NHÀ GIÁO NGUYỄN MINH THÀNH – HỘI TRƯỞNG HỘI DẠY NGHỀ TPHCM:


“Lãnh đạo họp mừng, thăm hỏi, chào đón Việt Kiều, giáo sư, tri thức... Nhưng, gần như chưa chào đón, tôn vinh những người thợ bậc cao, nghệ nhân đóng góp nhiều...”

 

Nhà Giáo Nguyễn Minh Thành


   Đó là ý kiến của ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch Hội dạy nghề TP.HCM khi nói về nguyên nhân khiến học sinh không hăng hái với giáo dục trung cấp tại hội thảo: Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp TP.HCM ngày 23/1 ở Dinh Thống nhất TP.HCM.

   Bên cạnh đó, ông Thành nêu ra nhiều nguyên nhân khiến giáo dục chuyên nghiệp không được xem trọng như: Nước ta chưa trường chuyên nghiệp nào ở tầm cỡ quốc gia mà chỉ có đại học quốc gia,  trong khi trường chuyên nghiệp đất hẹp, trường cũ, thiết bị thiếu thốn... Chế độ lương bổng đối với công nhân, kỹ thuật viên lâu năm, tay nghề cao cũng cỡ ngang mức kỹ sư mới ra trường, đời sống luôn thiếu,...
 Và ông Thành kết luận: Với những điều như thế thì ai dám hăng hái, yên tâm, hãnh diện vào học trường chuyên nghiệp? Từ đó mới xảy ra hiện tượng “cùng sào” mới vào trung cấp.


   Ông Kay Kong Huat, Chuyên gia tư vấn dự án TF-SP-DOET (dự án hợp tác Việt Nam-Singapore về giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp) chia sẻ những kinh nghiệm mà Singapore đã làm để thay đổi nhận thức người dân về giáo dục chuyên nghiệp.


   Đó là Singapore đã tổ chức đưa chiến dịch “sử dụng đôi tay” vào các môn học như Cơ khí, Mộc, Vẽ kỹ thuật và Điện cơ bản (là những môn cơ bản với học sinh THCS). Các cuộc thi, giải thường trên truyền hình về tay nghề ở nhiều lĩnh vực được tổ chức nhằm thu hút sự quan tâm trong xã hội và đẩy mạnh tầm quan trọng của kỹ năng nghề trong giới trẻ. Chủ trương nâng chất lượng một vài trường nghề lên tầm cao, có nhiều thánh tích, ghi nhiều dấu ấn trong các cuộc thi tầm quốc tế.
 
   Từ đó, hình ảnh hệ thống giáo dục nghề trong mắt công chúng tại Singapore được thay đổi và trân trọng. 


   Với hy vọng nâng trường nghề ở Việt Nam lên tầm cao hơn, có được sự phát triển thịnh vượng, ông Key Kong Huat cho rằng Việt Nam có thể thay đổi được hình ảnh bên trong và bên ngoài của hệ thống giáo dục nghề ở Việt Nam.
 

Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục nghề đến năm 2015 và 2020 của TP.HCM là tăng qui mô tuyển sinh để đạt tỷ lệ phân luồng hàng năm. Sau THCS sẽ có 30% (khoảng 20.000 học sinh/năm), sau THPT có 60% vào giáo dục nghề nghiệp (16.500 học sinh/năm vào TCCN và 16.500 học sinh/năm vào đào tạo nghề).


Trong các giải pháp của TP.HCM, thực hiện lộ trình thành lập 4 trường TCCN công lập mới theo qui hoạch mạng lưới trường học của thành phố đến 2010 và 2020 tại Q.9, H.Bình Chánh, Củ Chi và Nhà Bè; mở rộng các cơ sở đào tạo ra H.Cần Giờ được chú trọng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, đất đai... để thu hút đầu tư của xã hội (kể cả nước ngoài) cho việc phát triển thêm các trường chuyên nghiệp ngoài công lập theo qui hoạch.

 

Minh Quyên


Nguồn : vietnamnet.vn
 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024923620

TRUY CẬP HÔM NAY: 3795

ĐANG ONLINE: 58