Đề xuất giữ nguyên cách tính lương hưu cho lao động nữ đến năm 2022


Bộ LĐ-TBXH vừa báo cáo Chính phủ về phương án tạm thời chưa thực hiện khoản 2, điều 56 Luật BHXH và sẽ kéo dài tới năm 2022 mới thực hiện áp dụng lương hưu mới.

 

 

Đây cũng là nội dung mà Bộ trưởng Bộ LĐ-BXH Đào Ngọc Dung trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (sáng 2/11) xung quanh đề xuất của một số đại biểu về việc dừng thực dừng khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 về cách tính lương hưu từ 1/1/2018

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích, theo cách tính lương hưu tại khoản 2, Điều 56, Luật BHXH thì nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (lên đến 10%)

 

Theo Bộ LĐ-TBXH, tính đến ngày 1-1-2018, sẽ có khoảng 110.000 lao động nghỉ hưu trong đó có khoảng 50.000 lao động nữ. Theo cách tính của khoản 2, điều 56 Luật BHXH thì nam thiệt ít hơn vì nam có lộ trình 5 năm, còn nữ thì tính ngay nên sẽ bị thiệt nhiều hơn.

Vì vậy, trong 50.000 lao động nữ nghỉ hưu sẽ có có khoảng 21.000 người bị thiệt. Đặc biệt sẽ có khoảng 4.000 lao động nữ thiệt nhiều nhất khoảng 5-10% lương hưu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi kiểm tra tình hình thực tế tại các địa phương, doanh nghiệp, ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, Bộ LĐ-TBXH đã tham mưu cho Chính phủ tính toán các giải pháp để thực hiện khoản 2, điều 56, Luật BHXHTrong đó các giải pháp phải đảm bảo các nguyên tắc: không để lao động nữ thiệt thòi; thực hiện có lộ trình; đảm bảo có đóng (BHXH) có hưởng; tạo điều kiện cho quỹ BHXH ổn định và phát triển bền vững, không tạo ra những bức xúc trong xã hội

 

Về quy trình xử lý, Bộ trưởng cho biết đã ký văn bản trình Chính phủ các phương án để xử lý vấn đề này. Trong các phương án trình Chính phủ có phương án tạm thời chưa thực hiện và sẽ kéo dài tới năm 2022 mới thực hiện. 

 

Trên cơ sở đề xuất về việc tạm dừng quy định tính lương hưu mới, Chính phủ sẽ thảo luận và Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến sau đó mới trình Quốc hội, hoặc UBTVQH thông qua thì mới có thể áp dụng được.

 

Theo quy định hiện hành, người lao động đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Sau khi đạt tỷ lệ này, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, lao động nữ được tính thêm 3%, nam là 2%.

Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 56 quy đình về mức lương hưu hằng tháng (Luật BHXH Việt Nam 2014): Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Nguồn: http://phanhoichinhsach.molisa.gov.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880587

TRUY CẬP HÔM NAY: 2906

ĐANG ONLINE: 16