TIẾN SỸ LÊ HẢI THANH : NHU CẦU NHÂN LỰC NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI


28 trường ĐH và CĐ có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội (CTXH) thì chỉ có 1 tiến sĩ, 30 thạc sĩ đúng chuyên ngành CTXH. Và trung bình mỗi cơ sở đào tạo chỉ có 1 thạc sĩ. Thế nhưng, theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, Việt Nam cần tới hàng vạn nhân viên CTXH trong những năm tới.
 

Tiến sĩ Lê Hải Thanh, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho biết số liệu này ông cập nhật mới từ thống kê tuyển sinh và đào tạo và đưa ra tại hội thảo giáo dục ngành công tác xã hội (CTXH) ở Việt Nam do ĐHQG Hà Nội tổ chức ngày 28/11.

 

Mô tả ảnh.
TS Lê Hải Thanh phát biểu tại hội nghị.

PGS, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cũng nêu thực tế: số giảng viên chuyên nghiệp quá ít, hầu hết từ các ngành khác chuyển sang, nên không đảm bảo chất lượng…

"Quá ít", đó là nhận xét của thạc sĩ Nguyễn Tấn Tài, Trưởng Bộ môn Phát triển cộng đồng ĐH Đà Lạt về số lượng giảng viên CTXH cơ hữu có thâm niên và bằng cấp. Hơn nữa, những chuyên gia được đào tạo chính quy và có kinh nghiệm thì quá bận với công việc tại các cơ quan ban ngành. Trong khi đó, số trường mời giảng dạy lại quá đông, thù lao kém hấp dẫn.

Bởi vậy, các cơ sở đào tạo CTXH hiện nay buộc phải thu nhận giảng viên các cử nhân tốt nghiệp 3 khoá gần đây (khoảng 30 người), còn trẻ và đang quá tải vì phải dạy nhiều môn. Ngoài ra, là từ các ngành kế cận như: Tâm lý học, Xã hội học..

Bên cạnh đó, nhiều trường đã huy động giảng viên các ngành KHXH khác để giảng dạy dẫn đến hệ quả: giáo viên chỉ đọc giáo trình trước sinh viên.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thì cần xây dựng cỗ "máy cái" để tạo nguồn giảng viên CTXH.

PGS.TS Nguyễn Thị Lộc tính toán, nếu theo tỷ lệ 1 nhân viên CTXH/10.000 dân thì trong vòng 10 năm tới, Việt Nam cần khoảng 15.000 nhân viên.

Và đến năm 2020, cần trên 20.000 cán bộ, nhân viên CTXH có trình độ ĐH, CĐ, chưa kể đội ngũ bán chuyên nghiệp.

 

"Chương trình đào tạo CTXH của các trường hiện nay bắt buộc phải dựa vào chương trình khung của Bộ ban hành năm 2004. Đó là 70% số tín chỉ do Bộ thiết kế (phần cứng), còn lại 30% (phần mềm) do các cơ sở đào tạo thiết kế. Điều này nảy sinh bất cập: nặng về lý thuyết, ít thực hành và hầu như không có đào tạo kỹ năng; chưa đáp ứng nhu cầu của sự phát triển xã hội..." - TS Lê Hải Thanh

 

Kiều Oanh
 
Theo Vietnamnet

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024723583

TRUY CẬP HÔM NAY: 8266

ĐANG ONLINE: 24