‘Sàng lọc’ sinh viên để đảm bảo chất lượng đầu ra


(Giáo dục) - Trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, trong những năm gần đây, các trường đại học liên tục “sàng lọc” những sinh viên không đạt yêu cầu để đảm bảo chất lượng đầu ra.

 

Một phần nguyên nhân của tình trạng sinh viên “rơi rụng” trước khi hoàn thành khóa học là do công tác hướng nghiệp chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả dẫn đến việc sinh viên chọn sai ngành nghề, không đủ đam mê theo đuổi.

 

“Sàng lọc” để đảm bảo chất lượng đầu ra

 

Trung bình mỗi năm, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 700 sinh viên bị buộc thôi học. Riêng năm 2016, con số này lên đến hơn 1.000 em. Các sinh viên bị buộc thôi học do không đảm bảo quy chế học vụ, trước đó tất cả những trường hợp này đều đã bị cảnh báo học vụ lần thứ 3.

 

Còn tại trường Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 100 sinh viên bị buộc thôi học. Theo đại diện nhà trường, những sinh viên này bị buộc thôi học do học lực không đạt yêu cầu, một số vi phạm quy chế đào tạo theo tín chỉ (không đảm bảo thời hạn đào tạo, không đăng ký học phần…). Việc không đảm bảo yêu cầu học tập một phần do sinh viên không đủ năng lực theo học, một phần cũng do sinh viên chủ động nghỉ học do chọn sai ngành, nghề.

 

Sinh viên năm cuối tìm cơ hội việc làm tại Ngày hội “Nghề nghiệp sinh viên – Nhân lực

trẻ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016″ diễn ra hồi tháng 6/2016.

 

Không chỉ 2 trường đại học trên mà rất nhiều trường đại học khác mỗi năm cũng buộc thôi học hàng trăm sinh viên vì những lý do tương tự. Ví dụ trong năm 2017 trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Mính buộc thôi học và cảnh báo học vụ với hơn 200 sinh viên. Kết thúc năm học 2016-2017, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh buộc thôi học hơn 30 sinh viên và cảnh báo học vụ trong với hơn 600 sinh viên…

 

Thống kê tại một số trường cho thấy, sau khi hết thời gian tối đa được phép học tại trường, có khoảng từ 10-30% (tùy trường) sinh viên bị “rơi rụng” so với tổng số sinh viên nhập học đầu khóa.

 

Về nguyên nhân dẫn đến việc không đảm bảo yêu cầu kết quả học tập và bị buộc thôi học, ông Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, một phần do thái độ học tập của sinh viên chưa cao, thiếu kỹ năng, không có phương pháp học tập phù hợp nên không theo kịp chương trình học.

 

Bên cạnh đó còn có cả tâm lý chủ quan, các em nghĩ rằng vào được đại học thì chắc chắn sẽ ra trường và nhận được bằng. Dưới góc độ của người làm công tác giáo dục, ông Trần Đình Lý cho rằng việc các trường “mạnh tay” và nghiêm khắc trong vấn đề này là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Đây là một cách làm “gạn đục khơi trong” để quyết liệt nâng cao chất lượng đào tạo.

 

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, quy chế đào tạo theo tín chỉ đã trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất lớn cho sinh viên, hướng vào sự chủ động của người học, lẽ ra sinh viên phải tranh thủ phát huy, lượng sức để nếu có thể sẽ rút ngắn thời gian đào tạo. Từ quy chế này, nhiều sinh viên đã rút ngắn được thời gian học và ra trường sớm, thế nhưng nhiều em lại chủ quan để rồi bị buộc thôi học vì vượt quá thời gian tối đa được phép học tại trường.

 

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Quản lý Đào tạo – Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, việc thay đổi quy chế thi, tuyển sinh những năm gần đây khiến các em chọn ngành nghề, trường học chủ yếu dựa trên điểm thi. Ví dụ có những em yêu thích ngành này nhưng điểm số không đủ nên đã chuyển qua học ngành khác, như vậy ngành nghề hoàn toàn không phù hợp với mong muốn của các em nên nhiều em cũng tự nghỉ học và có thể sẽ chọn lại trường khác trong năm tiếp theo.

 

Thực trạng này gây lãng phí thời gian và tiền bạc, tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, nếu thực sự nhận thấy không phù hợp với ngành nghề cũng như bậc học đã chọn, sinh viên vẫn nên thay đổi để chọn hướng đi phù hợp. Bởi mọi việc bắt đầu từ cái gốc là năng lực, sở trường của bản thân thì sẽ đi đến thành công.

 

Cần hướng nghiệp sớm và đồng bộ

 

Nhiều năm tham gia công tác hướng nghiệp tại nhiều địa phương trong cả nước, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, công tác hướng nghiệp cho học sinh chưa thực sự đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả.

 

Công tác này chủ yếu được đẩy mạnh ở các thành phố lớn hoặc thực hiện hướng nghiệp thông qua phương tiện truyền thông. Còn trong các trường phổ thông công tác này chưa được chú trọng, do vậy học sinh, nhất là học sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất thiếu thông tin về ngành nghề, thị trường lao động.

 

Ông Trần Anh Tuấn cho biết, theo một số cuộc khảo sát thực tế của trung tâm tại một số địa phương cho thấy có đến 70% sinh viên không hiểu rõ ngành nghề của mình trước khi lựa chọn, còn 25% có hiểu biết tương đối đầy đủ, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết rõ và chọn được ngành học phù hợp.

 

Vì vậy, việc sinh viên chọn sai ngành phải chuyển ngành học, bỏ học hoặc bị buộc thôi học do kết quả học tập kém cũng… không lấy làm lạ. Một số sinh viên chọn đúng ngành nhưng không đúng khả năng và trình độ nên không thể theo kịp. Bên cạnh đó, cũng có những sinh viên do chịu sức ép từ mức học phí tăng cao nên phải đi làm thêm mà sao không chú tâm vào việc học cũng một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên “rơi rụng” trong quá trình học.

 

Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Văn Đương cho rằng, công tác hướng nghiệp hiện nay chưa thực sự phát huy hiệu quả. Mặt khác, cũng do bản thân nhiều học sinh còn thờ ơ, không quan tâm tới việc tìm hiểu ngành nghề, dẫn đến định hướng ngành nghề phù hợp, nên khi vào học không đủ đam mê để theo đuổi.

 

Từ thực tế này, các chuyên gia cho rằng, các ngành chức năng cần chú trọng hơn đối với việc thực hiện công tác hướng nghiệp, phải hướng nghiệp từ rất sớm thông qua nhiều kênh thông tin;đặc biệt cần đẩy mạnh công tác này ở trong các trường phổ thông và thực hiện đồng bộ giữa các địa phương.

 

Các ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng cần kết nối cung cấp đầy đủ thông tin về ngành nghề, nhu cầu thị trường lao động… để học sinh, phụ huynh hiểu rõ và chọn ngành nghề phù hợp. Người học và các cơ sở đào tạo được cung cấp đầy đủ thông tin về dự báo nhu cầu nguồn nhân lực chắc chắn sẽ có những điều chỉnh phù hợp với định hướng phát triển chung.

 

(Theo Tin Tức)

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024719709

TRUY CẬP HÔM NAY: 4214

ĐANG ONLINE: 86