Thị trường lao động “biến”, công tác quản lý cần “chuyển”


(DĐDN) - Theo phân tích của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, chính sách thị trường lao động của Việt Nam hiện nay có thể tạo ra trở ngại mới cho nỗ lực tăng trưởng việc làm được trả công trong khu vực tư nhân.

 

thitruongbien16a

 

Báo cáo Điểm lại - báo cáo đánh giá toàn diện hoạt động kinh tế của quốc gia do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thực hiện và được xuất bản 2 lần trong một năm - vừa được định chế tài chính này công bố cuối tháng 7/2015. Bản báo cáo đã phân tích nhiều điểm yếu của thị trường lao động, đặc biệt là với khu vực doanh nghiệp tư nhân - vốn đang sử dụng khoảng 1/10 trong thị trường 52 triệu lao động của Việt Nam.

 

 Quá “bênh” người trong cuộc?

 

Nếu như vào năm 1989, 71% lao động Việt Nam làm việc trong các ngành nông - lâm - thủy sản và hầu như không tồn tại lao động trong khu vực tư nhân thì ngày nay, khu vực này chỉ chiếm 46% lực lượng lao động, và có 1/10 lao động Việt Nam làm công ăn lương tại một công ty tư nhân. “Việc làm được trả công trong khu vực tư nhân mới là nhân tố quan trọng, hứa hẹn tiềm năng tăng năng suất lao động”, bản Báo cáo của World Bank nhận định.

 

Trong khi đó, chính sách thị trường lao động của Việt Nam có thể là một trở ngại mới cho nỗ lực tăng trưởng việc làm được trả công trong khu vực tư nhân. Các quy định thường có lợi cho “người trong cuộc” - là những lao động hiện đang có công việc làm công ăn lương; trong khi lại dập tắt cơ hội có việc làm mới của “người ngoài cuộc” - là những người vẫn chưa có việc làm được trả công.

 

Một ví dụ rất cụ thể là cơ chế lương tối thiểu. Hệ thống lương tối thiểu hiện tại được ban hành vào năm 2006; thay đổi theo địa bàn và ngành nghề. Kể từ năm 2012, mức lương tối thiểu này đã thống nhất giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Cần lưu ý rằng, quy định về lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa tác động trực tiếp tới 22% lao động Việt Nam làm công ăn lương “chính thức”. Chủ lao động vẫn có thể tuyển lao động không chính thức, không ký hợp đồng để “né” các quy định về lương tối thiểu.

 

Ngoài ra, do Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một phần là nhờ chi phí nhân công rẻ nên mức lương tối thiểu rất cao sẽ ngăn cản thu hút vốn đầu tư FDI và việc làm tạo ra nhờ FDI. Tăng mức lương tối thiểu góp phần làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia như Bangladesh hoặc Campuchia - những nước có mức tiền lương tối thiểu thấp hơn Việt Nam.

 

Trên thực tế, ngoài khu vực Chính phủ, lương tối thiểu tại Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây, vượt tốc độ tăng trưởng năng suất lao động. Lương tối thiểu tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2006, trong khi mức tăng năng suất lao động thấp hơn nhiều. Chính phủ đặt ra mục tiêu tham vọng tăng lương tối thiểu lên mức cho phép các hộ gia đình đạt “mức sống hàng tháng tối thiểu” vào năm 2018.

 

Tuy nhiên, trao đổi với DOANH NHÂN, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quy định về mức lương tối thiểu hiện nay của Việt Nam “không có vấn đề gì”, hơn nữa, sàn lương tối thiểu ở khu vực cao nhất cũng mới bằng 70% mức sống hàng tháng tối thiểu.

 

Chưa linh hoạt trong cơ chế việc làm

 

Sàn lương tối thiểu ở khu vực cao nhất cũng mới bằng 70% mức sống hàng tháng tối thiểu.

 

Các quy định pháp luật về bảo vệ việc làm (EPL - quy định các điều khoản về sa thải nhân viên của chủ lao động) được các nhà quan sát quốc tế coi là cần phải hài hòa giữa quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động. Nếu quá khắt khe, EPL sẽ dẫn tới khó khăn hơn trong việc sa thải nhân viên làm việc không hiệu quả và cắt giảm việc làm tại những thời điểm ít nhu cầu.

 

Trong khi đó, những thay đổi của Bộ Luật Lao động Việt Nam năm 2012 khiến cho các quy định pháp luật bảo vệ việc làm của Việt Nam mang tính khắt khe cao so với tiêu chuẩn toàn cầu. Năm 2010, mức nghiêm ngặt của EPL Việt Nam được đánh giá là “vừa phải” so với nhóm nước có nền kinh tế phát triển (OECD) và các quốc gia có các chương trình hỗ trợ người lao động khác, song sau khi thông qua Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn mới năm 2012, mức độ khắt khe của Việt Nam trên cả của Pháp và Bồ Đào Nha!

 

Một yếu tố bổ sung quan trọng đảm bảo EPL linh hoạt hơn chính là những can thiệp chủ động và bị động tới thị trường lao động. Đó là các chương trình “chủ động” như đào tạo và hỗ trợ tìm kiếm việc làm cũng như các lợi ích “bị động” như trợ cấp thôi việc và bảo hiểm thất nghiệp. Thừa nhận rằng, các trợ cấp về thất nghiệp tại Việt Nam (gần 60% bình quân tiền lương tháng của 6 tháng trước khi thất nghiệp) là tương đối cao so với tiêu chuẩn toàn cầu áp dụng đối với quốc gia thu nhập trung bình; nhưng ông Lợi - một nhà lập pháp - cho rằng, vấn đề là ở chỗ người lao động chưa có ý thức sử dụng khoản tiền trợ cấp thất nghiệp vào đúng mục đích là chuyển đổi nghề nghiệp. “Họ thường dùng để chi xài sinh hoạt trước mắt, nên rất dễ lâm vào cảnh khó khăn sau khi hết tiền”, ông nói. Nói cách khác, vấn đề chính ở đây là sự tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động.

 

Tăng cường tính “an toàn linh hoạt”

 

Đó là khuyến nghị từ WB, trên cơ sở nhận định Bộ luật Lao động Việt Nam dường như “chống đỡ cho các tổ chức quan hệ lao động hoạt động yếu kém”. Khuyến nghị được đưa ra là tăng cường tính “an toàn linh hoạt”, nói cách khác là đặt mục tiêu “bảo vệ người lao động thay vì việc làm” trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu.

 

Quy định về lương tối thiểu và cơ chế bảo vệ việc làm có thể trở thành lực hãm đối với năng suất, hiệu quả lao động.

 

Theo hướng này, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh là hai yếu tố chính cần cân nhắc khi điều chỉnh lương tối thiểu; có sự cân nhắc các yếu tố khác như tăng giá và thu nhập tương đối. Bên cạnh đó, Việt Nam nên cân nhắc việc nới lỏng quy định đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động, hợp đồng tạm thời và thuê ngoài - những nhân tố có khả năng thúc đẩy tính lưu động và phân bổ hiệu quả lực lượng lao động. Cơ chế bảo hiểm thất nghiệp cũng được coi là hiệu quả hơn trợ cấp thôi việc. Đáng mừng là khả năng thay thế trợ cấp thôi việc bằng bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định trong Bộ Luật Lao động. Việt Nam nên dần mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm thất nghiệp và chương trình thị trường lao động chủ động.

 

Cải thiện hệ thống quan hệ lao động ở Việt Nam cũng sẽ là chìa khóa giúp giải quyết nhiều thách thức nền tảng trên thị trường lao động; nhưng có lẽ đó sẽ là một câu chuyện dài khác.

Cẩm Hà

logodoanhnhan1

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024723256

TRUY CẬP HÔM NAY: 7935

ĐANG ONLINE: 20