Thị trường lao động cuối năm: Nhiều tín hiệu khả quan


Trong quý III-2017, tình hình lao động việc làm cả nước có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ thất nghiệp giảm, số người có việc làm tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, nỗ lực của Chính phủ trong những tháng cuối năm để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra sẽ góp phần tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp của người lao động.

 

 

Nhu cầu việc làm dự báo sẽ tăng trong những ngày cuối năm.
 
Việc nhiều, lương cao
 
Tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, Quý III-2017, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố nhìn chung ổn định, có tăng nhẹ so với quý trước. Dự báo, tình hình lao động việc làm những tháng cuối năm sẽ có sự thay đổi theo hướng khởi sắc hơn, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn thành phố tăng khoảng 10-15%. 
 
Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, khối thương mại, dịch vụ, marketing, bán hàng… là những ngành nghề tiếp tục có triển vọng việc làm lớn với nhu cầu sử dụng lao động nhiều. Thực tế, các DN đăng ký tuyển dụng lao động tại trung tâm chủ yếu thuộc các nhóm ngành nghề này. Ngoài ra, để chuẩn bị cho cuối năm, nhóm ngành liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh dự kiến cũng có nhiều cơ hội việc làm hơn. 
 
Tại phiên giao dịch việc làm mới đây, rất nhiều chỉ tiêu việc làm được các DN tung ra với mức thu nhập khá hấp dẫn. Trong đó từ 5-7 triệu/tháng, chiếm tỷ lệ cao nhất với 246/626 chỉ tiêu, chiếm 39,2% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định: Kế toán, lễ tân, kinh doanh… Mức thu nhập từ 7 - 15 triệu/ tháng: với 189/626 chỉ tiêu, chiếm 30,1% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của các chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí biên phiên dịch, nhân viên kỹ thuật và công nhân kỹ thuật có tay nghề… Mức thu nhập thỏa thuận với 107/626 chỉ tiêu, chiếm 17,1%.
 
Tại TP Hồ Chí Minh, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết, dự báo nhu cầu nhân lực Quý IV trên địa bàn thành phố sẽ tăng cao. Cụ thể, sẽ cần khoảng 70.000 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm ngành nghề như: Nhân viên kinh doanh- bán hàng; dịch vụ- phục vụ; vận tải- kho bãi- XNK; CNTT; dệt may- giày da; dịch vụ du lịch- nhà hàng- khách sạn; cơ khí- tự động hóa; dịch vụ thông tin tư vấn- chăm sóc khách hàng; kinh doanh tài sản- bất động sản… 
 
“Do nhu cầu tập trung hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, lễ tết và chuẩn bị phát triển năm 2018, nên các DN gia tăng tuyển dụng lao động. Đặc biệt do tính đặc thù mùa vụ nên thị trường tăng nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc thời vụ- bán thời gian” – ông Tuấn cho biết. 
 
Lao động đào tạo nghề có kỹ năng được ưa chuộng
 
Đánh giá về thị trường lao động trong 9 tháng đầu năm và nhu cầu tuyển dụng 3 tháng cuối năm, ông Vũ Quang Thành cho biết: Ngoài bằng cấp là căn cứ cơ bản để tuyển dụng thì nhiều DN cũng đòi hỏi người lao động cần có tay nghề và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ứng tuyển. Tuy nhiên, thực tế người lao động vẫn còn yếu và thiếu về tay nghề nên còn hạn chế trong tìm việc. Đây là lí do tại sao luôn tồn tại nghịch lí là trong khi DN luôn có nhu cầu tuyển dụng, thậm chí rất nhiều chỉ tiêu trống không tìm được lao động, nhưng ngược lại lao động lại thất nghiệp nhiều. 
 
Thực tế báo cáo của Bộ LĐTB&XH cũng cho biết: Trong Quý II,  không phải trình độ chuyên môn càng cao thì thu nhập càng cao, nhóm lao động có trình độ sơ cấp lại có thu nhập bình quân (6,04 triệu đồng) cao hơn nhóm có trình độ trung cấp và cao đẳng. Từ thực trạng trên, ông Thành cho rằng, cần đẩy mạnh sự kết nối giữa DN và trường đào tạo nghề nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, cần định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đào tạo nghề, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng nghề nghiệp cho học sinh như chuyên môn, kỹ năng mềm đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động, năng lực ứng dụng tin học và ngoại ngữ.
 
Cũng theo ông Thành, hiện nay dù sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0 chưa lấn lướt đến tất cả các ngành nghề ở Việt Nam, nhưng tương lai sẽ xuất hiện thêm các ngành nghề mới. Do đó, người lao động cần nâng cao tay nghề và tác phong công nghiệp để có nhiều cơ hội việc làm trong thị trường lao động thời gian tới.
 
Lan Hương
Nguồn:www.daidoanket.vn
 
 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024719981

TRUY CẬP HÔM NAY: 4486

ĐANG ONLINE: 90