Chọn nghề: Thích là chọn?


Lựa chọn ngành nghề dựa theo đam mê nhưng không phải cứ thích là chọn. Cần phải xác định rõ khả năng của bản thân để có con đường nghề nghiệp đúng đắn…

 

ThS. Nguyễn Đình Đương trao đổi thông tin về ngành nghề với học viên

 

Đó là những lời khuyên thiết thực được nhiều chuyên gia đưa ra cho học viên Trung tâm GDTX Tân Bình (TP.HCM) trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ngày 25-12. Chương trình có sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH). Trong chương trình, những khúc mắc về tuyển sinh, nghề nghiệp, cách thuyết phục gia đình để theo lựa chọn của bản thân từ phía học viên cũng được các chuyên gia tư vấn nhiệt tình giải đáp.

 

Phải xem cả mặt trái của nghề nghiệp

 

Đây là nhận định của ThS. Nguyễn Thiện Toàn (chuyên gia tư vấn tâm lý) trước những băn khoăn của học viên là nên chọn ngành nghề theo sở thích hay theo ngành nghề có sức hút. Theo ông Toàn, khi lựa chọn ngành nghề, sở thích chỉ là một phần còn căn bản quyết định là phải khám phá được bản thân mình. “Đôi khi không phải cứ thích là chọn. Thích chỉ là để có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về ngành nghề đó xem có phù hợp với bản thân không, khi đó mới đưa ra sự lựa chọn. Cùng một ngành nghề nhưng ở mỗi trường lại có 20% giáo trình đào tạo khác nhau. Trước khi lựa chọn, các bạn phải hiểu được cả mặt trái của ngành nghề sẽ lựa chọn”, ông Toàn khuyên.

 

Đồng quan điểm trên, ThS. Đàm Thanh Trung (Ban ĐH, ĐH Quốc Gia TP.HCM) cho biết ngành nghề nào cũng cần phải có sự thích nghi, lựa chọn theo khả năng thì cơ hội nghề nghiệp mới rộng mở. “Hiện nay có rất nhiều học sinh chỉ nhìn thấy những ánh lấp lánh, hào quang của nghề ca sĩ, diễn viên nên lựa chọn mà chưa hiểu hết được những góc khuất, áp lực của nghề nghiệp. Nhiều em phải bỏ dở để tìm một lựa chọn khác phù hợp. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều cử nhân ĐH, CĐ ra trường thất nghiệp hoặc không làm đúng theo chuyên ngành. Các em đừng để bản thân phải loay hoay trong lựa chọn nghề nghiệp mà bỏ lỡ những cơ hội”, ông Trung nhắn nhủ.

 

Làm sao để “vừa lòng cha mẹ”

 

“Em muốn theo ngành kỹ thuật nhưng cha mẹ lại muốn em chọn ngành kinh tế. Vậy làm sao để em có thể theo lựa chọn của bản thân mà vẫn vừa lòng cha mẹ”, câu hỏi của Mai Vy (học lớp 12A1) đưa ra cũng là trăn trở của nhiều học viên nhờ các chuyên gia tư vấn tháo gỡ.

 

Hướng giải đáp “vẹn cả đôi đường” cho các học viên, ThS. Nguyễn Đình Đương (Phó ban Tuyển sinh HUTECH) cho biết muốn thuyết phục được cha mẹ theo sự lựa chọn của mình, trước hết bản thân các em phải hiểu rõ ngành nghề mình sẽ đi. “Không thể nói mình thích ngành kỹ thuật mà bản thân lại lơ mơ về ngành. Bên cạnh đó, cần phải có một người có tiếng nói, trọng lượng, người hiểu rõ nhất khả năng của bản thân mình hỗ trợ nói chuyện với cha mẹ. Đồng thời, các em phải nói để cha mẹ hiểu rằng, chọn lựa ngành nghề sai cũng như sự lãng phí thanh xuân vậy”, ông Đương chia sẻ.

 

Trước sự quan tâm về cơ hội nghề nghiệp cũng như khả năng kinh tế của khối ngành kỹ thuật ô tô, thiết kế thời trang, hóa phân tích của học viên, các chuyên gia nhận định rằng, ngành nghề nào cũng có thể làm giàu, chỉ cần giỏi, có chuyên môn cao và đam mê, nỗ lực.

 

Một học viên nữ đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

 

“Khi lựa chọn ngành thiết kế thời trang, các em cần phải có tố chất về thời trang, sáng tạo ra những xu hướng và một khả năng kinh doanh nhạy bén giữa một rừng những người làm thời trang. Khi đó, cơ hội nghề nghiệp, làm giàu sẽ tự đến”, ông Đương nhắn nhủ. Về cơ hội ngành kỹ thuật ô tô, ông Đương cho biết khi đất nước đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp thì tương lai ô tô sẽ nhiều hơn xe máy. “Ngành kỹ thuật ô tô sẽ có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp như điện ô tô, cơ khí, sơn ô tô, động cơ ô tô. Chỉ cần các em có niềm đam mê, chăm chỉ, cẩn thận, kết hợp vừa học vừa hành”, ông Đương cho biết.

 

Đối với ngành hóa phân tích, theo bà Nguyễn Thị Triểu (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM), nhu cầu việc làm là cực nhiều, tính đến năm 2025, trung bình mỗi năm TP.HCM sẽ trống khoảng 8.000 chỗ làm việc về ngành này.

 

Khoảng trống ngành thú y và du lịch

 

Theo các chuyên gia, ngành thú y và du lịch có khoảng trống về nhân lực rất lớn. Đặc biệt, du lịch là một trong 8 nhóm ngành nghề mà các nước ASEAN dịch chuyển nguồn nhân lực. “Tiềm năng du lịch của Việt Nam cực kỳ lớn nhưng nguồn nhân lực du lịch hiện nay chưa thật sự tốt trong khi khối ngành này đang vô cùng cần. Có rất nhiều sự lựa chọn từ quản trị du lịch lữ hành, quản trị khách sạn đến quản trị nhà hàng”, ông Đương dẫn chứng.

 

Trong khi đó, ThS. Nguyễn Thiện Toàn lưu ý các học viên rằng, đừng nghĩ hướng dẫn viên du lịch là được đi du lịch nhiều nơi. “Nếu nghĩ vậy thì đừng chọn ngành này. Bởi đây là ngành chăm sóc, cung cấp dịch vụ, đòi hỏi trách nhiệm và áp lực rất cao. Ngành chỉ được đi đến nhiều nơi chứ không phải được đi du lịch nhiều nơi”, ông Toàn nhấn mạnh.

 

Nói về ngành thú y, bà Nguyễn Thị Triểu bổ sung rằng, thực trạng nguồn nhân lực khối ngành này đang rất hiếm trong xu thế hiện nay. “Khi các em có tình yêu với động vật, thích chăm sóc động vật, ngành thú y sẽ mở ra những cơ hội việc làm như bác sĩ thú y, chuyên viên nghiên cứu phát triển sản phẩm thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, mở phòng thú y riêng…”, bà Triểu cho biết.

 

Yến Quân

Nguồn: http://www.giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024716522

TRUY CẬP HÔM NAY: 1015

ĐANG ONLINE: 95