TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ ĐẾN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM


BBT trân trọng giới thiệu bài tham luận của Bố Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo khoa học quốc tế “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam”

 

TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ ĐẾN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM

SOCIO-ECONOMIC EFFECTS OF
THE FOURTH INDUSTRIAL REVOLUTION ON VIETNAM

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Minstry of Planning and Investment

 

Tóm tắt:

 

Những Thách thức đối với Việt Nam: (i) Thách thức trong lĩnh vực giải quyết việc làm: Với sự mở rộng ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa. Các hệ thống robot có trí thông minh nhân tạo sẽ thay thế con người trong nhiều công đoạn hoặc trong toàn bộ dây chuyền sản xuất nhất là trong những ngành sử dụng nhiều lao động. Đây là một trong những thách thức lớn nhất, bởi chuyển dịch cơ cấu lao động trong gần 20 năm qua của Việt Nam rất chậm và chậm hơn nhiều nếu so với chuyển dịch cơ cấu GDP. (ii) Nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn dựa nhiều vào các ngành thâm dụng lao động giá rẻ. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của kinh tế tri thức, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực sáng tạo mới là lợi thế. Hơn thế, các công nghệ hiện đại châm ngòi cho cuộc cách mạng mới trong nhiều ngành trong nền kinh tế thế giới như công nghệ in 3D, robot và tự động hóa lại sử dụng rất ít nhân công.(iii)Thách thức về quản trị nhà nước cũng là một trong những thách thức lớn nhất đối với nước ta. Bên cạnh đó những thách thức về an ninh phi truyền thống sẽ tạo ra áp lực lớn nếu Nhà nước không đủ trình độ về công nghệ và kỹ năng quản lý để ứng phó.Các nước công nghiệp mới nổi và nhiều nước đang phát triển đều cạnh tranh quyết liệt, tìm cách thu hút, họp tác để có đầu tư, chuyển giao công nghệ, nhanh chóng ứng dụng những thành tựu công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đem lại để giành lợi thế phát triển. Áp lực lớn cho Việt Nam về sự tỉnh táo trong hội nhập, hợp tác quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường nhất là thị trường khoa học công nghệ, cải thiện đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, tích lũy đầu tư để thu hút chuyển giao, ứng dụng nhanh những thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển nền kinh tế.

 

Abstract

 

Vietnam is facing the following challenges: (i) Challenges in job creation: With the expansion of the application of information technology, control and automation achievements, the system of robots with artificial intelligence will replace human beings in several stages or in the entire production line, especially in labor-intensive industries. This is considered one of the biggest challenges as Vietnam's labor restructuring over past 20 years has beenvery slow and much slower when compared to GDP – economic sectorrestructuring; (ii) Vietnam economy's dependenceon laboour-intensiveindustries with cheap labor cost. However, in the trend of a knowledge economy development, skilled workfoce with high levels of qualification and creativity is an advantage. Moreover, many modern technologies that can trigger new revolution in many respects of the world economy such as 3D printing technology, robotics and automation is labor-saving; (iii) Challenges in state administration is also among the biggest ones in our country. Besides challenges in non-traditional security will create huge pressure if the state is short of technology and management skills to cope with. Some emerging industrial countries and many developing countries are competing fiercely to attract investment and cooperate for technology transfer, quickly applying the technological achievements and progress of the Fourth Industrial Revolution for advantages of development. Vietnam's big pressure lays on the alertness of integration, international cooperation, and the development of a market economy mechanism, especially in science and technology markets, improving environments for business and investment, retaining earnings forinvestment intechnology and technologicaltransfer, and promoting rapid application of scientific and technological achievements into economic development.

 

I. Khái quát lịch sử hình thành các cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới từ trước cho đến nay

 

Theo nhiều nhà nghiên cứu, thế giới đã và đang trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp, đó là:

 

Lần thứ nhất, diễn ra tại Tây Âu và Bắc Mỹ từ đầu thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19 với thành tựu nổi bật là việc chế tạo máy móc (đặc biệt là đầu máy hơi nước), phát triển giao thông (đường sắt và đường biển).

 

Lần thứ hai, được bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ 19 đến đầu Thế chiến thứ nhất (1914) với thành tựu cơ bản là động cơ đốt trong (gắn với sự hình thành của các xe cơ giới) và điện. Phạm vi của cuộc cách mạng công nghiệp lần II diễn ra rộng hơn so với lần thứ nhất, tuy nhiên trung tâm của nó vẫn nằm tại châu Âu và Bắc Mỹ.

 

Lần thứ ba, được bắt đầu vào cuối những năm 1960 với sự xuất hiện của ngành điện tử và công nghệ thông tin. Cuộc cách mạng này vẫn còn tiếp diễn và chưa xác định được thời điểm kết thúc. Đây là cuộc cách mạng gắn với quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, với phạm vi ảnh hưởng đến hầu hết mọi quốc gia trên thế giới.

 

Lần thứ tư, được manh nha hình thành vào đầu những năm 2010. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ra đời trên cơ sở nền tảng của cuộc cách mạng lần thứ ba, trọng tâm là các phát minh, phát kiến và sự kết hợp của ba đại xu hướng vật lý, số hóa và sinh học hay là sự kết họp của ba giới: thế giới vật chất, thế giới ảo (thế giới số) và thế giới sinh vật. Tương tự như lần thứ ba, cuộc cách mạng công nghiệp lần này cũng được dự đoán có một ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 này đang phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng tốc độ, phạm vi và sự tác động hệ thống.

 

II. Những nội dung căn bản của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động chung của chúng đối với sự phát triển của loài người

 

1) Những nội dung chính của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

 

Tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016 (từ 20-23/01/2016) tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ), một trong những nội dung quan trọng được đề cập là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số tác động có thể có của nó đếnsự phát triển của loài người. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được mang đầy đủ các đặc trưng của các cuộc cách mạng công nghiệp trước khi nó được dựa trên những phát minh về tư liệu sản xuất làm thay đổi căn bản cách thức con người tác động vào đối tượng sản suất và làm thay đổi căn bản nền sản xuất xã hội. Đồng thời, nó có những đặc tính riêng có của mình. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cuộc cách mạng này là một loạt công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, làm thay đổi căn bản giữa đời sống thế giới thực, ảo và sinh vật. Cụ thể như sau:

 

Những tiến bộ căn bản trong thế giới thực chính là sự phát triển của các thiết bị tự động hóa, công nghệ in 3D, rô bốt hiện đại và vật liệu mới. In 3D được phát triển từ những năm 1990 đến nay ngày càng phổ biến và mang tính thương mại nhờ sự phát triển của vật liệu mới và công nghệ thông tin.

 

Thế giới số hay thế giới ảo ngày càng có khả năng tương tác với thế giới thực nhờ phát triển của Internet of Things - IoT (Mọi vật Kết nối) và sự ra đời của các cảm biến hiện đại đã hiện thực hóa khả năng tự động của máy móc, chúng có thể thay thế hoạt động cơ học và trí tuệ của con người. Khi đó, một thế giới chạy bằng robot và máy tính với trí tuệ nhân tạo có thể phát triển tới mức thay thế con người trong việc phán đoán và quản lý các hệ thống phức tạp. Ví dụ, máy móc có thể lên chương trình viết phần mềm để giải quyết những nhu cầu nhất định của con người; người máy có thể chẩn đoán được bệnh tật,...

 

Trong thế giới sinh vật việc xây dựng biểu đồ gene ngày càng tốn ít nguồn lực tài chính và thời gian, ứng dụng của biểu đồ gene ngoài phục vụ chữa bệnh còn được sử dụng để tạo ra các loại thực vật làm nguyên liệu để có thể tạo ra năng lượng tái tạo thay thế năng lượng truyền thống hiện nay.

 

2) Một số tác động có thể có nói chung đến phát triển của loài người

 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bắt đầu ngay trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 chưa kết thúc. Đây là điều khác biệt so với các cuộc cách mạng công nghiệp lần trước. Mặc dù chưa có những đánh giá tác động một cách hoàn chỉnh, tuy nhiên, cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ biến đổi nhiều mô hình sản xuất và kinh doanh. Nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ra đời và làm giảm một số lợi thế của phương thức kinh doanh hiện hành. Sự ảnh hưởng sâu sắc của cuộc cách mạng công nghiệp lần này là rất sâu rộng, với tốc độ đột phá chưa có tiền lệ bởi sự tương tác, tích hợp của nhiều loại công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ tạo nên sự biến đổi mạnh mẽ, căn bản của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Sự tác động trực diện, mạnh mẽ nhất là đến chuỗi sản xuất công nghiệp. Một số tác động lớnđược nhiều nhà nghiên cứu nhận định có thể có từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như sau:

 

Đối với hoạt động sản xuất và thương mại

 

Các yếu tố đầu vào của sản xuất sẽ thay đổi căn bản. Nguồn lao động giá rẻ sẽ mất dần lợi thế do tự động hóa, robot hóa. Các ngành nghề phổ thông thuộc nhóm thu nhập trung bình sẽ giảm dần, thậm chí biến mất và thay vào đó là những việc làm đòi hỏi trình độ tay nghề cao. Cách mạng công nghệ thông tin sẽ làm giảm lợi thế của phương thức sản xuất tập trung và chia sẻ chi phí. Đất đai trở nên ít quan trọng hơn do sử dụng công nghệ in 3D, tài nguyên thiên nhiên từng bước bị thay thế bởi công nghệ vật liệu tổng hợp mới. Ngoài ra, những tiến bộ lớn về công nghệ trong sản xuất năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời, gió) sẽ làm giảm giá thành và sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không tái tạo, nhất là năng lượng hóa thạch đang tạo ra ô nhiễm và sự nóng lên của trái đất.

 

Phương thức sản xuất thay đổi, đặc biệt là cách thức quản lý với sự xuất hiện của thế giới "ảo". Những công nghệ hiện đại được tích hợp có thể kết nối thế giới thực và ảo để sản xuất, con người có thể điều khiển quy trình ngay tại nhà mình mà vẫn bao quát tất cả mọi hoạt động của nhà máy thông qua sự vượt trội về Internet. Có thể coi IoT là mối quan hệ giữa vạn vật (các sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, v.v...) và con người thông qua các công nghệ kết nối và các nền tảng khác nhau. Hiện tại, có hàng tỷ thiết bị trên toàn thế giới như điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính được kết nối internet. Tuy nhiên, số lượng thiết bị được dự kiến sẽ tăng mạnh mẽ trong vài năm tới, ước tính vài tỷ đến hơn một nghìn tỷ thiết bị. Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức mà chúng ta quản lý chuỗi cung ứng bằng cách cho phép chúng ta giám sát và tối ưu hóa tài sản và các hoạt động đến một mức rất chi tiết. Đồng thời, phương thức sản xuất mới sẽ làm sản lượng của các ngành sản xuất nói chung và công nghiệp nói riêng được đẩy mạnh hơn, nhanh hơn bao giờ hết.

 

Tạo ra các tiến bộ về công nghệ gene thế hệ mới và các tiến bộ khác trong lĩnh vực y sinh học, tạo điều kiện phát triển các loại thực phẩm biến đổi gene, cải tạo các giống cây trồng và vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao để nâng cao năng suất.

 

Làm giảm đáng kể chi phí vận chuyển và liên lạc, dây chuyền hậu cần và cung cấp toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, chi phí thương mại được giảm thiểu. Sự phát triển công nghệ thông tin và số người sử dụng internet tăng nhanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử và đem lại lợi ích hết sức to lớn đối với người tiêu dùng thông qua việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới với chi phí thấp. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng có điều kiện ứng dụng các công nghệ thông tin vào điều hành hoạt động (thành phố thông minh), úng dụng công nghệ tự động hóa trong thi công công trình kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên,thương mại điện tử gây ra những lo ngại về an ninh trong các giao dịch mua bán trực tuyến, vấn đề về dịch vụ logistic giao hàng, dịch vụ logistic xuất nhập khẩu.

 

Đối với lĩnh vực y tế

 

Sự tiến bộ về công nghệ gien không chỉ thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất mà nó còn tạo ra sự đột phá trong công nghệ y học. Nhiều chứng bệnh nan y có thể được chữa khỏi. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các robot trong các ca điều trị, nhất là trong phẫu thuật đã làm tăng đáng kể sự thành công. Con người hoàn toàn có thể được kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Đổi với văn hóa, xã hội

 

Sự thay đổi về thói quen sản xuất, tiêu dùng, cách thức quản lý, sẽ làm biến đổi mạnh mẽ về văn hoá và lối sống của loài người. Công nghệ một mặt làm cho một nhóm xã hội thông minh hơn, mặt khác lại có thể làm cho nhiều nhóm xã hội khác "lười" tư duy, thụ động và phụ thuộc vào những sự "lập trình" sẵn kể cả trong cuộc sống gia đình.

 

Trong một xã hội khi người nào có trình độ tay nghề cao sẽ tận dụng được sức mạnh công nghệ và sẽ có thu nhập cao hơn. Sự chênh lệch giàu nghèo của tầng lớp được coi là "sáng tạo" nhất so với những lao động "tay chân" là rất lớn. Từ đó, bất bình đẳng xã hội có thể sẽ được kéo dãn ra lớn hơn, tạo một khoảng cách khó san lấp.

 

Tình trạng bị mất việc làm do sự thay đổi của công nghệ, đặc biệt đối với những tầng lớp trung niên chưa thích nghi kịp sẽ tạo ra những cú sốc cho xã hội. Điều này không chỉ diễn ra ở các nước đang phát triển mà còn diễn ra ở các các nước phát triển. Khi robot và tự động hóa lên ngôi, nhũng người làm trong các lĩnh vực trung gian, đặc biệt là những nhân công trong ngành vận tải, kế toán, môi giới bất động sản hay bảo hiểm cũng sẽ thất nghiệp.

 

Đối với các quốc gia

 

Khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội có thể ngày càng trầm trọng hơn. Một thế giới sẽ trở nên "phẳng" hơn cho các nước nghèo nếu họ có sự chủ động thông minh và gặp được vận may. Tuy nhiên, ngược lại nếu các nước nghèo bị động thích nghi, sẽ là nhũng hố sâu chênh lệch hơn nữa trong sự phát triển với các nước giàu.

 

Công nghệ và thiết bị sẽ ngày càng cho phép người dân tiếp xúc dễ dàng và gần hơn tới chính phủ để nêu ý kiến, cũng như giám sát quá trình hoạt động. Đồng thời, các chính phủ cũng dựa vào công nghệ để tăng cường khả năng lãnh đạo của mình đối với người dân dựa trên những hệ thống giám sát rộng rãi và khả năng điểu khiển hạ tầng số. Tuy nhiên, xét về tổng thể, các chính phủ sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực thay đổi cách thức tiếp cận của họ với sựtham gia của công dân dưới sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ. Chính vì vậy, khả năng thích ứng là yếu tố then chốt quyết định sự tồn tại của các chính phủ. Nếu có thể bắt kịp một thế giới với những thay đổi đột phá, cải thiện cơ cấu để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động, các chính phủ sẽ tồn tại. Ngược lại, nếu không thể thích ứng, họ sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề về điều hành và quản lý.

 

- Việc quản trị quốc gia cũng đang đặt gặp nhiều thách thức về an ninh phi truyền thống. Các cuộc biểu tình, bạo loạn, thậm chí khủng bố hay lật đổ chính quyền chỉ từ những hình ảnh, thước phim có tính kích động, kêu gọi được khuếch tán nhanh chóng qua internet. Không những thế, tất cả các nước đều phải đối diện với các cuộc khủng bố bằng công nghệ cao, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và vật chất. Bên cạnh nhũng khả năng tấn công bằng hạt nhân, sinh hóa học thì những cuộc tấn công làm tê liệt hệ thống điện, viễn thông,... cũng sẽ gây ra tác hại vô cùng nghiêm trọng.

 

III. Những tác động được dự đoán có thể có từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến Việt Nam

 

Đối với Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trước mắt đem lại những cơ hội và thách thức chủ yếu sau:

 

1) Cơ hội

 

- Có điều kiện tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu đặc biệt là quản lý ở cả nền kinh tế, hệ thống chính quyền các cấp, tất cả các ngành lĩnh vực, ở các doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình.

 

- Cơ hội phát triển nhanh hơn nhiều ngành kinh tế và phát triển những ngành mới thông qua mở rộng ứng dụng những tiến bộ, thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển, công nghệ sinh học (thuộc các lĩnh vực như công nghiệp không gian, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp giải trí, công nghiệp sinh học, công nghiệp quốc phòng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,...).

 

- Cơ hội đón đầu, hình thành và phát triển nhanh nền kinh tế tri thức, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp những nước đi trước trong khu vực và thế giới thông qua tiếp thu, làm chủ và ứng dụng nhanh vào sản xuất kinh doanh, quản lý những tiến bộ, thành tựu công nghệ (kể cả phương thức sản xuất, quản lý) từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Đối với năng lượng tái sinh, đặc biệt là năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học, Việt Nam có lợi thế đối với hai loại hình năng lượng này bởi chi phícủa nó không quá cao. Việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng sẽ giúp Việt Nam giảm tải được áp lực về môi trường và sự phụ thuộc vào bên ngoài đối với thủy điện, nhiệt điện, dầu khí và điện hạt nhân.

 

Lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mạng xã hội, di động, phân tích và điện toán đám mây (SMAC) đang là xu hướng mới mẻ của cả thế giới và Việt Nam có cơ hội phát triển lĩnh vực này. Với lợi thế hiện có có hạ tầng Internet tương đối tốt, giá rẻ trong khi thiết bị di động cấu hình cao, giá thấp đang trở nên phổ biến cũng như sự khuyến khích phát triển của chính phủ, Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghệ SMAC rất lớn. Một yếu tố thuận lợi nữa là Việt Nam có các đối tác quan trọng là các tập đoàn công nghệ lớn và có nhiều kinh nghiệm như Microsoft trong quá trình tư vấn, xây dựng, và phát triển SMAC nói chung và điện toán đám mây tại Việt Nam. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư này là một cơ hội để Việt Nam đuổi kịp các nước phát triển trong kỷ nguyên số. Việc ứng dụng kỷ nguyên số còn cho phép chúng ta đẩy nhanh được việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều ngành nghề, góp phần khắc phục những khó khăn hiện có. Những ngành cần ứng dụng này nhất hiện nay là thương mại điện tử, giao thông vận tải, đo lường địa chất, hay đo lường chất lượng môi trường.

 

- Công nghệ sinh học, y học có tác động mạnh mẽ đến năng suất cũng như chất lượng cây trồng vật nuôi, từ đó, tăng giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm nông nghiệp. Việt Nam được đánh giá vẫn có lợi thế đối với ngành nông nghiệp. Nếu có những sự cải cách về giống cùng cách thức nuôi, trồng sẽ tạo ra một nền nông nghiệp sạch với các sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

 

Đối với lĩnh vực y tế, nhiều bệnh nan y, nhất là ung thư đang trở thành vấn đề sức khoẻ mang tính chất toàn cầu, gây ra những mất mát về người, sự tốn kém về kinh tế trong điều trị và ngăn chặn. Những công trình nghiên cứu của công nghệ sinh học ứng dụng thành công trong y dược, đặc biệt là trong sản xuất thuốc và trong chuẩn đoán bệnh là đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn tới đây.

 

2) Thách thức

 

- Thách thức trong lĩnh vực giải quyết việc làm: Với sự mở rộng ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa. Các hệ thống robot có trí thông minh nhân tạo sẽ thay thế con người trong nhiều công đoạn hoặc trong toàn bộ dây chuyền sản xuất nhất là trong những ngành sử dụng nhiều lao động. Đây là một trong những thách thức lớn nhất, bởi chuyển dịch cơ cấu lao động trong gần 20 năm qua của Việt Nam rất chậm và chậm hơn nhiều nếu so với chuyển dịch cơ cấu GDP.Nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn dựa nhiều vào các ngành thâm dụng lao động giá rẻ. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của kinh tế tri thức, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực sáng tạo mới là lợi thế. Hơn thế, các công nghệ hiện đại châm ngòi cho cuộc cách mạng mới trong nhiều ngành trong nền kinh tế thế giới như công nghệ in 3D, robot và tự động hóa lại sử dụng rất ít nhân công. Các loại hình công nghệ này sẽ thách thức mô hình "sản xuất hàng loạt" bằng mô hình "tùy chỉnh hàng loạt" và tự động hóa với chi phí thấp hơn. Trong tương lai, nhiều lao động trong các ngành nghề của Việt Nam có thể thất nghiệp ví dụ như lao động ngành nông nghiệp, dệt may, kế toán, lắp ráp và sửa chữa thiết bị, số lao động này hiện đang chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong lực lượng lao động của nước ta hiện nay. Ngoài ra, nhân lực kém cũng làm một cản trở về nâng cao năng lực tiếp thu, làm chủ và ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới ở các quy mô doanh nghiệp, ngành lĩnh vực và cả nền kinh tế trong điều kiện xuất phát điểm phát triển của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước.

 

- Thách thức về quản trị nhà nước cũng là một trong những thách thức lớn nhất đối với nước ta. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn nếu công cuộc cải cách cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng được Nhà nước đề ra thực hiện không thành công. Bên cạnh đó những thách thức về an ninh phi truyền thống sẽ tạo ra áp lực lớn nếu Nhà nước không đủ trình độ về công nghệ và kỹ năng quản lý để ứng phó.

 

- Các nước công nghiệp mới nổi và nhiều nước đang phát triển đều cạnh tranh quyết liệt, tìm cách thu hút, hợp tác để có đầu tư, chuyển giao công nghệ, nhanh chóng ứng dụng những thành tựu công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đem lại để giành lợi thế phát triển. Áp lực lớn cho Việt Nam về sự tỉnh táo trong hội nhập, hợp tác quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường nhất là thị trường khoa học công nghệ, cải thiện đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, tích lũy đầu tư để thu hút chuyển giao, ứng dụng nhanh những thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển nền kinh tế.

 

IV. Một số kiến nghị

 

Để tận dụng được những cơ hội và đối phó với những thách thức từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, Việt Nam cần phải xây dựng và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của mình.

 

- Trước hết cần xây dựng một nhận thức chung trong toàn xã hội đối với những thay đổi nhanh chóng do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tới. Sự chủ động và sẵn sàng là một điều rất quan trọng, góp phần "tăng tốc" nhanh lúc ban đầu của một quốc gia.

 

- Đổi mới thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý có tính đến tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư. Trước hết nhanh chóng hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển thị trường khoa học công nghệ theo hướng hội nhập, xây dựng môi trường pháp lý cho phát triển các ngành nghề kinh doanh mới ở Việt Nam đang bắt đầu nảy sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp. Nhà nước cần tạo điều kiện thật thuận lợi về môi trường cho các doanh nghiệp được tiếp cận, tham gia và ứng dụng các công nghệ tiên tiến.

 

- Rà soát và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế theo hướng đón đầu, lựa chọn và đi thẳng vào khai thác sử dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp thứ tư. Coi khoa học công nghệ là một trong yếu tố dẫn dắt quá trình tái cơ cấu kinh tế. Thu hút đầu tư gắn liền với nhiệm vụ thu hút ứng dụng tiến bộ, thành tựu công nghệ của thế giới.

 

- Các cấp, ngành cần nhanh chóng rà soát, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động để sẵn sàng các điều kiện và thực hiện ngay từ bây giờ việc hội nhập, hợp tác, chủ động đón nhận, đưa Việt Nam vào nhóm nước đang phát triển đi đầu trong tham gia, thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư. Đổi mới tư duy, bộ máy và phương thức quản lý điều hành, hoạch định cơ chế chính sách phù hợp với sự thay đổi có tính cách mạng về công cụ, công nghệ sản xuất và quản lý. Đặc biệt là yêu cầu về xử lý tổng hợp khối lượng thông tin lớn, phản ứng nhanh nhạy với các tình huống và tính minh bạch trong quản lý, ra quyết định.

 

- Xây dựng và thực hiện chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực hội nhập đón nhận cách mạng công nghiệp thứ tư cho doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một khu vực tư nhân năng động có thể tạo ra nhu cầu mạnh mẽ và hấp thụ tri thức tiên tiến cho nhũng hàng hóa có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp khi đó có thể tham gia hiệu quả hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đóng vai trò dẫn dắt trong các chuỗi giá trị nội địa và các cụm (cluster) công nghiệp.

 

- Đổi mới lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề theo hướng hội nhập quốc tế, đào tạo và đào tạo bổ sung để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ làm nên cách mạng công nghiệp thứ tư. Trước hết khoa học, công nghệ và giáo dục đại học phải đạt trình độ tiên tiến, đủ năng lực cung cấp tri thức và nhân lực chất lượng cao cho khu vực doanh nghiệp. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển năng động trong một môi trường cạnh tranh hướng đến hiệu quả và có đóng góp quan trọng vào nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam phải phát triển một hệ thống các việnnghiên cứu năng động, hiệu quả và liên kết với mạng lưới tri thức toàn cầu. Các viện nghiên cứu của Nhà nước phải được tái cơ cấu theo hướng tự chủ cao để phù hợp với nền kinh tế thị trường, thực hiện nghiên cứu ứng dụng theo hợp đồng với khu vực doanh nghiệp, trong khi tập trung vào nghiên cứu cơ bản có tính cạnh tranh để phục vụ cho các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội. Các viện nghiên cứu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, cũng được hình thành và phát triển nhằm cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo của cả khu vực tư nhân và khu vực nhà nước./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Báo Tin tức Việt Nam (2016), "Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4", tham khảo tại: http://baotintuc.vn/tu-lieu/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu- 4-kv-i-20160120215723260.htm

Emblemsvâg, J. (2016), Reengineering Capitalism: from industrial revolution towards sustainable development, Springer International Publishing.

Nghiên cứu quốc tế (2014), "Cách mạng công nghiệp", tham khảo tại: http://nghiencuuquocte.Org/2014/12/l 1/cach-mang-cong-nghiep/

Schwab, K. (2016), The Fourth Industrial Revolution. World Economic Forum.

VTV (2016), "Khai mạc diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 46 tại Davos, Thụy Sỹ", tham khảo tại: hưp://vtv.vn/the-gioi/khai-mac-dien-dan-kinh-te-the- gioi-lan-thu-46-tai-davos-thuy-sy-20160120132815368.htm

 

Nguồn: kinhtetrunguong.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024723855

TRUY CẬP HÔM NAY: 8549

ĐANG ONLINE: 20