Nhu cầu nhân lực đối với khối ngành du lịch của TP HCM giai đoạn 2013-2015-2020


NHU CẦU XÃ HỘI ĐỐI VỚI KHỐI NGÀNH DU LỊCH 
CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2013 – 2015– 2020
 
Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM *
 
Thực trạng hiện nay nguồn nhân lực ngành du lịch chưa đáp ứng được về số lượng và chất lượng so với nhu cầu. Việc thu hút, đào tạo và sử dụng nhân lực khối ngành du lịch còn hạn chế so với nhu cầu chung.
 
Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15 nghìn người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo dài hạn ở các trường đại học, cao đẳng… nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ.
 
Hình ảnh có liên quan
 
Tại TP Hồ Chí Minh có hơn 50 trường đào tạo các chuyên ngành về du lịch nhưng chỉ đáp ứng được 60% so với nhu cầu, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực du lịch. Chương trình đào tạo tại nhiều trường còn chú trọng đến lý thuyết mà chưa có điều kiện tổ chức nâng cao thực hành vì vậy, sinh viên, học viên ra trường thiếu kỹ năng. Thực tế, nhân lực ngành du lịch phải được học từ thực tế để biết cách tổ chức, xử lý tình huống, thông thuộc địa bàn du lịch.
 
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TP. HCM về nhu cầu nhân lực 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ trọng điểm tại TP. HCM giai đoạn 2013 – 2015 – 2020, nhu cầu nhân lực khối ngành du lịch chiếm tỷ trọng 8% trong tổng số nhu cầu nhân lực (khoảng 21.600/năm) và có cơ cấu về trình độ đào tạo như sau:
 
 

TRÌNH ĐỘ

TỶ LỆ (%)

SỐ NGƯỜI

Đại học - Trên ĐH

10

5.100

Cao đẳng - Trung cấp

50

25.500

Sơ cấp nghề

30

15.300

Chưa qua đào tạo

10

5.100

Tổng cộng:

100

51.000

(Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế TP.HCM)

 

 
Hiện nay và trong thời gian tới nhu cầu nhân lực nhóm ngành du lịch, những vấn đề đang được các cơ quan quản lý nhà nước, ngành, các cấp quan tâm, cần sớm được hoàn thiện là:
 
Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đưa ra bộ “Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam” làm tài liệu chuẩn phục vụ việc giảng dạy tại các cơ sở đào tạo du lịch, phần nào đáp ứng được nhiều yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, bộ tài liệu chuẩn này chưa được áp dụng rộng rãi trong các loại hình cơ sở đào tạo du lịch. Nhiều ý kiến cho rằng, các trường cần sớm áp dụng các tiêu chí chung đào tạo nhân lực ngành du lịch làm cơ sở để hoàn chỉnh, thống nhất giáo trình giảng dạy.
 
Mỗi năm TP Hồ Chí Minh đón hàng triệu lượt khách quốc tế và con số này tăng lên hằng năm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của ngành du lịch là nguồn nhân lực yếu về ngoại ngữ. Theo khảo sát của một số công ty du lịch, có tới 30-45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70-80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn ngoại ngữ. Trình độ ngoại ngữ yếu, kỹ năng nghiệp vụ còn thiếu đã hạn chế các đơn vị du lịch không khai thác hết được nguồn lợi du lịch từ khách nước ngoài. Mặt khác, nếu không giỏi ngoại ngữ, những nhân viên trong ngành du lịch cũng khó hoàn thành tốt nhiệm vụ và phát triển nghề nghiệp chuyên môn, không thực hiện được sự hỗ trợ cho người nước ngoài hiểu về văn hóa Việt và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam.
 
Nhóm ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn là một trong 12 nhóm ngành cần nhiều lao động tại TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, cần chú trọng đầu tư vào việc đào tạo chất lượng nguồn nhân lực theo hướng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; phải thống kê chính xác lượng cung – cầu lao động của ngành này để việc đào tạo cân đối cung – cầu thị trường lao động, tránh tình trạng nhân lực khối ngành du lịch vừa thừa vừa thiếu.
 
 
(*) Báo cáo tại Hội thảo Nhu cầu đào tạo và Thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các cơ sở đào tạo khối ngành Du lịch trên địa bàn TP. HCM
 

Nguồn: http://dulich.hcmussh.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878043

TRUY CẬP HÔM NAY: 281

ĐANG ONLINE: 18