Lạc quan về cách mạng công nghiệp 4.0


Trong thời đại bùng nổ cách mạng công nghiệp 4.0, các nhà máy thông minh, tự động hóa, robot được cảnh báo sẽ làm gia tăng nguy cơ mất việc làm, thất nghiệp... Thế nhưng, với những góc nhìn khác, nhiều ý kiến khẳng định cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm phong phú hơn, hấp dẫn hơn cho người lao động, từ lao động phổ thông đến lao động cao cấp. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với các chuyên gia kinh tế, chuyên gia lao động xung quanh vấn đề này.  
 

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế: Nhiều “chiếc bánh mới” hấp dẫn

 

PV: Có nhiều thông tin cho rằng, công nghiệp 4.0 (CN 4.0) sẽ tác động rất lớn tới thị trường lao động Việt Nam, hàng triệu lao động phổ thông sẽ rơi vào tình trạng mất việc... Sự thật có đáng lo ngại như vậy không, thưa tiến sĩ?

 

lac quan ve cach mang cong nghiep 40

TS Đinh thế Hiển: Tôi cho rằng, đó chỉ là những lo lắng chủ quan. Công nhân Việt Nam hiện tại nếu tính độ tuổi từ 30 trở xuống thì có khoảng trên 50% có trình độ học vấn, ít nhất là lớp 9, kể cả ở vùng quê. 5 năm tới, công nhân có trình độ lớp 12 sẽ chiếm đa số. Như vậy, CN 4.0 đem lại nhiều cơ hội hơn cho họ chứ không phải làm mất đi việc làm của họ.

 

Ví dụ cụ thể nhất là bán hàng online. Ngày xưa, nếu muốn bán hàng thì phải mở một cửa hàng với nhiều chi phí, từ mặt bằng, trang trí, nhân công... Còn bây giờ, người bán chỉ cần chọn sản phẩm tốt, đăng lên mạng là có thể kinh doanh rồi. Thậm chí, người nào có chút sáng tạo trong tiếp thị sản phẩm thì sẽ kinh doanh rất tốt, tốt hơn cả ở những cửa hàng cố định. Hay một người nấu ăn giỏi, họ giới thiệu các món ăn trên mạng để khách đặt hàng, chỉ nửa giờ sau là có. Mọi giao dịch rất nhẹ nhàng nhờ smarphone, có tương tác hình ảnh, video... Đó chính là tiện ích mà CN 4.0 mang lại.

 

CN 4.0 tạo ra nguồn việc làm, dịch vụ mới phong phú hơn, nhiều hơn so với những việc làm mà chúng ta lo sợ sẽ mất đi. CN 4.0 nếu làm người lao động mất đi miếng bánh này thì sẽ mang lại miếng bánh khác ngon hơn.

Như vậy, chính CN 4.0 đã và đang tạo cho người lao động nhiều lựa chọn công việc hơn thay vì chỉ làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp với đồng lương nhiều khi không đủ bảo đảm những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. CN 4.0 tạo ra nguồn việc làm, dịch vụ mới phong phú hơn, nhiều hơn so với những việc làm mà chúng ta lo sợ sẽ mất đi.

 

Tóm lại, CN 4.0 nếu làm người lao động mất đi miếng bánh này thì sẽ có miếng bánh khác ngon hơn.

 

PV: Nhưng chúng ta cũng không thể phớt lờ cảnh báo rằng, sẽ có một số lượng lớn lao động chân tay trong các khu công nghiệp bị thay thế bởi máy móc hiện đại, tự động hóa?

 

TS Đinh thế Hiển: Đó cũng là một lo lắng không cần thiết. Như Việt Nam và Mỹ, nước nào có ngành công nghiệp cao hơn? Tất nhiên là Mỹ. Vậy ở Mỹ có lao động chân tay không? Tất nhiên là có, điển hình nhất là nghề làm nail, không những không mất đi mà còn phát triển mạnh hơn. Có nghĩa là, ngay cả ở những nước có khoa học công nghệ phát triển bậc nhất thì vẫn có những công việc chân tay, bảo đảm người lao động ít trình độ nhất vẫn đủ sống, thậm chí là sống khỏe, với điều kiện biết siêng năng. Rồi người làm giúp việc theo giờ, có thể họ sẽ sử dụng những công cụ hiện đại như máy rửa bát, máy lau nhà... chứ không hoàn toàn bằng chân tay như trước nữa.

 

Vậy, sự phát triển có thể làm mất đi công việc này nhưng sẽ làm xuất hiện công việc mới. Và lao động phổ thông luôn luôn cần, dù trong môi trường nào. Nên nhớ rằng, một xã hội dịch vụ phát triển khi một xã hội công nghiệp phát triển. Tại sao du lịch phát triển, tại sao xuất hiện những resort cao cấp? Đó là do nền kinh tế phát triển, người lao động có thu nhập cao, nhu cầu du lịch cao. Và khi đó, cần một lượng lao động phổ thông rất lớn để phục vụ du lịch.

 

lac quan ve cach mang cong nghiep 40

 

Có nghĩa là, cách mạng CN 4.0 sẽ tác động tích cực tới mọi thành phần lao động. Lao động có trình độ, sáng tạo, nắm bắt công nghệ, nắm bắt cơ hội thì sẽ tạo ra những mô hình công việc mới và càng giàu lên. Còn những người không có năng lực đó thì CN 4.0 vẫn mang lại cho họ những cơ hội việc làm mới, hấp dẫn hơn.

 

PV: Việc đào tạo lại kiến thức, kỹ năng để người lao động có thể đáp ứng yêu cầu của CN 4.0 rất khó khăn. Tiến sĩ nghĩ sao về việc này?

 

TS Đinh thế Hiển: Chính vì lâu nay người ta đặt ra yêu cầu về người lao động như vậy nên mới làm nảy sinh tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều. Chúng ta hay than phiền công nhân Việt Nam là không đủ trình độ làm việc. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, có những người đi Mỹ, đi Nhật, họ không trình độ, không bằng cấp nhưng vẫn vào làm việc trong công ty nào đó.

 

Với công nhân, chỉ cần qua đào tạo phổ thông là có thể bước vào CN 4.0. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, học phổ thông là học tập nhằm trang bị những kiến thức cơ bản nhất để ra đời làm việc chứ không phải học để luyện thi đại học như quan niệm hiện nay. Còn với ai muốn làm giỏi hơn, vị trí cao hơn thì sẽ học lên tiếp.

 

Với những người sáng tạo doanh nghiệp ứng dụng CN 4.0 nhằm gia tăng giá trị gia tăng, đó lại là nhóm người khác. Họ không yêu cầu người lao động làm việc đó thay cho họ. Trong khi đó thì chúng ta lại làm ngược lại, yêu cầu người lao động phải học này, học kia để đáp ứng yêu cầu công việc. Sau khi vào công ty làm việc, tùy đặc thù công việc của từng công ty mà người ta sẽ có khóa đào tạo cho người lao động làm việc đó. Đó là việc của công ty chứ không phải của xã hội, của ngành giáo dục. Còn trong quá trình làm việc, yêu thích ngành nghề mình đang làm thì đầu tư học nâng cao hơn. Đó là nhu cầu thực tế của mỗi người. Khi việc học xuất phát từ nhu cầu thực tế thì khi đó, kiến thức mới được ứng dụng hiệu quả.

 

Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP HCM: Tất cả đều do con người quyết định

 

PV: Theo ông, CN 4.0 có tác động thế nào tới thị trường lao động nước ta?

 

lac quan ve cach mang cong nghiep 40

Ông Trần Anh Tuấn: Theo khảo sát cho thấy, trong nền CN 4.0, lĩnh vực được xác định sẽ tăng nhu cầu lao động là phân tích dữ liệu, bán hàng chuyên nghiệp và loại nguồn nhân lực mới cũng như các chuyên gia liên quan đến vật liệu, hóa sinh, công nghệ nano và robot. Còn các lĩnh vực chịu thất nghiệp dự kiến là năng lượng, dịch vụ tài chính…

 

Có thể thấy, công nghiệp 4.0 đã mang đến những thay đổi và định hướng mới không chỉ đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà trong cả trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam. Thói quen sính bằng cấp, chọn trường uy tín để học hay bảng điểm cao sẽ bị thay đổi trong công nghiệp 4.0. Thay vào đó, nguồn lao động có trí tuệ, có kỹ năng và biết ứng dụng công nghệ vào công việc thì sẽ thành công. Ngược lại, nhóm đối tượng không có kỹ năng, không thể ứng dụng công nghệ vào công việc thì vẫn có thể trở thành đối tượng lao động phục vụ cho nhóm đối tượng ứng dụng thành tựu của nền công nghiệp 4.0.

 

Thói quen sính bằng cấp, chọn trường uy tín để học hay bảng điểm cao sẽ bị thay đổi trong CN 4.0. Thay vào đó, nguồn lao động có trí tuệ, có kỹ năng và biết ứng dụng công nghệ vào công việc thì sẽ thành công.

lac quan ve cach mang cong nghiep 40

 

Như vậy, những ý kiến lo ngại công nghiệp 4.0 ở Việt Nam sẽ phá vỡ thị trường lao động, gây thất nghiệp, phân hóa giàu nghèo... là góc nhìn chưa thỏa đáng.

 

PV: Còn với doanh nghiệp thì sao, thưa ông?

 

Ông Trần Anh Tuấn: Cách mạng CN 4.0 sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp như thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, mô hình tổ chức, mô thức quản trị, văn hóa kinh doanh, loại hình doanh nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp phải có chiến lược quản lý sự thay đổi. Những thách thức đó đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi và đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin, yêu cầu nguồn vốn đầu tư và giải pháp đầu tư tối ưu.

 

Kế đến là thách thức về nguồn nhân lực, đó là cắt giảm và sàng lọc nhân sự, là vấn đề chuyên gia công nghệ thông tin thiếu và yếu, dịch chuyển lao động lớn và nhanh hơn... Cụ thể hơn, các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc, đặc biệt là các vị trí có liên quan trực tiếp đến nghiên cứu phát triển, thiết kế sản xuất sản phẩm... Điều đó tạo nên sức ép yêu cầu người lao động phải có nhiều thay đổi để ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa vào hoạt động sản xuất - kinh doanh một cách hiệu quả; nhưng đồng thời đó cũng là cơ hội đối với các trường đào tạo nhân lực của Việt Nam trong tương lai gần.

 

CN 4.0 đều do con người làm ra và quyết định. Kể cả robot thông minh đến mấy, được trang bị trí tuệ nhân tạo bao nhiêu thì con người là cốt lõi, không thể thay thế được. Vì vậy, người lao động buộc phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng mới, đặc biệt là công nghệ thông tin.

 

Cảnh báo Việt Nam sẽ mất 5 triệu việc làm vào năm 2020 do công nghiệp 4.0

 

Trong hai thập niên tới, khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc.

 

Đó là kết quả của một nghiên cứu do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố mới đây. Nghiên cứu của ILO chỉ ra, dệt may, da giày hiện đang là các ngành thâm dụng lao động nhiều nhất tại các quốc gia như Indonesia, Việt Nam và Campuchia. Trong đó 86% công nhân ngành dệt may của Việt Nam, 64% của Indonesia và 88% công nhân của Campuchia sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm bởi xu thế tự động hóa.

 

Một số ngành khác như xây dựng, công nghiệp chế biến, kỹ thuật cơ giới... thì tương lai nhân lực robot sẽ dần thay thế đa số những việc làm của lao động giản đơn.

 

Theo quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2025-2030, TP Hồ Chí Minh chú trọng phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao nhằm bảo đảm nhu cầu lao động chất lượng cao cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất - nhựa cao su) và 9 nhóm ngành dịch vụ (tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; giáo dục - đào tạo; du lịch; y tế; kinh doanh bất động sản; dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và phát triển; thương mại; dịch vụ vận tải - kho bãi - cảng; dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin).

 

Từ nay đến năm 2025, hằng năm thành phố có khoảng 280.000 việc làm. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ trung cấp chiếm 35%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 20%, cao đẳng chiếm 15%, đại học chiếm 13%, trên đại học chiếm 2%.

Lê Trúc (thực hiện)

Nguồn: http://petrotimes.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024708438

TRUY CẬP HÔM NAY: 13114

ĐANG ONLINE: 99