Nở rộ các chương trình đào tạo và dạy nghề trực tuyến Nhu cầu xã hội cần, nhưng chất lượng đến đâu?


Đào tạo trực tuyến (e-Learning) cho phép đào tạo mọi lúc mọi nơi, truyền đạt kiến thức theo yêu cầu, thông tin đáp ứng nhanh chóng. Nó giúp người học tiếp thu kiến thức một cách có lợi nhất: tiết kiệm chi phí, thời gian, tối ưu nội dung, linh động trong học tập,… Song, chất lượng dạy và học tới đâu cũng đang là câu chuyện cần bàn…

 

Ảnh: Xuân Nghi

 

Thời gian gần đây, nhiều trường đại học (ĐH) tại Tp.HCM đồng loạt mở các trung tâm đào tạo trực tuyến; nhiều cơ sở dạy nghề, trung tâm đào tạo cũng thành lập các cơ sở dạy nghề trực tuyến thu hút nhiều đối tượng người học khác nhau. Có người đang theo học ĐH muốn học thêm, cũng có người không hoặc chưa có điều kiện đi học trực tiếp đành học trực tuyến.

Đào tạo trực tuyến là một nhu cầu xã hội

 

Đào tạo trực tuyến đang là xu thế phát triển chung của XH. Ảnh: Xuân Nghi


Thật ra, e-Learning không còn xa lạ với “thị trường” giáo dục và đào tạo trong nước vốn đã quá phổ biến ở các quốc gia, nó giúp mở ra nhiều cơ hội học tập cho mọi người, học mọi lúc mọi nơi với phương pháp học tập trực tuyến cũng như cung cấp đầy đủ kiến thức, khả năng tự học và tự khám phá. Sớm nhất có thể kể đến là Trường ĐH Mở Tp.HCM. Hơn 26 năm qua, Trường ĐH Mở Tp.HCM luôn là ngọn cờ đầu trong lĩnh vực đào tạo từ xa truyền thống. Tuy nhiên, để bắt kịp xu hướng phát triển của giáo dục thế giới, trường đã triển khai phương thức đào tạo trực tuyến. Trung tâm e-Learning được thành lập là bước đi đầu tiên trong kế hoạch xây dựng một trường đại học trực tuyến trong tương lai của Trường ĐH Mở Tp.HCM. Trường đào tạo các chương trình cử nhân, chứng chỉ và chứng nhận trực tuyến theo chương trình đào tạo chính quy.


Gần đây, Trung tâm ĐH trực tuyến FUNiX thuộc hệ thống FPT Education, ra đời nhằm đào tạo và cung cấp bằng kỹ sư phần mềm và các chứng chỉ nghề nghiệp lĩnh vực CNTT. FUNiX kế thừa những nguyên tắc trên của ĐH FPT; theo đó học viên sẽ tự quyết định tiến độ học của mình, được học từ bài giảng của những chuyên gia tốt nhất thế giới, và được tiếp xúc với những chuyên gia hàng đầu đang làm việc trong ngành CNTT tại Việt Nam. Trong khi đó, Tổ hợp công nghệ giáo dục TOPICA (trụ sở Singapore) cũng có một sản phẩm đào tạo trực tuyến, đó là TOPICA UNI, hiện hợp tác cung cấp hạ tầng công nghệ và dịch vụ cho 11 trường ĐH ở Việt Nam, Mỹ và Philippines để triển khai chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến chất lượng cao. Đã có hàng ngàn sinh viên Việt Nam theo học và bằng cử nhân do trường ĐH (liên kết) cấp, được Bộ GD&ĐT Việt Nam công nhận.


Tại Việt Nam, với 40% dân số kết nối internet, chủ yếu là giới trẻ, nhu cầu học hành cao. Mỗi năm, người Việt Nam chi 3 - 4 tỷ USD để cho con cái du học. Vì thế, thị trường giáo dục đào tạo trực tuyến đang đầy tiềm năng với quy mô lớn cùng tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 40% mỗi năm, ước tính quy mô thị trường không dưới 2 tỷ USD. Theo thống kê của Tổ chức Topica Founder Institute, tính đến hết năm 2016, Việt Nam có 309 dự án đầu tư vào lĩnh vực GD&ĐT với tổng số vốn đăng ký hơn 767 triệu USD. Xu hướng GD&ĐT trực tuyến rõ ràng đang mở ra nhiều hướng đi, cơ hội, thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân chọn kinh doanh trên lĩnh giáo dục tại Việt Nam.
 

Đón đầu công nghiệp 4.0 nhưng cần có sự giám sát chặt chẽ

 

Không kém cạnh với các bậc đàn anh, vừa qua Trường ĐH Sài Gòn (SGU) đã tổ chức ngày hội dạy nghề trực tuyến giới thiệu chương trình đào tạo trực tuyến Edutalk, đã thu hút hàng trăm sinh viên tham dự. Nhằm tạo ra một cộng đồng dạy và học không giới hạn, kết nối qua mạng internet, Edutalk thông qua ngày hội này để tuyển dụng các nhà đào tạo trên mọi lĩnh vực, ngành nghề. Sau khi phỏng vấn trực tiếp và nhận hồ sơ đăng ký, Edutalk sẽ tổ chức thẩm định năng lực của người đào tạo dựa vào các bằng cấp chuyên môn do người đào tạo cung cấp. Các môn học cần thiết, bổ ích, sẽ được Edutalk thông báo rộng rãi để người học có nhu cầu lựa chọn. Ông Lý Thế Huy, Giám đốc Công nghệ của Edutalk, cho biết: “Hòa vào Công nghiệp 4.0, Edutalk ra đời để kết nối người học người dạy, theo xu hướng 4.0: Đa dạng nghành nghề, giáo viên có thêm thu nhập, chia sẻ kiến thức, không giới hạn học viên. Chương trình sẽ chiết khấu thu nhập cho giáo viên hơn 80%. Với học viên, lợi ích là dễ tìm giáo viên, tiết kiệm thời gian, thanh toán đơn giản theo từng khóa học”. Là đối tác truyền thông của Edutalk, ông Đoàn Quý Lân, TGĐ Tập đoàn truyền thông MAI A, nhận xét: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu truyền thông cho doanh nghiệp khá lớn. Nhiều người có kinh nghiệm làm truyền thông thực tế, nhưng không dễ để các nhân viên truyền thông, các doanh nghiệp tiếp cận. Ứng dụng dạy học trực tuyến có thể kết nối để chia sẻ cho doanh nghiệp cách làm truyền thông hiệu quả. Edutalk tạo cơ hội cho những doanh nghiệp ở xa có thể tiếp thu kiến thức, mà không cần tốn kém nhiều chi phí, thời gian cho việc di chuyển đến các trung tâm. Học trực tuyến cho người học cảm giác thoải mái, không như kiểu học truyền thống gò bó trên lớp”.

 

Tiện lợi là vậy, tiện ích là vậy; song theo Chuyên gia về thị trường lao động Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM (FALMI), thì “Để đạt được kết quả như mong muốn, người học cần có sự đam mê, chủ động và thái độ xác định tự học là chính để tự rèn luyện bản thân mình. Bởi không gì bằng học trực tiếp từ người thầy, đó là chưa kể, nhiều người dù bao năm miệt mài đèn sách với sự giúp sức, hỗ trợ trực tiếp từ người thầy mà kết quả đạt được còn chưa được như mong muốn”. Theo ông Tuấn, kỹ năng nghề là yếu tố cực kỳ quan trọng, bởi đa phần người học ra trường đều phải được “đào tạo lại” từ phía nhà tuyển dụng, doanh nghiệp. “Bởi vậy”, ông Tuấn nói, “Cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng sao cho chất lượng đào tạo phải đạt chuẩn, ít là đúng với những gì mà trung tâm đã quảng bá. E-Learning là một loại hình đào tạo mới rất phù hợp với xu thế phát triển của XH, nhất là chúng ta đang hội nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Song nếu không biết được mình cần học gì, làm gì thì tỷ lệ thành công đối với người học là rất ít!”, ông Tuấn chia sẻ.

 

Xuân Nghi

Nguồn: thoi-bao-kinh-te-viet-nam

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024933257

TRUY CẬP HÔM NAY: 6051

ĐANG ONLINE: 14