Trường TC khó tuyển sinh: Vì sao?


Mặc dù sự nhìn nhận của xã hội về giáo dục nghề nghiệp đã thay đổi tích cực, song việc tuyển sinh của hệ thống trường nghề vẫn còn ì ạch. Đây là ý kiến của một số đại biểu tại Hội nghị các trường TC nghề do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức sáng 25-10.

Đại diện một trường TC nghề chia sẻ khó khăn trong tuyển sinh


Trường tốp trên cũng ngồi… trên lửa

Bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) cho biết đến thời điểm này trường tuyển sinh đạt 95%, hy vọng đến tháng 11 sẽ tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, bà Thủy lo ngại về chất lượng người học vì số học sinh (HS) sau THCS vào trường chiếm 50%, bản lĩnh và khả năng tự chủ trong học tập của HS lớp 9 và HS lớp 12 khác xa nhau, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Cùng quan điểm với bà Thủy, ông Nguyễn Đức Trung (Hiệu trưởng Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh) cho biết: “Năm nào tới mùa tuyển sinh, chúng tôi như ngồi… trên lửa bởi tâm lý phụ huynh nào cũng muốn con vào ĐH. HS bậc THCS học nghề ra trường chỉ mới 16-17 tuổi (học TC), không nơi nào nhận vào làm việc”.

Ở góc độ khác, đại diện Trường TC Du Lịch và Khách sạn Saigontourist cho rằng điểm sáng của mùa tuyển sinh năm nay là số SV đã và đang học ĐH xuống học TC khá nhiều. Đây là những SV có vốn ngoại ngữ tốt và trưởng thành trong tư duy. Tuy nhiên, số HS còn lại trình độ ngoại ngữ rất hạn chế, khó phân lớp để các em theo kịp; trong khi đơn đặt hàng đào tạo nhiều nhưng ngoại ngữ không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Tương tự, ông Nguyễn Trí Dũng (Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật Nghiệp vụ Nam Sài Gòn) cũng lo lắng vì hiện nay một số bệnh viện không tuyển trình độ TC ở nhóm ngành sức khỏe. Đây cũng là lý do người học nhóm ngành này giảm đáng kể trong mùa tuyển sinh năm nay. Một khó khăn nữa mà các trường TC gặp phải, theo ông Dũng là đưa HS vào doanh nghiệp thực tập rất khó, trừ trường hợp có phụ huynh, lãnh đạo nhà trường quen biết tạo điều kiện.

Mức cấp bù học phí không đủ chi phí đào tạo

Ông Hoàng Đức Long (Hiệu trưởng Trường TC Nguyễn Tất Thành) cho rằng mức cấp bù học phí của Nhà nước cho đối tượng HS sau THCS học nghề không đủ chi phí đào tạo. Một khó khăn nữa là hiện nay, các trường nghề muốn vào trường phổ thông để hướng nghiệp không dễ, đặc biệt là các trường THCS, vì vậy cần có chiến lược tuyển sinh căn cơ. 

Giải pháp khắc phục

Để nâng cao vị thế của trường nghề, ông Nguyễn Đức Trung đề xuất Bộ LĐ-TB&XH cần có những chính sách ưu tiên số 1 cho trường TC nghề, xây dựng hình ảnh trường nghề như thế nào để xã hội thấy rằng đi học nghề là mơ ước của nhiều người.

Theo ông Nguyễn Phan Hòa (Hiệu trưởng Trường TC Nhân Đạo), nguyên nhân khó tuyển sinh ở các trường TC nghề là công tác phân luồng chưa thực hiện tốt, vì vậy cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt là cần có lực lượng hướng nghiệp chuyên nghiệp, đúng nghĩa hướng nghiệp chứ không phải đi chiêu sinh là chính. Ngoài ra, trong công tác phân luồng, cần ghi rõ chỉ tiêu tối đa HS vào bậc THPT là 80% chứ không ghi chỉ tiêu 80%, điều này các trường sẽ phấn đấu vượt chỉ tiêu thì không còn HS vào TC. “Quy hoạch trường công theo địa bàn dân cư, theo nhu cầu từng địa phương chứ không theo địa giới hành chính như lâu nay. Khi các trường dần tự chủ tài chính, một số trường không kham nổi sẽ rơi rụng dần, đây cũng là cơ hội để gom lại thành một đầu mối, không đầu tư các nghề mà tư nhân có thể làm được”, ông Hòa gợi ý.

Trước bối cảnh công tác tuyển sinh ở các trường TC nghề khó khăn như hiện nay, ông Lê Minh Tấn (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) đề nghị các trường tập trung đào tạo 21 ngành nghề trong 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TP và 9 ngành dịch vụ chuyển dịch lao động thị trường ASEAN, đồng thời hướng đến tự chủ tài chính để phát triển tốt hơn.

Theo T.Tri

Nguồn:  http://www.giaoduc.edu.vn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024716129

TRUY CẬP HÔM NAY: 622

ĐANG ONLINE: 85