Làm trái nghề: Quan trọng là tạo ra giá trị lao động


“Với tôi, tôi vẫn sẽ khuyến khích con mình lựa chọn những ngành, nghề phù hợp với sở thích, năng lực của nó và nhu cầu của xã hội. Cho dù ngành nghề đó không hot đi chăng nữa…” Đó là chia sẻ của ông Trần Anh Tuấn, P.GĐ trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP.HCM.


Đứng trước việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai, nhiều teen cho rằng: “Mình cứ chọn đại một nghề để thi. Thực tế có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đều phải đi làm trái với ngành, với nghề được học. Vì vậy, cứ chọn đại đi. Nghề chọn mình chứ mình không chọn được nghề”.
 
Nghề chọn lại mình
 
Có thể nhiều người sẽ phản đối quan điểm trên, nhưng ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP.HCM) lại có phần đồng ý và cho rằng đó cũng là một việc hoàn toàn bình thường trong thời buổi kinh tế thị trường, đặc biệt là thời kỳ mở cửa hội nhập hiện nay.


Ông Trần Anh Tuấn trả lời thắc mắc của học sinh về việc chọn ngành, chọn nghề
 

Ông cho rằng, nếu học một ngành và sau khi ra trường lại làm đúng với ngành nghề đó thì thật sự quá hạnh phúc, không có gì để bàn cãi. Nhưng trong quá trình học lẫn sau khi ra trường, ta nhận ra mình với nghề đó không có cái duyên. Nghĩa là không mình không phù hợp, mình không có tố chất và mình chỉ có thể dừng lại ở mức độ trung bình của công việc thì không thể nào tạo ra được giá trị lao động tối ưu cho bản thân và xã hội. Vậy tại sao chúng ta lại không thử một nghề khác phù hợp hơn?


Ông quan niệm: “Những năm ở giảng đường chỉ là quá trình học nghề, sau khi ra trường bạn mới bắt đầu làm nghề. Vậy mình phải làm nghề với những nghề phù hợp nhất với mình. Đó chính là quá trình nghề chọn lại ta. Cho dù có làm trái nghề, nhưng bạn làm bằng tất cả đam mê, tinh thần trách nhiệm và tạo ra những giá trị lao động thật cao, thật tốt thì không có gì phải xấu hổ cả”.


Về vấn đề này, ông cũng chia sẻ thêm: “Trong xã hội hiện nay, việc bạn có tạo ra giá trị của sức lao động không mới là điều quan trọng nhất. Cùng với bằng cấp, chứng chỉ sau quá trình học ở trường, thì yếu tố này sẽ tạo ra một người lao động tốt, có ích cho xã hội hiện đại”.

 
Sẵn sàng cho con học trung cấp chuyên nghiệp


Ông Tuấn Anh cho biết: “Nước ta hiện có tất cả hơn 300 nhóm ngành nghề phù hợp với trong thị trường lao động mở, hội nhập với nền kinh tế trong khu vực và thế giới. Con số này là cao hơn rất nhiều so với các ngành nghề được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên cả nước. Đồng thời, nhu cầu lao động của riêng TP.HCM ở thời điểm này là hơn 270.000 người”.


Con số này cho thấy thực chất có rất nhiều ngành nghề không có trong hệ thống giáo dục, nhưng khi ra đời, người lao động vẫn có thể thực hiện và làm tốt. Các bạn đừng lo không có việc làm sau khi tốt nghiệp, bởi nhu cầu luôn có và quan trọng là chúng ta có hòa vào được xu thế, thay đổi mình để thích nghi hay không.


Ông Trần Anh Tuấn, P.GĐ Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM
 

Hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của nước ta hiện nay được chia thành 8 nhóm ngành nghề, gồm: cơ khí, công nghệ thông tin - kinh tế, khoa học tự nhiên - kiến trúc, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục - sư phạm, chăm sóc sức khỏe, nông lâm thủy sản, văn hóa - nghệ thuật - thể thao. Mỗi nhóm ngành nghề này đang thu hút một lượng người theo học chênh lệch nhau, thậm chí chênh lệch rất nhiều. Điều này dẫn đến sự mất cân đối, ngành quá thừa và ngược lại cũng có ngành quá thiếu nguồn nhân lực.


Trước đây, kinh tế, tài chính là nhóm ngành rất hot và được rất nhiều sinh viên theo học. Điều này dẫn đến số lượng người ra trường không có việc làm. Một tín hiệu đáng mừng là con số này hiện nay đã có giảm và các ngành cần nhân lực hơn như cơ khí, kỹ thuật, quản trị du lịch, thiết kế thời trang… lại tăng lên. Đây là điều hoàn toàn phù hợp so với xu thế và nhu cầu về nhân lực hiện nay.


Nhắn nhủ với các bạn trẻ, ông Tuấn Anh vẫn không ngại ngần chia sẻ với vai trò là một phụ huynh: “Với tôi, tôi vẫn sẽ khuyến khích con mình lựa chọn những ngành, nghề phù hợp với sở thích, năng lực của nó và nhu cầu của xã hội. Cho dù ngành nghề đó không hot đi chăng nữa. Về năng lực, tôi sẵn sàng chấp nhận cho con học trung cấp chuyên nghiệp hay cao đẳng nếu con không đủ năng lực hay chương trình đại học không có ngành đó. Bởi phải chọn học và chọn nghề vừa sức với mình”.

 

Phạm Phúc
Nguồn: thuchienuocmo.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880305

TRUY CẬP HÔM NAY: 2624

ĐANG ONLINE: 8