Khan hiếm nguồn thông dịch viên tiếng Hàn, Nhật, Trung


(TBKTSG Online) - Trong giai đoạn gần đây, nhu cầu nguồn thông dịch viên tiếng Hàn, Nhật và Trung tăng đột biến khi các quốc gia này tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung, cả về số lượng lẫn chất lượng.

 

Ông Trần Anh Tuấn (trái) chia sẻ tại tọa đàm sáng nay. Ảnh: Thành Hoa

 

Ý kiến trên được bà Võ Thị Bích Thủy, Trưởng phòng Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự Công ty Manpower Group Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm "Nhân lực thông dịch viên: Vì sao đãi cát khó tìm vàng?" do Saigon Times Group tổ chức sáng nay, 1-11.

 

Lấy ví dụ về nguồn nhân lực tiếng Hàn, bà Thủy kể, gần đây công ty bà nhận được đặt hàng tuyển 100 thông dịch viên tiếng Hàn cho một doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc. Công ty này có hai nhà máy lớn tại Bắc Ninh và khu công nghệ cao quận 9 - TPHCM với hàng ngàn nhân viên. Yêu cầu đặt ra là thông dịch viên phải thông thạo tiếng Hàn và tốt nghiệp đại học.

 

Tuy vậy, sau vài tháng, Manpower và doanh nghiệp Hàn Quốc phải giảm yêu cầu xuống, không còn bắt buộc phải có bằng cấp đại học nhưng việc tuyển dụng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. "Gần 5 tháng, chúng tôi lục tung thị trường nguồn cung cũng chỉ đáp ứng chưa đến một nửa đơn hàng đề ra", bà Thủy chia sẻ.

 

Không riêng gì nguồn thông dịch viên tiếng Hàn, theo bà Thủy, hai nguồn khác là tiếng Nhật và tiếng Hoa cũng đối mặt với tình trạng tương tự khi nhu cầu từ doanh nghiệp lớn hơn nguồn cung từ các trung tâm đào tạo.

 

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Công ty Inno Tech - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin với nhiều khách hàng lớn ở Nhật Bản, chia sẻ góc nhìn tương tự. Ông kể, doanh nghiệp ông rất cần tuyển nhân sự thông thạo tiếng Nhật, trong đó có kỹ sư cầu nối, thông dịch viên và cấp quản lý. Tuy vậy, việc tuyển dụng rất khó khăn.

 

"Cụ thể, có nhiều vị trí, ví dụ như cấp quản lý kinh doanh, chúng tôi phải tuyển nhân sự người Nhật tại các quốc gia trong khu vực vì tìm người Việt vừa thông thạo tiếng Nhật vừa đảm bảo chuyên môn không có", ông Linh chia sẻ.

 

Ở góc độ đào tạo, ông Jacob Heinrich, Trưởng khoa Ngôn ngữ và tiếng Anh, Đại học RMIT Việt Nam cho biết: "Việc ký kết các hiệp định thương mại quốc tế chính là cơ hội cho các chuyên gia ngôn ngữ làm việc trong những lĩnh vực chuyên biệt. Với chương trình cử nhân ngôn ngữ tại RMIT Việt Nam, sinh viên có thể chọn học chuyên ngành tiếng Nhật, hoặc biên phiên dịch, hoặc cả hai. Đây là những lĩnh vực phát triển mạnh tại Việt Nam vì kỹ năng ngôn ngữ cùng với nhận thức về văn hóa và kiến thức chuyên ngành là điều mà nhiều tổ chức, công ty đa quốc gia và các ngành nghề đang tìm kiếm".

 

Qua các chia sẻ trên, có thể thấy thị trường luôn có nhu cầu về nhân lực biên phiên dịch và hiện nguồn cung đang hụt so với cầu. Vậy tại sao lại có sự chênh lệch cung cầu như thế?

 

Về câu hỏi này, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, đưa ra hai lý do chính. Thứ nhất, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại quốc tế đa phương, song phương. Điều này kéo theo làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các nước vào Việt Nam. Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhu cầu mở rộng thị trường sang các quốc gia khác. Gộp chung hai lý do này lại dẫn đến cầu nhiều hơn cung và kéo theo tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực.

 

Không những thiếu hụt về số lượng, theo ông Tuấn, chất lượng nhân lực mà các trường đại học đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu từ thị trường.

 

Bổ sung ý kiến ông Tuấn, bà Võ Thị Bích Thủy đưa ra những con số thống kê chi tiết hơn. Theo bà, ngoại trừ chuyên ngành ngôn ngữ Anh, tất cả các ngành ngôn ngữ còn lại đang hạn chế về số lượng đào tạo. Lấy ví dụ như tiếng Hàn, tại TPHCM, chỉ có vài trường như Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn... đào tạo với tổng chỉ tiêu đầu vào từ các trường chưa đến 300 thí sinh; con số tương ứng với tiếng Nhật và tiếng Trung lần lượt là 300 và 500.

 

Đức Tâm

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024879855

TRUY CẬP HÔM NAY: 2169

ĐANG ONLINE: 107