Cần bản lĩnh để khởi nghiệp


Vừa qua, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Tỉnh đoàn Bến Tre tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) đã diễn ra tại 15 trường THPT trên địa bàn Bến Tre.

 

Học sinh Trường THPT chuyên Bến Tre tham gia trò chơi tại chương trình

 

Tại chương trình, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) thông tin: Hiện lực lượng lao động đã qua đào tạo của tỉnh Bến Tre có trên 1 triệu người. Giai đoạn 2015-2017, lao động có trình độ ĐH chiếm 7,16%; CĐ: 6,26%; TC: 9,38% và sơ cấp là 77,20%. Định hướng giai đoạn 2020-2025, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt từ 70-80% trong tổng số lao động của tỉnh. Ông Tuấn cho biết: “13 tỉnh/thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần 500.000 lao động/năm, riêng Bến Tre cần 30.000 lao động/năm”.

 

Khởi nghiệp khác lập nghiệp

 

“Khởi nghiệp thời điểm nào là thích hợp?”, một học sinh nữ của Trường THPT chuyên Bến Tre hỏi. Trả lời câu hỏi này, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng khởi nghiệp ở độ tuổi nào cũng được nếu hội đủ các điều kiện cần thiết. “Nếu gia đình có cơ sở làm ăn, bản thân các em đam mê kinh doanh thì có thể nắm giữ, lèo lái và mở rộng quy mô, nhưng để chắc chắn cho chặng đường đi thì phải có bản lĩnh”, TS. Lê Thị Thanh Mai nói. Chia sẻ thêm về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn (Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) lưu ý, khởi nghiệp và lập nghiệp là hoàn toàn khác nhau. Theo kinh nghiệm của các nhà khởi nghiệp, họ học rất nhiều từ cuộc đời, từ thất bại của chính họ... Nếu các em cảm thấy đủ sức đương đầu thì có thể bắt tay khởi nghiệp với nghề đã chọn. Tuy nhiên, ông Toàn khuyên: “Các em học ngành nghề gì, trường nào cũng phải học thật tốt, tránh tình trạng hụt hơi, bỏ dở giữa chừng đáng tiếc như nhiều sinh viên gần đây. Xã hội có sự phân công lao động ở nhiều ngành nghề, tuy nhiên, các em cần chọn học những ngành nghề mà địa phương đang đầu tư phát triển theo định hướng”.

 

Ông Tôn Đức Tài (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bến Tre) cho biết phong trào Đồng khởi khởi nghiệp do UBND tỉnh Bến Tre phát động đã được thanh niên hưởng ứng mạnh mẽ. Tỉnh đoàn cũng đã có nhiều chương trình hành động, trong đó mỗi cá nhân các bạn trẻ cần xây dựng cho mình ý thức học tập, trang bị nghề nghiệp vững chắc để vào đời. Chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” do báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với các trường ĐH tổ chức đã góp phần định hướng ngành nghề sát với nhu cầu thực tế của tỉnh nhà, của từng địa phương, gia đình và năng lực các em.

 

Được gì và mất gì khi du học?

 

Đây là câu hỏi của nhiều học sinh tỉnh Bến Tre đề cập đến trong chương trình. Bà Đỗ Thu Trang (đại diện Tổ chức du học IMM) đúc kết: Người học sẽ không gặp quá nhiều khó khăn nếu đã chuẩn bị kỹ kế hoạch đi du học. Vốn ngoại ngữ, tính năng động, thích khám phá, ham học hỏi… là hành trang để các em dễ dàng thích nghi và tích lũy kiến thức ở môi trường quốc tế. Về phương pháp học tập thì các em cũng sẽ sớm làm quen, bởi bất cứ trường nào cũng tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên quốc tế với các chương trình hỗ trợ thiết thực.

 

Vũ Thanh Nam (học lớp 12C1 Trường THPT Võ Trường Toản) lo lắng hỏi: “Trong tương lai, robot sẽ thay thế nhân lực ở một số ngành nghề dẫn đến người lao động thất nghiệp tăng. Vậy phải học ngành nghề gì để không rơi vào trường hợp này?”. Với vấn đề này, TS. Lê Thị Thanh Mai thừa nhận: “Khi công nghệ phát triển, lao động giản đơn sẽ bị đào thải. Tuy nhiên chỉ ở một số dây chuyền sản xuất nhất định. Vì thế đòi hỏi con người phải sớm thích nghi, tự trang bị cho mình một nghề mà xã hội cần. Muốn có chỗ đứng trong thị trường việc làm thì phải thường xuyên cập nhập kiến thức, nâng cao trình độ và linh hoạt mềm dẻo về nghề nghiệp. Đặc biệt là bổ sung kiến thức để phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu việc làm”.

 

Hướng nghiệp cho học sinh tỉnh Bình Phước

 

Từ ngày 21 đến 25-11, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM, Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn Bình Phước phối hợp với ĐH Công nghệ TP.HCM và ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM tổ chức đã đến với học sinh 14 trường THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Quốc Duy (Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước) cho biết đây là chương trình mang ý nghĩa lớn đóng góp vào hoạt động hướng nghiệp cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Từ đây các em có thông tin để chọn một ngành nghề, một trường học phù hợp với năng lực, sở trường, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu thị trường lao động. Qua đó tạo ra một nguồn nhân lực cao phục vụ cho sự phát triển của tỉnh Bình Phước.

 

Thiết thực hơn, Lê Hoài Bảo Ngọc (học lớp 12C6 Trường THPT Trần Văn Ơn) quan tâm đến vấn đề xuất khẩu lao động sang Nhật Bản để sớm có điều kiện phụ giúp gia đình. Bà Trần Thùy Dung (đại diện Trung tâm Nhật ngữ và Du học Redbook) cho biết: “Nhật Bản hiện đang cần lao động phục vụ sản xuất, thu hoạch và chế biến nông nghiệp. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, cái mình có được là tiền, chứ không có bằng cấp gì, vì vậy các em nên chọn một trường để học”. Tương tự, Lê Minh Nhật (học lớp 12A1 Trường THPT Trần Văn Ơn) có ý định du học Nhật Bản ở nhóm ngành sức khỏe nhưng lo ngại lao động ngành này sẽ bão hòa. Bà Dung khẳng định: “Nhật Bản là quốc gia có dân số già, 5-10 năm nữa sự già hóa dân số chưa giảm, thêm vào đó là phúc lợi tăng, kinh tế phát triển thì lao động nhóm ngành này là vẫn có giá trị”.

 

T.Anh

Nguồn: giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024882463

TRUY CẬP HÔM NAY: 356

ĐANG ONLINE: 7