Để nhà trường không còn xa doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực


(HQ Online)- Con số hơn 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp một phần đã cho thấy trình độ và kỹ năng của họ không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội nên rất khó tìm việc. Do đó, để rút ngắn khoảng cách giữa yêu cầu của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo về chất lượng đầu ra, nhà trường và doanh nghiệp đang tăng cường hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu.

 

Chuyến tham quan của sinh viên Đại học Công nghiệp TP.HCM đến các DN là trải nghiệm tuyệt vời giúp các bạn nắm bắt rõ hơn công việc tương lai của mình.
 
Kết thúc học kỳ doanh nghiệp hơn 2 tháng đầu năm 2017 tại khách sạn Majestic, bạn Biện Huỳnh Quan, sinh viên năm thứ 2 ngành Quản trị khách sạn, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) trở nên tự tin hơn với “vốn liếng” kinh nghiệm thực tế vừa tích lũy được. Biện Huỳnh Quan hào hứng bày tỏ: “Không chỉ hiểu biết rõ hơn về ngành nghề mà mình lựa chọn, khi tham gia học kỳ doanh nghiệp, em có cơ hội phát triển thêm các kỹ năng chuyên môn như pha chế cocktail, showmanship; các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, khả năng quản lý và sắp xếp thời gian...”.

Đặc biệt, kết thúc học kỳ doanh nghiệp, sinh viên được các khách sạn Intercontinental, Majestic và Đông Phương Group cấp giấy chứng nhận tham gia chương trình. Đây là chứng nhận được các hệ thống nhà hàng khách sạn trên cả nước công nhận, giúp sinh viên có lợi thế hơn khi ứng tuyển tại mọi doanh nghiệp. Lợi thế tiếng Anh tích lũy trong thời gian học tập cũng là điểm cộng giúp các sinh viên dễ dàng phỏng vấn vào các tập đoàn khách sạn cao cấp.

TS Nguyễn Toàn, Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp và việc làm sinh viên, HUTECH  cho biết, học kỳ doanh nghiệp là một trong những hoạt động kết nối doanh nghiệp trong phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy, nhận sinh viên thực tập và thi kiểm tra, đánh giá mà trường HUTECH đã ký kết hợp tác đào tạo toàn diện với các doanh nghiệp nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp. Theo đó, thông qua quá trình học tập và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, sinh viên có điều kiện trau dồi kiến thức chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm thực tế.

Cụ thể, trong năm học 2013-2014 có 19 doanh nghiệp đã ký kết hợp tác cấp trường và cấp khoa; Năm học  2014-2015  có 13 doanh nghiệp ký kết hợp tác cấp trường; Năm 2015-2016 có 7 doanh nghiệp ký kết hợp tác cấp trường.

Ngoài ra, theo ông Toàn, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, nhà trường còn thực hiện việc thu thập kết quả đánh giá sinh viên tốt nghiệp về sự đáp ứng của chương trình đào tạo với công việc thực tế từ phía doanh nghiệp. Từ đó, nhà trường cập nhật các kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành vào chương trình đào tạo của từng ngành sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, góp phần tăng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và việc làm phù hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Tương tự, để rút ngắn khoảng cách đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM cũng đang kết nối với khoảng 100 doanh nghiệp và tập đoàn lớn nhằm hợp tác phát triển mô hình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng thực tế của xã hội. Theo đó, ngay từ những năm học đầu tiên, sinh viên của trường sẽ được tiếp cận, học hỏi tại môi trường làm việc thực tiễn ở các doanh nghiệp, nắm bắt xu hướng ngành nghề nhằm đáp ứng với nhu cầu nhân lực của xã hội. Cụ thể, với từng môn học, nhà trường sẽ mời những giảng viên đang làm việc ở lĩnh vực liên quan đến môn học đó về chia sẻ với sinh viên, hoặc sinh viên sẽ được đến doanh nghiệp để tham quan và tham gia quá trình làm việc của doanh nghiệp.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, khảo sát thực tế nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp qua các năm cho thấy nhu cầu nhân lực trung cấp và cao đẳng luôn chiếm tỉ trọng cao. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng không quá chú trọng bằng cấp. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công.

Trong khi phần lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp đều không đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, kỹ năng thực hành còn yếu và thiếu những kiến thức kỹ năng mềm, khoảng cách giữa học lý thuyết và thực tế công việc còn lớn, đa phần doanh nghiệp phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung. Theo đó, sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích cho sinh viên tốt nghiệp, cho nhà trường và doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện nay việc liên kết này chưa chặt, còn “xa” doanh nghiệp. Theo ông Tăng Trí Hưng, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, các trường thường mạnh đào tạo theo lý thuyết nhưng lại thiếu sự cập nhật thực tế xã hội. Nhà trường nên đến với doanh nghiệp, cùng giải quyết cái khó của doanh nghiệp trong vấn đề chuyên môn. Lãnh đạo trường, ngành nên tới tham quan trực tiếp nơi sản xuất của nông dân, xem thực tế họ cần gì để mình hỗ trợ kịp thời cũng là tìm vấn đề thực tế cho sinh viên nghiên cứu.

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, hàng năm tại thành phố có trên 80.000 sinh viên có trình độ Đại học và 50.000 sinh viên có trình độ Cao đẳng tốt nghiệp, kể cả số học viên Trung cấp, công nhân kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn có khoảng 180.000 người có nghề, có nhu cầu việc làm, trong đó các ngành nghề chuyên môn kỹ thuật chiếm 40%, các ngành nghề chuyên môn quản lý nghiệp vụ chiếm 60% tổng số ngành nghề được đào tạo.

Với số lao động dồi dào như trên, nếu việc đào tạo của nhà trường gắn kết chặt chẽ với DN, biết nhu cầu của DN, nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên, thì cơ hội việc làm cho sinh viên khi ra trường là rất lớn. Qua đó giải quyết cơ bản bài toán hiện nay là DN thiếu nhân lực có tay nghề, trong khi xã hội lại thừa cử nhân thất nghiệp.

Thu Dịu
 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024934867

TRUY CẬP HÔM NAY: 183

ĐANG ONLINE: 27