Nghiên cứu khoa học để nâng chất lượng nguồn nhân lực


Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã thành lập được một năm nhưng nhiều sinh viên còn rất mù mờ nên sẽ khó cạnh tranh với nguồn nhân lực từ các nước trong khu vực. Do đó, cần phải tăng cường nạp thông tin và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong trường đại học.

 “CHƯA NGHE NÓI”


Một khảo sát từ nhóm của ThS Nguyễn Thị Thu Trang, trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP. HCM trên sinh viên TP. HCM đang theo học ở 8 ngành nghề được luân chuyển tự do trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, như: Nha khoa, Điều dưỡng, Kỹ thuật, Xây dựng, Du lịch, Kiến trúc, Khảo sát, Kế toán và một số ngành khác cho thấy, có tới 75% sinh viên không biết về việc 8 ngành nghề được tự do di chuyển lao động trong khu vực. “Đây là kết quả khá bi quan vì sinh viên không quan tâm đến thời điểm Việt Nam gia nhập AEC. Điều này sẽ khiến các bạn khó cạnh tranh với lao động từ các nước ASEAN khi họ vào Việt Nam tìm kiếm việc làm”, bà Hằng nói.

Vào ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã chính thức được thành lập. Từ đây, việc lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nội bộ các nước ASEAN sẽ trở nên thông thoáng hơn. Đặc biệt là việc lưu chuyển lao động trong khu vực được mở ra cho mọi quốc gia thành viên. Theo đó, Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn lao động có kỹ năng cao giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN. Đồng thời, lao động Việt Nam có cơ hội tìm kiếm việc làm ở các quốc gia phát triển, như Singapore, Thái Lan…

Khảo sát khác được thực hiện bởi ThS Nguyễn Thị Thu Hằng và ThS Nguyễn Chí Nguyên, trường ĐH Tài chính – Marketing trên sinh viên ngành Du lịch của các trường: ĐH Hoa Sen, ĐH Văn Hiến, ĐH Tài chính – Marketing cho thấy, số sinh viên chưa nắm bắt thông tin về Cộng đồng Kinh tế ASEAN là gần 24%. Điều này dẫn đến sinh viên ra trường khó cạnh tranh với lao động cùng ngành trong khối ASEAN. Trong gần 24% sinh viên không biết về AEC thì gần 80% vẫn đang tập trung rèn luyện kỹ năng, ngoại ngữ, nghiệp vụ chuyên môn. “Có nghĩa, các bạn vẫn nhận thức được kỹ năng nghề nghiệp và ngoại ngữ khi tốt nghiệp. Điều này đáng mừng nhưng nếu không nhận thức rõ về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, có nguy cơ sinh viên trang bị kiến thức, kỹ năng chưa thực sự phù hợp cho bối cảnh hội nhập”, ông Nguyên nói.

ThS Nguyễn Thị Cẩm Tiên, trường ĐH Ngân hàng TP. HCM cho biết thêm, nhiều sinh viên của trường chưa hình dung được AEC là như thế nào và bản thân phải chuẩn bị những gì, cũng chưa nghĩ đến chuyện sẽ làm việc ở các quốc gia khác. Theo bà Tiên, việc vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN nhưng không chuẩn bị tâm thế, chắc chắn sẽ mất chỗ đứng.




Sinh viên các nước trong khu vực ASEAN thi tìm hiểu về quá trình hình thành AEC.


Trong khi đó, một khảo sát trên một mẫu gồm 240 sinh viên của 5 trường đại học, cao đẳng tại TP. HCM gồm: ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM), ĐH Kinh tế TP. HCM, ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM), CĐ Kinh tế Đối ngoại, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, đại diện cho ba khối ngành là Kinh tế, Kỹ thuật và KHXH cũng cho thấy kết quả khá buồn. Có tới 72% số sinh viên được hỏi cho biết có nghe nói đến AEC. Trong đó, sinh viên khối ngành KHXH có tỷ lệ cao nhất, với 81%, còn sinh viên khối ngành Kỹ thuật chỉ có 65,5%. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 1/3 sinh viên không biết đến AEC. Đối với những vấn đề được sinh viên quan tâm về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, trong số 72% có biết đến AEC thì có 80,7% cho biết họ quan tâm đến việc thị trường lao động được rộng mở, có nhiều cơ hội việc làm và 54,4% cho biết họ quan tâm đến việc lưu chuyển tự do nguồn lao động có tay nghề. “Phần lớn sinh viên đều quan tâm đến vấn đề việc làm trong AEC. Đây là điều hoàn toàn dễ  hiểu, vì việc làm luôn là sự quan tâm của giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng”, báo cáo viết.

Bên cạnh sự quan tâm đến việc làm, các sinh viên trả lời khảo sát cũng đã nhìn nhận nhiều cơ hội từ AEC. Trong đó, có 71,5% số sinh viên cho rằng, AEC sẽ giúp các bạn có điều kiện trong việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế. 64,4% cho rằng, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ mang lại cho họ cơ hội có thể làm việc trong môi trường năng động và chuyên nghiệp. Cuối cùng là cộng đồng này sẽ giúp sinh viên nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn ở các thị trường trong khu vực. Hai thách thức lớn nhất khi tham gia AEC mà sinh viên nhìn nhận, đó là yêu cầu cao về ngoại ngữ và phải cạnh tranh với lao động nước ngoài. Số sinh viên chọn công việc đòi hỏi chuyên môn cao cũng chiếm tới 73,8%.

 PHẢI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM cho rằng, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, Cộng đồng Kinh tế ASEAN thì không gian thị trường lao động trở nên sôi động hơn. Lao động được tự do di chuyển, mở ra nhiều cơ hội việc làm đặc biệt cho lao động có kỹ năng, ngoại ngữ. Sự tự do di chuyển lao động cũng sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, nhất là nguồn cung lao động có kỹ năng và trình độ cao. Dòng dịch chuyển lao động có trình độ cao của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao đối với thị trường lao động trong nước. Do vậy, cần thúc đẩy đào tạo một đội ngũ tay nghề cao, tiếp cận công nghệ hiện đại và được quốc tế công nhận. “Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người lao động trẻ phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, người lao động cần trang bị các kỹ năng mềm khác, như làm việc nhóm, khả năng thích nghi với cường độ làm việc cao, khả năng thích nghi với những khác biệt về văn hóa”, ông Tuấn nhấn mạnh.

ThS Nguyễn Thị Thu Trang đặt vấn đề, phải tăng cường các kênh cung cấp thông tin về Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ phía nhà trường và các đơn vị liên quan để sinh viên nắm bắt kịp thời. Vì nhận thức hạn chế sẽ khiến các bạn khó tận dụng được cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, nơi làm việc, lưu chuyển lao động… trong AEC. “TP. HCM cần đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nhất là về lao động có kỹ năng cao, những tiêu chuẩn cụ thể được các nước ASEAN công bố và áp dụng… Chú trọng phát triển kỹ năng, bồi dưỡng ngoại ngữ… để lao động Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng phạm vi làm việc ra toàn khu vực”, bà Trang nói.

Trong khi đó, anh Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành Đoàn TP. HCM cho biết, hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học sẽ giúp các bạn có thêm năng lực về mặt tư duy trong giải quyết vấn đề của công việc. Từ đó, năng lực làm việc, giải quyết công việc của các bạn sẽ tốt hơn khi tham gia vào thị trường lao động lớn giữa các nước. Những kỹ năng, khả năng hội nhập được thể hiện bằng chất lượng nhân lực khi thị trường lao động sẽ được tự do luân chuyển giữa các nước thành viên trong AEC. “Quá trình nghiên cứu khoa học sẽ giúp các bạn rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tư duy độc lập, giải quyết vấn đề mới. Khi các bạn tham gia vào thị trường lao động, gặp các vấn đề mới, những kỹ năng đó sẽ hỗ trợ cho công việc. Đó là những nền tảng rất tốt để nâng cao chất lượng nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, anh Thành chia sẻ.

QUẾ SƠN (svvn.vn)

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024875532

TRUY CẬP HÔM NAY: 566

ĐANG ONLINE: 15