Logistics, ngành hút nhân lực


Cơ hội việc làm cao với mức lương hấp dẫn, thế nhưng lĩnh vực logistics dường như vẫn còn khá xa lạ với các thí sinh trong mối quan tâm chọn trường, chọn nghề.

 

Ngành học không mới nhưng vẫn “lạ”

 

Logistics không phải là một ngành mới lạ tại Việt Nam bởi hiện nay có rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Thế nhưng, mặc dù nhu cầu thị trường rất cao, nguồn nhân lực logistics hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

 

Với nhiều bạn trẻ, logistics vẫn là một ngành xa lạ, mới mẻ khi được tư vấn tuyển sinh.

(Ảnh: Thủy Nguyên)


Thực tế cho thấy không nhiều bạn trẻ biết và tìm hiểu sâu về ngành nghề này cùng những cơ hội việc làm cho tương lai. Có học sinh đã đặt câu hỏi trong buổi tư vấn hướng nghiệp về ngành học logistics và những cơ hội việc làm trong tương lai. Theo học sinh này, “em có nghe về ngành này nhưng không biết nó là gì và có dễ xin việc”. Cụm từ “Logistics” vẫn còn khá xa lạ với nhiều bạn trẻ.

 

Logistics là lĩnh vực tối ưu hóa dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Hiểu một cách cụ thể, logistics là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.

 

Quá trình này bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa.

 

Với đường bờ biển dài, Việt Nam được đánh giá là có nhiều ưu thế để phát triển lĩnh vực logistics. Các chuyên gia kinh tế nhận định với nhiều cảng nước sâu, nhiều cửa khẩu sầm uất, cảng hàng không quốc tế, nội địa trải dài khắp đất nước, nhu cầu nhân lực về quản lý Cảng và Logistics trong tương lai rất lớn.

 

Các công ty hoạt động về lĩnh vực logistics ngày một nhiều. Những nhân lực hiện đang công tác trong lĩnh vực này cũng chia sẻ mức lương khá và thường xuyên trong tình trạng “tuyển dụng”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhân lực ngành này đang thiếu hụt nhiều, nhân lực trình độ cao chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường.

 

Sẽ cần nhiều lao động trong tương lai

 

Theo ước tính của Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam (VIFFAS), nguồn cung cấp lao động cho ngành logistic chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu, hầu hết các công ty dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện nay đều khẳng định tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao.

 

Việc Việt Nam chính thức ký hiệp định Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 4/2/2016 được dự đoán tạo điều kiện phát triển cho nhiều lĩnh vực trong đó có logistics. Viện Nghiên cứu & Phát triển logistics Việt Nam cũng cho biết trong 3 năm tới, trung bình các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động, các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ cần trên một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics.

 

Chia sẻ về nhu cầu nhân lực ngành này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu lao động và thông tin thị trường lao động TP HCM cũng cho biết từ nay đến năm 2020, các nhóm ngành kinh tế trong đó có logistics ở TPHCM có nhu cầu đến 25.000 lao động.

 

Ngành logistics sẽ tiếp tục cần nhiều nhân lực trong những năm tới. Mức thu nhập của ngành này cũng cao hơn mặt bằng chung song nguồn cung cấp lao động mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu”, ông Tuấn nhận định.

 

Đứng trước tham khảo nhiều lựa chọn ngành nghề cho mùa tuyển sinh 2017, logistics cũng là một trong những cánh cửa giúp tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường cho sinh viên.

 

Thủy Nguyên

Theo Đời sống & Pháp lý

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024901864

TRUY CẬP HÔM NAY: 5068

ĐANG ONLINE: 33