Cách mạng công nghiệp 4.0: Học gì để không thất nghiệp?


(svvn.vn) Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang “sáp nhập” hai thế giới: Thực và ảo. Điều này đặt ra thách thức lớn, buộc các trường đại học phải thay đổi giáo trình và phương pháp đào tạo để sinh viên thích ứng được với thời cuộc.

 

Robot thay thế con người

 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ thông qua các công nghệ như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, thế giới thực đang dần bị chuyển hóa thành thế giới số. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM cho biết, những công việc lặp đi lặp lại nhiều sẽ mất an toàn nhất. Điển hình là các công việc văn phòng thông thường sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đó là những công việc không cần bằng cấp mà chỉ cần dựa trên các quy trình chuẩn. Cách thức tự động hóa các công việc đó khá đơn giản và cắt giảm rất nhiều chi phí, không chỉ bằng máy móc mà còn bằng các thuật toán. Nhiều việc làm trong tương lai có thể sẽ bị những cảm biến do máy tính điều khiển thay thế. Công việc này sẽ được nối mạng với các nhà máy và các nhà cung cấp phụ tùng trên toàn cầu. Theo đó, sẽ tự động xác định khi nào cần phụ tùng và ở đâu cần, sau đó tự sắp xếp, vận chuyển. “Một số ngành nghề sẽ biến mất hoàn toàn. Xe tự lái có thể khiến hơn 3 triệu lái xe ở Mỹ mất việc và 5 triệu người làm việc trong các quán ăn, trạm xăng và nhà nghỉ có thể sẽ bị robot thay thế”, ông Tuấn nói.

 

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cho biết thêm, chủ đề tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm nóng nhiều diễn đàn quốc tế trong thời gian gần đây. Giới chuyên môn phải thừa nhận rằng, công nghệ đang làm chủ thế giới và robot đang dần thay thế công việc của con người, thậm chí, sự thay thế này còn rất hiệu quả. Có một số diễn đàn ước tính, sẽ có khoảng 70% – 80% công việc hiện nay biến mất trong 20 năm tới. Không điều gì chắc chắn rằng, công việc, ngành nghề sinh viên đang học sẽ còn được tuyển dụng trong tương lai. “Kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo làm thay đổi cuộc sống. Google sẽ phủ sóng Wi-Fi toàn thế giới giúp sự giao tiếp giữa con người với thế giới ảo nhanh chóng. Xe chạy đã không cần đến tài xế, nhiều nhà máy trên thế giới chỉ có robot làm việc… Nhìn vào thực tế này, ngành chế tạo ra robot như Cơ điện tử sẽ trở nên “hot”. Nhóm ngành Công nghệ sẽ dẫn đầu xu hướng, như: Công nghệ thông tin, Công nghệ Vật liệu nano, Năng lượng, Logistics, Kỹ thuật Y sinh…”, ông Dũng nói.

 

Học nhóm ngành Công nghệ, Kỹ thuật Điện tử sẽ có nhiều lợi thế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cũng cho rằng, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động đang phải đối mặt nguy cơ thất nghiệp từ việc ứng dụng công nghệ vào các mặt của đời sống, đặc biệt, với công nghệ robot, trí tuệ nhân tạo, một số ngành nghề và vị trí việc làm sẽ gặp nguy cơ rất lớn. Trong tương lai, những ngành nghề đòi hỏi nhiều lao động tay chân, như gia công may mặc, lắp ráp máy móc… dần sẽ được thay thế bởi robot. Theo ông Sơn, ngoài nhóm ngành Công nghệ thì nhóm ngành Dịch vụ, như: Du lịch, Nhà hàng Khách sạn; nhóm ngành Thiết kế sáng tạo; nhóm ngành Dinh dưỡng và Ẩm thực; nhóm ngành Điện tử, Cơ khí, Tự động hóa; nhóm ngành Quản lý, Quản trị; nhóm ngành Công nghệ chế biến… là những ngành mà robot, máy móc không thể thay thế con người hoàn toàn, chỉ là công cụ bổ trợ để hiệu quả hơn.

 

Trường đại học 4.0, giáo dục 4.0

 

Ông Lê Trọng Hùng, Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ GD – ĐT đánh giá, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư khiến giáo dục đại học bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn. Trong đó, sự xuất hiện của các công nghệ mới làm thay đổi nền tảng sản xuất, đã đặt ra những yêu cầu mới về năng lực nhân sự, từ đó, đòi hỏi các trường đại học phải thay đổi chương trình đào tạo để đáp ứng được yêu cầu của nền công nghiệp 4.0. Đặc biệt, tiến bộ công nghệ thông tin cũng làm xuất hiện những loại hình đào tạo mới. Hệ thống đào tạo trực tuyến đại chúng, đào tạo “online”… là những loại hình đào tạo mới thách thức các phương thức đào tạo truyền thống. “Những thách thức này đặt ra yêu cầu các trường đại học phải đẩy mạnh nghiên cứu, một mặt phát triển các công nghệ mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0, một mặt phải tự thay đổi để phù hợp với nền công nghiệp mới”, ông Hùng nói.

 

Gottfried Vossen, trường ĐH Münster (Đức) cho rằng, trường đại học 4.0 là một trong nhiều thuật ngữ hiện đại. Vì sự phát triển quá nhanh của công nghệ, đã dẫn đến một số thách thức trong quá trình giáo dục. Trong đó, ghi chú không còn là phương pháp chủ đạo trong việc học nữa. Đọc sách cũng không còn nhận được nhiều quan tâm. Việc có mặt tại lớp học không còn là lựa chọn duy nhất của sinh viên… “Sự phát triển quá nhanh của công nghệ đã dẫn đến một số khó khăn trong quá trình giáo dục, như: Tất cả mọi người, không chỉ sinh viên, đều có nhiều nguồn thông tin, dễ bị nhiễu thông tin… Những điều sinh viên ngày nay học, thực sự không tồn tại mãi trong quá trình làm việc sau này của các bạn. Thậm chí, những kiến thức học ở trường không thực sự hữu ích cho con đường sự nghiệp của sinh viên”, GS. Gottfried Vossen chia sẻ.

 

Theo GS. Gottfried Vossen, để xây dựng và triển khai giáo dục đại học 4.0, các trường cần phải liên tục suy nghĩ về phương pháp tiếp cận việc dạy học để tìm ra những điểm hạn chế và liên tục cải thiện. Liên tục theo dõi, quan sát phản hồi, thái độ của sinh viên về việc học tập và phải thử nghiệm những công nghệ mới. Có nhiều hình thức học tập mới, thời gian và địa điểm học tập không bị ràng buộc, cung cấp nhiều kỹ năng phù hợp hơn cho sinh viên…

 

PGS. TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành lo lắng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt giáo dục đại học trước nhiều thách thức rất lớn. Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các trường đại học đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới, đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải. “Trường đã tổ chức nhiều hội thảo về chủ đề này để tìm hiểu về mô hình giáo dục đại học 4.0, các đặc tính của nó, việc áp dụng trên thế giới, khả năng áp dụng tại Việt Nam và từ đó, đề xuất phương hướng triển khai ở nước ta. Đây cũng là dịp để các nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ về tầm nhìn để định hình nên một nền giáo dục hiện đại cho thế kỷ 21. Giáo dục 4.0 là nền giáo dục được sinh ra nhằm đáp ứng cho nhu cầu thị trường nền công nghiệp 4.0. Cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực như Internet, mạng xã hội, dữ liệu khổng lồ, di động, trí khôn nhân tạo và robot… đã tạo ra những thay đổi vô cùng lớn trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội, làm thay đổi  rất nhiều về cuộc sống chúng ta. Giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động này nhanh hơn cả, bởi chính giáo dục sẽ tạo ra những phiên bản mới của các cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo”, ông Hùng nói.

 

QUẾ SƠN

 

ROBOT KHÓ THAY THẾ TRONG LĨNH VỰC XÃ HỘI – NHÂN VĂN

 

PGS. TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc điều hành trường ĐH Văn Hiến cho rằng, lĩnh vực xã hội – nhân văn khó có thể thay thế bởi máy móc không thể thay con người trong việc lên ý tưởng sáng tạo, đánh giá các hiện tượng xã hội, hoặc tư vấn tâm lý, giải tỏa khúc mắc cho con người… Ở nhóm ngành Kinh tế, robot cũng chỉ thay thế được một vài vị trí, như bán hàng, vận chuyển… nhưng ở cấp quản lý, điều hành, hoạch định chiến lược thì đòi hỏi phải có bộ óc và bàn tay con người điều tiết. “Nói vậy không có nghĩa các bạn học ngành này sẽ yên tâm không lo thất nghiệp, không gặp cạnh tranh. Trong xã hội mà Internet có thể làm thay đổi mọi thứ, người lao động phải luôn làm mới mình, như làm chủ công nghệ, thạo ngoại ngữ… để không bị đào thải, chất lượng công việc tốt hơn”, ông Đức nói.

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024866542

TRUY CẬP HÔM NAY: 4741

ĐANG ONLINE: 19