự liên kết, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau trong công tác cung ứng và tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp. Thành lập Hội đồng nghề nghiệp Quốc gia theo từng nhóm nghề (gồm đại diện doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp, công đoàn, cơ quan quản lý các cấp, trường đào tạo, viện nghiên cứu…), trước mắt ưu tiên những nghề có khả năng phát triển mạnh hoặc bị tác động lớn của hội nhập quốc tế (như nghề chăn nuôi, trồng rau củ quả, da giày, dệt may, điện tử…); Hội đồng có nhiệm vụ đánh giá khả năng phát triển, nhu cầu lao động về số lượng, cơ cấu, chất lượng và đề xuất nhu cầu đào tạo nhân lực gắn với các chính sách phát triển công nghiệp.

 

Năm là, chú trọng theo đuổi các mục tiêu của việc làm bền vững. Chú trọng vào cả 4 trụ cột của việc làm bền vững về bảo đảm quyền và tiếng nói của người lao động, cơ hội việc làm, ASXH và thực hiện cơ chế đối thoại xã hội. Các nhiệm vụ cấp bách bao gồm: phát triển mọi cơ hội việc làm và nghề nghiệp; chủ động xây dựng những chính sách, biện pháp bảo vệ an toàn cho người lao động; khuyến khích nghiên cứu và phổ biến các sáng kiến cải thiện điều kiện lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; phát huy năng lực toàn diện của các doanh nghiệp trong tự cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo AT-VSLĐ; chính sách tiền lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động; áp dụng các mô hình tiền lương hiệu quả trong thương lượng tiền lương ở những ngành có mức tăng trưởng nhanh và năng suất lao động cao; lồng ghép bình đẳng giới trong mọi mục tiêu lao động- việc làm.

 

Sáu là, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Tôn trọng và bảo vệ quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện quyền thương lượng tập thể thực chất. Nâng cao năng lực của cơ quan thanh tra lao động trong tiếp nhận, xử lý thông tin, xử lý tranh chấp lao động để đáp ứng các cam kết trong FTA.

 

Bảy là, thúc đẩy di cư lao động an toàn và hiệu quả. Hỗ trợ cho lao động di chuyển (dỡ bỏ các rào cản về hành chính, tạo liên thông các dịch vụ xã hội cơ bản, liên thông bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế….). Đối với lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, cần tiếp tục khắc phục: i) lao động bỏ trốn (bảo đảm cho người lao động về nước đúng hạn) và tái hòa nhập tốt vào TTLĐ; ii) liên kết và tạo dựng mạng lưới ASXH; iii) chuyển tiền về nước an toàn và sử dụng hiệu quả; iv) giảm các tiêu cực trong tuyển dụng.

 

Tám là, tăng cường thực hiện các chính sách ASXH. Mở rộng đối tượng hưởng các chính sách ASXH, xây dựng sàn ASXH và các lưới bảo vệ người lao động khi bị rơi vào yếu thế, dễ bị tổn thương. Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách ASXH phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh già hoá dân số.

 

Nguồn: giaoducquocte.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024724164

TRUY CẬP HÔM NAY: 8874

ĐANG ONLINE: 91